Máy xúc đất làm việc hết công suất. Ảnh PV
Chúng tôi có mặt trên địa bàn xã Đông Sơn, Văn Sơn, tại khu vực xóm 3, xóm 4, xóm Thống nhất đã tận mắt chứng kiến việc khai thác đất diễn ra công khai. Trên quả đồi rộng hơn 1 ha, phần lớn diện tích đã được đào đến cốt 0. Khi chúng tôi hỏi một hộ dân gần đó thì họ cho biết là đất được máy xúc tại vườn chị Thanh xóm 4, cùng với các hộ bên xóm 2, 3. Chúng tôi tiến đến hiện trường thì trước mắt trên “vườn” đồi đất được trồng toàn cây Bạch đàn gỗ trắng, bên cạnh bãi nghĩa địa nhỏ, đặc biệt là không thấy nhà cửa của gia đình chị Thanh đâu mà chúng tôi chỉ thấy 1 chiếc máy múc đang hoạt động hết công suất và từng đoàn xe tải ben nối đuôi nhau vào “ăn” đất. Một anh thanh niên đang “làm việc giám sát” cho biết thêm “đây là đất vườn của gia đình, họ cho máy xúc san mặt bằng cải tạo vườn và cho xe chở ra ngoài, còn họ chở đi đâu thì chúng tôi không biết”.
Việc khai thác đất ở Đô Lương không chỉ xã Đông Sơn, mà Doanh nghiệp còn khai thác ở xóm 11 của xã Văn Sơn và nhiều điểm khác len lỏi sau vườn các gia đình. Những vườn đồi các gia đình này “được” đào khoét nham nhở, với khối lượng đã bóc xúc ước tính hàng nghìn m3 đất đá được chuyển đi.
Người dân cho biết, thời gian gần đây, việc khai thác đất diễn ra ồ ạt lắm, nhiều hộ dân đã lợi dụng việc hạ độ cao, cải tạo vườn đồi để cho các doanh nghiệp đến khai thác vận chuyển ra ngoài đổ Dự án tại đường Yên Sơn. “Làng tôi sau lưng có khoảnh đồi cao, rộng. Nhiều hộ sau khi được máy xúc hạ độ cao rồi bán phần đất thừa cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Việc hạ độ cao vườn đồi và bán đất ra khỏi địa bàn không thấy chính quyền, cơ quan chức năng cấm cản hay có ý kiến gì”. Một người dân ở xóm 11 xã Văn sơn cho biết.
Xe vận chuyển đất ở các xã về liên tục ra vào đổ đất phục vụ cho Dự án san lấp, đắp đường tại xã Yên Sơn. Ảnh PV
Chúng tôi tiếp xúc bà con để nắm bắt tình hình trên địa bàn Xã có công trình Nông thôn mới đang xây dựng cần đổ đất hay không thì được biết là không. Và nhân dân nơi đây cũng khẳng định, các xe này chở đất đến địa bàn khác chứ không làm công trình nào trong xã cả. Có hàng trăm chuyến xe chở đất chạy rầm rập, với lượng xe chở đất đá cả ngày không những đất đá rơi vãi xuống đường mà còn băm nát các tuyến đường. “Trời nắng thì bụi tung mù mịt vào cả nhà, mưa thì lầy lội rất trơn gây khổ cho người và phương tiện đi lại. Tôi rất lo ngại cho việc hư hỏng đường sá, mất trật tự thôn xóm cũng như nguy cơ gây mất an toàn giao thông”, chị Nguyễn Thị Nhạn – một người dân bức xúc phản ánh.
Theo phản ánh của người dân chúng tôi theo sát các chuyến xe vận chuyển đất ra khỏi điạ bàn qua đoạn ngã ba chỉ cách trụ sở UBND xã Đông Sơn khoảng 50 đến 70m rồi tăng ga chạy nhanh theo hai hướng: một đường qua Ngã tư Thị trấn Đô lương và hai là hướng đường Tràng Minh rồi về đổ tại Dự án phân lô đất nền xã Yên Sơn, ngay sau cây Xăng Yên Sơn, huyện Đô Lương.
Vậy là đã rõ, doanh nghiệp khai thác tận thu đất, các hộ dân “núp bóng” san lấp đất nền nhà và cải tạo đất vườn để cho vận chuyển. Qua tìm hiểu người dân ở gần dự án ở xã Yên Sơn thì họ cho biết: “Doanh nghiệp này có tên là Công ty Việt Hà tại xã Đông Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Họ nhận thầu đầu tư cho dự án khu đô thị mới tại xã nên họ vận chuyển đất đá từ xã khác về để san lấp mặt bằng, làm đường và phân lô rồi bán cho những ai có nhu cầu.”
Ngay trong buổi sáng ngày (14/11/2018) trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, ông Nguyễn NguyênMinh cho biết: “Xã chưa biết được sự việc; và sẽ chỉ đạo cho cán bộ địa chính xã qua nắm bắt tình hình và thông tin lại.” Đến chiều cùng ngày thì Chủ tịch xã cho biết thêm “các hộ gia đình đó họ cải tạo vườn và san lấp mặt bằng, vườn họ đã có sổ đỏ cả rồi”. Khi chúng tôi trao đổi việc gia đình cho máy múc vào xúc đất cho xe chở đi ra khỏi địa bàn phục vụ cho doanh nghiệp xã có cấp giấy phép cho hộ đó không thì vị Chủ tịch xã trả lời “loanh quanh”. Được biết Nhà nước, Chính quyền tỉnh đã có văn bản chấp thuận phương án cải tạo nhà vườn, kết hợp tận thu đất chuyển đi san lấp các công trình xây dựng Nông thôn mới trong xã và chỉ được sử dụng vào mục đích san lấp phục vụ cho các công trình NTM tại địa phương mà thôi.
Trao đổi với phóng viên Quyền Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đô Lương ông Nguyễn Trọng Hợi cho biết: “chúng tôi cũng không biết được sự việc trên, chưa nghe xã phản ánh gì”. Chính quyền xã thì buông lỏng trong quản lý, cơ quan chức năng huyện thì thờ ơ với sự việc phản ánh. Việc khai thác tài nguyên đất đai diễn ra công khai, rầm rộ dài ngày giữa thanh thiên bạch nhật thế nhưng chính quyền xã, phòng quản lý chuyên môn huyện không hay để doanh nghiệp lạm dụng; cá nhân gia đình lợi dụng. Sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền để doanh nghiệp khai thác đất trái phép, khiến cho tài nguyên bị thất thoát, ngân sách thuế bị thất thu còn cá nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi. Không những thế việc khai thác, vận chuyển đất trái phép đã băm nát đường giao thông làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận nhân dân. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, huyện Đô Lương khẩn trương vào cuộc, có biện pháp xử lý, làm ổn định tình hình cho địa phương.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.