Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN
Trong điều kiện thực hiện quy định của các đạo luật mới về tư pháp, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân tăng lên rất nhiều nhưng ngành đã nỗ lực phấn đấu quán triệt và góp phần quan trọng vào thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp và ngành Kiểm sát nhân dân. Ngành cũng tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng; đồng thời tăng cường trách nhiệm công tố để góp phần phòng ngừa tội phạm, bảo đảm chống oan sai, tập trung phối hợp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cơ quan tư pháp trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quán triệt và triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; coi trọng các khâu của công tác cán bộ, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", coi trọng việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ kiểm sát theo lời dạy của Bác Hồ là "công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Cùng với đó, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thường xuyên chăm lo công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, đã xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án về công tác tổ chức, cán bộ, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo của ngành; thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ, thực hiện việc tinh giản biên chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý các vụ việc sai phạm.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành Kiểm sát nhân dân trong hoạt động, gợi mở một số vấn đề mà Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành thực hiện tốt, hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), đẩy mạnh cải cách tư pháp.
Đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị của Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.