Chính quyền địa phương kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm để tôn tạo đền ngày càng khang trang, tôn nghiêm và trọng thị hơn.
Đền Cẩm Bào được xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ vị công chúa tài sắc vẹn toàn con vua Lê Thần Tông (1607-1662), dân gian thường gọi Lê Bà. Công lao Lê Bà vẫn được lưu truyền đến ngày nay, bà cùng với tướng Trịnh Xuân Lôi đã chiêu tập dân lưu tán và binh lính tổ chức khai khẩn được 370 mẫu ruộng rồi chia đều ruộng đất cho dân theo chế độ công điền, công thổ và xây dựng làng mạc trù phú, kinh tế văn hóa phát triển. Ghi nhận công trạng của Lê Bà, vua Lê đã ban thưởng một chiếc áo Gấm, bà đã chọn vùng đất cao ráo cắm chiếc áo vua ban để làm lễ tế công, ngày nay vùng đất đó thuộc đền Cẩm Bào và tên Cẩm Bào cũng được đặt cho làng sau này. Sau khi bà mất nhân dân lập đền thờ và tôn làm thành Hoàng làng, dân làng về sau không dùng danh xưng Bà trong cuộc sống hàng ngày mà gọi bằng Mệ để tránh phạm húy. Các triều đại phong kiến ban sắc phong vinh danh công trạng, vua Tự Đức ban 2 đạo sắc phong, về sau các vua Đồng Khánh, Thành Thái và Khải Định tiếp tục ban sắc phong thần và giao cho dân làng thờ phụng. Riêng đạo sắc của vua Tự Đức ghi rõ: “Lê Bà Thánh mẫu nhất nương”.
Về kiến trúc của đền bà Cẩm Bào: Xưa kia ngôi đền có Thượng điện, tả vu, hữu vu, ban thờ cộng đồng, bái đường, cột nanh, tường bao. Năm 1928 đền được nhân dân góp tiền trùng tu, tôn tạo thành ngôi đền khang trang hơn, ngoài các hạng mục cũ được tôn tạo, trùng tu, nhân dân xây dựng thêm Hạ điện.
Đền Cẩm Bào trước đây là một địa chỉ hoạt động cách mạng ở địa phương, nơi thành lập chi bộ Đảng của làng Cẩm Bào. Năm 1945, đền là nơi tập hợp lực lượng của các làng kéo xuống cướp đồn Trường và huyện lỵ Cẩm Xuyên. Năm 1949, đền là trụ sở chỉ huy của Trung đoàn Hà Tĩnh, điểm dừng chân của Thiếu tướng Nguyễn Sơn trước khi duyệt binh ở Đồn Trường để chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 - 1952, đền là trụ sở sơ tán của Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Cẩm Xuyên.
Trải qua hàng trăm năm, đền Cẩm Bào vẫn còn đó như một minh chứng hùng hồn của lịch sử văn hóa địa phương, một nơi thờ phụng vị phúc thần có công với làng và đây cũng là địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Đền Cẩm Bào còn là nơi lưu giữ, bảo quản những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều thế hệ của một vùng đất mà nhu cầu cầu về tâm linh, tín ngưỡng luôn gắn với cuộc sống người dân. Những giá trị di sản văn hóa vật thể đã trở thành tài liệu vô giá góp phần tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương.
“Non xanh là bởi nhiều cây
Thành công là bởi bàn tay nhiều người.”
Vì vậy, UBND Thị trấn Cẩm Xuyên và Ban vận động xây dựng đền Cẩm Bào rất mong nhận được sự ủng hộ, lòng hảo tâm của quý doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, đồng bào Phật tử nhân dân và khách thập phương xa gần tiếp tục đóng góp để tôn tạo đền ngày càng khang trang, tôn nghiêm và trọng thị hơn.