Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm tham quan văn hóa nổi tiếng tại Hà Nội
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc di tích lịch sử văn hóa hàng đầu của Thủ đô và cả nước, được xây dựng năm Canh Tuất, tháng Tám, niên hiệu Thần Võ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông, trên hòn đảo lớn của Đại hồ phía Nam Hoàng thành, thuộc đất của hai phường Cổ Giám và Văn Chương. Nay nằm trên phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
Trong lịch sử, di tích là nơi thờ Thánh Nho (Khổng Tử), Chu Công, tứ phối, thất thập nhị hiền, Chu Văn An và là trường Quốc Học đào tạo trí thức Nho học của nước ta từ thời Lý đến thời Lê; đồng thời cũng là nơi dựng bia “đề danh” (hiện còn 82 bia) những tiến sĩ đã đỗ đạt trong các kỳ thi tiến sĩ từ thời Lý đến thời Lê, trong đó có nhiều danh nhân trong lịch sử nước ta.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô; 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu.
Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại. Trong những năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện để trở thành một di tích, địa chỉ thu hút, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc, nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học. Cũng tại đây, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hay trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử thường đến xin chữ đầu Xuân của các ông đồ và cầu may trong thi cử, học hành.
Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, có những đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển về mọi mặt của Thủ đô cũng như của cả nước. Từ năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng quốc gia và đến nay là Di tích Quốc gia đặc biệt. Mới đây, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch cấp thành phố. Đây là cơ hội để di tích phát huy thêm những giá trị mà mình đang có, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp xu hướng.
Làng gốm Bát Tràng
Nằm bên dòng sông Hồng, làng gốm Bát Tràng có tuổi đời hơn 700 năm. Xưa, ngoài nghề làm gốm, làng còn được mệnh danh là “làng khoa bảng - đất danh hương”. Ngày nay, Bát Tràng còn nổi tiếng hơn bởi sự trù phú khó nơi nào bằng. Là một trong 1.350 làng nghề truyền thống ở Hà Nội, nhưng Bát Tràng có niềm tự hào riêng vì nằm ở top đầu làng nghề cổ truyền không những không bị mai một mà ngày càng phát triển.
Làng gốm Bát Tràng
Ở Bát Tràng, nhiều nghệ nhân làm gốm có kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Với bàn tay khéo léo cùng sự đam mê mãnh liệt đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ Bát Tràng độc đáo. Các sản phẩm đó đã được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay. Mỗi người thợ, mỗi gia đình làm nghề gốm đều có sở trường khác nhau. Có người thiên về đường nét sao cho nước men sáng màu, ít vẽ trang trí. Có người lại chỉ chú trọng đến những kiểu tráng men 2 lớp trong một sản phẩm hoặc sáng tạo để cho ra lò những đồ gốm thô, gốm men chảy.
Gốm Bát Tràng xưa vẫn được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Và cũng chính bởi trân trọng tinh hoa bậc cao của trăm nghề đất Thăng Long xưa, cùng với những đam mê gốm cổ, nhiều nghệ nhân trong làng đã quyết gìn giữ tất cả những gì thuộc về hồn cốt làng nghề Bát Tràng.
Du khách trải nghiệm làm sản phẩm gốm
Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng, trong đó có cả những mặt hàng mỹ nghệ như: tượng và phù điêu, công nghệ cao, con giống, lọ hoa, đĩa treo tường… Điều thú vị nhất khi tham quan làng gốm Bát Tràng là vừa được khám phá, tìm hiểu tài nghệ của những nghệ nhân làm gốm nơi đây, vừa được trải nghiệm, tìm hiểu các công đoạn làm gốm thủ công độc đáo, đặc biệt các bạn có thể tự tay nặn những sản phẩm mà mình yêu thích. Những sản phẩm gốm Bát Tràng trở thành những món quà lưu niệm được nhiều du khách quốc tế yêu thích mua về.
Trong những năm gần đây, Bát Tràng trở thành điểm đến văn hóa du lịch làng nghề yêu thích của mọi đối tượng khách du lịch. Lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua sản phẩm đạt khoảng 200.000 lượt người/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Ngày 23/7, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành Quyết định 3936/QĐ-UBND, công nhận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội là Điểm du lịch. Việc công nhận Bát Tràng là "Điểm du lịch" sẽ góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch tại Bát Tràng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.