Công nhân lựa chọn về quê
Ông Nguyễn Thanh Hào - phụ trách nhân sự Cty CP Việt Hương, đơn vị đầu tư KCN Việt Hương - chia sẻ: Ngoài đầu tư KCN Việt Hương, DN này còn có một DN sản xuất liên doanh nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ và phổ thông cho hai đơn vị đều khó.
“Tổng nhu cầu tuyển dụng vào khoảng 200 người từ đầu năm đến nay nhưng rất khó tuyển vì không có nguồn cung. Ví dụ tuyển phiên dịch, chuyên dịch các văn bản về hợp đồng, chuyên sâu về pháp luật chẳng hạn thì rất khó tìm ra người. Lao động phổ thông thì phải đăng tuyển quanh năm” - ông Hào nói.
Một số DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc cũng than phiền thiếu lao động. Ông Phạm Thanh Long - phụ trách nhân sự Cty Bình Minh (KCN Sóng Thần, Bình Dương) - cho rằng hiện nay việc tuyển dụng lao động phổ thông, đặc biệt là lao động trẻ không còn dễ như trước.
Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương.Ảnh: L.T
Tương tự, tại Cty Chutex (KCN Sóng Thần), đơn vị này quanh năm đăng tuyển lao động để bù vào số lao động nghỉ việc, nhảy việc, tuy nhiên, theo đơn vị này, nguồn cung lao động bây giờ không còn dồi dào như trước.
Theo ông Nguyễn Thanh Hào, nguồn cung lao động hiện nay không còn nhiều vì một phần lớn công nhân lựa chọn về quê. Ông Hào phân tích: “Mức chênh lệch tiền lương hiện nay giữa khu vực I và khu vực II, III không cao, trong khi đó, chi phí sinh hoạt lại chênh lệch rất lớn. Một công nhân làm việc ở Bình Dương nhận được mỗi tháng 6 triệu đồng nếu tăng ca, tuy nhiên, sau khi trừ tiền thuê nhà, tiền gửi con, tiền ăn… thì họ không có tiền để dành. Còn nếu về quê, được làm gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp nên họ lựa chọn ở quê.
Một số người sau kỳ nghỉ tết thì ở quê luôn, một số lao động ngoài 30 tuổi cũng về quê, lao động trẻ không còn xem Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM là điểm đến duy nhất nữa mà có thể lựa chọn ở quê”.
Chị Nguyễn Thị Mai - làm việc tại KCN Bàu Bàng, đang tính chuyện nghỉ việc để về quê ở Hưng Yên - chia sẻ: “Chồng em đã về trước, đã ổn định công việc. Chồng em đang tìm việc cho em ngoài quê, chắc là tìm được thôi vì bây giờ nhà máy mở cũng nhiều. Em về quê, con cái được đi học trường công, có ông bà trông hộ, chi phí cũng giảm bớt, vợ chồng em sẽ có tích lũy”.
Cần có chính sách tốt để thu hút NLĐ
Ông Nguyễn Thanh Hào cho rằng, để thu hút được NLĐ đến địa phương làm việc thì địa phương phải có các chính sách, phúc lợi cho NLĐ. Cụ thể là y tế và giáo dục. Theo ông Hào, hiện nay, trường học ở Bình Dương quá tải, con CNLĐ ngoại tỉnh khó được học ở các trường công mà phải gửi về quê.
“Làm sao để tiền lương của NLĐ làm việc ở Bình Dương phải có tích lũy cao hơn làm việc ở quê thì NLĐ mới đến Bình Dương, bên cạnh đó, họ phải an tâm con cái được học hành, chăm sóc sức khỏe y tế tốt” - ông Hào nói.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho rằng: Thực tế, có những DN tuyển lao động khó nhưng vẫn có những DN hút lao động, NLĐ phải nộp đơn xếp hàng chờ được phỏng vấn, như vậy nếu DN có chính sách lương, phúc lợi tốt sẽ thu hút được NLĐ vào làm việc.
Còn theo ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Bình Dương là địa phương thu hút đầu tư khá tốt, đa dạng ngành nghề, tạo ra công ăn việc làm không chỉ cho người dân địa phương mà còn cho lao động ngoại tỉnh. Song song với thu hút đầu tư, Bình Dương luôn có các chính sách chăm lo, chương trình phúc lợi cho NLĐ mà nổi bật là nhà ở xã hội cho NLĐ, cùng với tổ chức CĐ có nhiều chương trình chăm lo cho NLĐ như Tết sum vầy, Chuyến xe mùa xuân, Xuân nghĩa tình… Mấy năm trở lại đây, tỉ lệ NLĐ trở lại Bình Dương sau tết đạt trên 97%.
“Tuy nhiên, Bình Dương vẫn có những DN thâm dụng lao động, khoa học công nghệ không cao, đó là hệ quả của giai đoạn thu hút đầu tư ban đầu, khi đó mình đang cần. Định hướng phát triển của Bình Dương là sẽ chọn lọc hơn những DN ứng dụng khá tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh, phát triển.
Về y tế, giáo dục, mỗi năm, số học sinh tại Bình Dương tăng lên vào khoảng 35.000 học sinh, hằng năm, tỉnh đầu tư từ 1.500 - 1.700 tỉ đồng để đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục nhưng vẫn chưa đủ, tỉnh đang có chủ trương kêu gọi xã hội hóa.
Chúng tôi luôn cố gắng để tạo ra môi trường lao động, môi trường sống tốt cho NLĐ và con em của họ để NLĐ không chỉ xem Bình Dương là nơi đến làm việc mà còn là quê hương thứ hai của mình để gắn bó” - ông Hưng nói.