Đền Bà Chúa

Hồ Sỹ Tá| 14/07/2019 08:04

Đền Bà Chúa ở thôn Yên Nội, xã Liên Mạc là một nơi thờ bà Túc Trinh, có tên là “Tối Linh Từ”, dân quen gọi là đền (Bà) Chúa. Đền được xây từ thời Lê Trung Hưng và đã qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Ngày 21/6/1993, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng ngôi Đền và các chùa Anh Linh, Sùng Quang là cụm Di tích lịch sử, nghệ thuật quốc gia tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội.

Đền Bà Chúa
Đền Bà Chúa 
(Cổ Nhuế)

Làng Yên Nội nay là một thôn của xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng Cổ Nhuế. Làng ở phía Tây làng Mạc Xá, cùng một triền ven đê. Yên Nội có tên Nôm là Trại Noi.

Đền Bà Chúa có tên chữ là “Tối Linh Từ” thuộc thôn Yên Nội, xã Liên Mạc, huyên Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm. Đền nằm cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 16km về phía Tây Bắc.

Đền Bà Chúa là một công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo được khởi dựng sớm trên mảnh đất có bề dày lịch sử lâu đời. Ngôi đền nằm trong cụm di tích nổi tiếng bên cạnh là đình Yên Nội thờ Bạch Hạc Tam Giang và chùa Thánh Quang - một di tích được bà Túc Trinh xây dựng và tu hành tại đây càng làm tăng thêm giá trị của di tích. Ngôi đền được dựng lên để thờ bà Túc Trinh, một công chúa thời Trần có công chiêu mộ dân lưu tán về xây dựng điền trang thái ấp ở Yên Nội trở thành vùng đất giàu có, trù phú. Ngoài những đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội thời Trần, điền trang của bà có tác động rất lớn đến quy mô mở rộng làng xã, vỗ về làm yên lòng dân, tạo sự phồn thịnh. Hệ thống các địa danh cổ mà bà chúa khai hoang vẫn còn lưu tên gọi đến ngày nay với các tên như: Khu đồng Dư, khu đồng Bờ Ổm, khu đồng Gừng, khu đồng Sành. Đây là những tư liệu quý giá giúp cho việc tìm hiểu quy mô tính chất của một trang thái ấp thời Trần.

Căn cứ vào bài minh khắc trên quả chùa Thánh Quang đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) và được khắc lại vào năm Tự Đức thứ 28 (1875) thì niên đại khởi dựng của ngôi đền chắc chắn phải vào thời điểm sau khi bà Túc Trinh mất, nhân dân địa phương mới lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn khai hoang lập ấp của bà. Từ đó đến nay qua nhiều biến động lịch sử, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần.

Đền Bà Chúa tọa lạc trên khu đất cao, thoáng giữa khu vực cư trú của dân làng. Đền quay hướng Đông Bắc, phía trước có ao nước khá rộng. Tổng thể mặt bằng được bố trí như sau: Nghi môn, sân đền và khu đền chính.

Cổng nghi môn: gồm hai trụ lớn xây kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phượng đuôi chụm vào nhau, đầu quay bốn hướng tạo thành hình trái dành cách điệu. Thân trụ tạo gờ nổi, trên mặt ghi đôi câu đối bằng chữ Hán. Nối tiếp giữa hai trụ lớn và hai trụ nhỏ hai bên là bức tường hoa trang trí hoa vân hình học. Hai cổng phụ nhỏ hai bên xây kiểu máí chồng diêm, bốn đao mái đắp hình rồng, hai đốc mái đắp hoa vân hình học, mái lợp giả ngói ống. Nối với hai cổng nhỏ hai bên xây hai trụ biểu nhỏ. Đỉnh trụ đắp tượng nghê thế đứng hướng vào cổng.

Tiền tế gồm 5 gian hai chái, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc đắp nổi ba chữ Hán “Tối Linh Từ” (đền rất linh thiêng)  hai đốc mái đắp hình trụ diêm, phía trước hai hồi xây hai trụ biểu, kiểu trụ lồng đèn, thân trụ tạo gờ nổi, trên đỉnh trụ là hình bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau, đầu quay bốn hướng.

Trung tế là nếp nhà 5 gian hai chái xây song song với tòa tiền tế. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, mặt bằng được bố cục bằng sáu hang chân. Kết cấu kiến trúc theo kiểu chồng rường giá chiêng cũng giống như ở tòa nhà tiền tế. Trang trí chủ yếu là các đề tài hoa văn hình học, lá lật…

Hậu cung gồm ba gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp nổi bờ đinh, giữa nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt, mái lợp ngói mũi hài, kết cấu kiến trúc được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các vì được điểm xuyết các hình lá lật vân lá, hoa vân hình học tạo sự nhẹ nhàng cho kiến trúc. Gian giữa hậu cung là một ban thờ đặt tượng Bà Chúa ngồi trong khám.

Tồn tại đến ngày nay, đền Bà Chúa hiện còn bảo lưu được nhiều di vật quý hiếm, đa dạng về thể loại và chất liệu: một pho tượng Bà Chúa sơn son thếp vàng; một kiệu long đình (phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX); một quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức 28 (1875); một đôi chóe sứ men trắng vẽ lam, một đôi nghê sứ men xanh đen cao 60cm (cả bệ).

Lễ giỗ Bà Chúa hàng năm được tổ chức tại đền trong 3 ngày từ 30 tháng 7 đến mùng 2 tháng 8 âm lịch, với sự tham gia đông đảo của cả nhân dân hai làng An Hội và Cổ Nhuế. Lệ làng phải tuân thủ gồm có: không rước tượng Bà Chúa đi xa, không đốt pháo từ ngày 25 tháng 7 đến ngày mùng 2 tháng 8 âm lịch. Ngày giỗ thì làm cỗ chay, ăn chay. 

Hàng năm đến ngày 2 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ của bà Túc Trinh, nhân dân địa phương cúng bà cơm chay gồm: oản quả với cơm tẻ, muối vừng, dưa, giá, trám đen, tương… theo đúng thói quen khi bà còn sống.

Nhân dịp này, ngoài việc tiến hành lễ mộc dục, rước kiệu, dâng hương, cúng tế, còn có biểu diễn văn nghệ và chơi các trò dân gian như đánh cờ người, chọi gà... 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đền Bà Chúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO