Đình trong phố

HNMCT| 20/03/2022 10:02

Làng lên phố không chỉ là sự thay đổi về hành chính. Nó kéo theo nhiều biến đổi về lối sống, kéo theo sự chia tách về văn hóa - xã hội của cộng đồng dân cư cũ. Nhưng ngôi đình làng - giờ là đình phố, vẫn là nơi lưu giữ ký ức, giá trị văn hóa, nơi gắn kết cộng đồng.

Đình trong phố
Lễ rước trong hội đình Trường Lâm. Ảnh: Linh Tâm

Tôi vẫn nhớ quãng thời gian làng tôi, một ngôi làng cổ giờ thuộc quận Long Biên (Hà Nội) vừa lên phố. Ngôi làng mấy trăm năm được chia thành ba tổ. Ban đầu, nhiều người tưởng đó chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính. Song, chỉ một thời gian sau, người ta mới nhận ra đó là sự chia tách nhiều mặt về văn hóa - xã hội. Tên làng Trường Lâm chính thức biến mất trong các thủ tục hành chính.

Ban đầu, nhiều người “níu” quá khứ, bằng cách gọi cụm dân cư Trường Lâm. Nhưng cái tên ấy không “chính danh”, không có giấy tờ nào công nhận. Vài năm, cách gọi ấy phai dần. Người cao niên vốn chung làng, chung ngõ, chung những thứ gọi là “việc làng” và những tập tục. Giờ mọi thứ tách bạch. Nhiều cán bộ dân phố là người nhập cư. Nhiều lề lối cũ mất đi. Ba tổ dân phố bắt đầu hình thành những cung cách sinh hoạt khác nhau, khiến các cụ vốn “tương cận”, dần hóa “tương viễn”. 

Giới trẻ không mấy người biết cái tên làng Trường Lâm. Lứa trung niên cũng quên dần. Nhiều nơi mất làng thì còn tên, khi tên làng được đặt cho tên phố. Lạ một nỗi, cái tên Trường Lâm lại được đặt ở... một chỗ khác, cách làng Trường Lâm hơn cây số. Người dân kiến nghị mấy lần không được, đành thôi. Cách gọi “cụm Trường Lâm” mất hẳn. Nhưng cứ đến dịp đầu năm, cái tên Trường Lâm lại trở lại với mỗi người. Làng mất đi, nhưng ngôi đình vẫn còn đó. 

Trước cứ tháng Hai, làng Trường Lâm mở hội. Khi không còn làng, người ta gọi hội đình Trường Lâm. Cứ tháng Hai, những người sống lâu năm ở ngôi làng cũ như tìm thấy chính mình. Cái ranh giới tổ nọ, tổ kia bị xóa nhòa. Từ Tết Nguyên đán, các cụ cao niên đã ngồi lại phân vai, phân việc. Các cụ chọn người điển văn, “điểm” vị chủ tế, bồi tế; “điểm danh” con nhà nọ, nhà kia đến tuổi vác kiệu rước nước, rước văn; nhẩm tính bậc trung niên sắp lên lão niên...

Hội Trường Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với đặc trưng là màn múa lột rắn, tái hiện sự tích hóa rắn của Linh Lang Đại vương khi thác, về với hồ Tây. Chùa nằm song song với đình. Hội đình, nghiễm nhiên cũng là hội chùa. Các vãi phân công nhau đón khách, người đóng oản, người đón lễ, người phát lộc... Từ đầu tháng, tiếng trống đã thì thùng. Các bậc lão niên tập tiến, tập lui sao cho đúng nhịp. Mấy chục thanh niên cũng phải lo “việc Thánh”. Người nọ nắm đai quần người kia, nối thành một “con rắn” dài uốn lượn, trườn bò, lột xác. Các giai đoạn phải tương ứng với một tuần hương, sao cho khớp thời gian, "nếu không Thánh quở”. Các nhà nghiên cứu bảo, màn múa uốn lượn, trườn bò của rắn tượng trưng cho mong ước của người dân về thoát lũ, trị thủy của cư dân nông nghiệp.

Mấy năm nay vướng dịch Covid-19, lễ hội giản tiện đi. Phần hội không còn, nhưng vẫn giữ phần lễ. Và dân làng, vẫn cứ nối nhau vào lễ Thánh. Người bản xứ, người nhập cư bỗng có sự gắn kết. Thời gian đem đến những đổi thay. Nhưng đình làng, vẫn như mảnh hóa thạch của quá khứ còn đọng lại. 

Câu chuyện của đình Trường Lâm cũng là câu chuyện chung của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ngôi làng khác của Hà Nội. Bởi vài năm nữa thôi, những làng mạc ở Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm... rồi cũng trải qua cái chu kỳ ấy. Bởi những Đống Đa, Hai Bà Trưng hay Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... nếu quay ngược lại thời gian, vốn dĩ chính là làng. Ngay “vùng lõi” Ba Đình, xưa kia là đất Thập tam trại, gồm 13 làng trại với những cái tên gắn liền với những câu chuyện lung linh huyền thoại: Ngọc Hà, Giảng Võ, Liễu Giai... Đi sâu vào những con ngõ, gặp những cụ cao niên, ta vẫn thấy hình bóng của làng trong các câu chuyện cũ. Như một lẽ đương nhiên. Chẳng có làng nào ở Bắc Bộ này không có ngôi đình. Và dù lên phố, đã từ lâu lắm, xuân về, mùa hội, cũng là mùa trở về với nguồn cội, mùa gắn kết.

Dường như khi “lên phố”, người ta thường chú trọng đến hạ tầng mà ít để tâm văn hóa. Có nhiều thói quen, tập tục cần phải loại bỏ để phù hợp với lối sống thị dân, trong một đô thị ngày càng hiện đại hơn, nhưng cũng nhiều nếp làng cần giữ lại. Nhiều lễ hội đã bị biến dạng khi lên phố. Đám rước cắt ngắn cả thời gian lẫn không gian; gián tiếp cản bước người ta đến với hội làng. Không hiếm nơi, không còn các màn lễ Thánh của Hội đồng niên, các tộc họ trong làng cũ... Đô thị gắn với nhập cư. Song, không mấy ai nhận ra, ngôi đình là nơi góp phần kết nối người cũ - người mới. Đình không chỉ là nơi thờ Thánh mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngay từ thời thơ bé, trẻ con đã chạy chơi bên mái đình làng. Ngày hè, trẻ già ngồi dưới gốc đa, mái đình hóng mát. Nhiều địa bàn “lên phố” thiếu không gian sinh hoạt văn hóa. Nhưng đình trong phố lại đang dần biến thành những không gian chỉ đơn thuần mang tính thờ tự, vừa đánh mất tính kế thừa, vừa lãng phí không gian.

Đình trong phố, cần một cách nhìn nhận, ứng xử mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đình trong phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO