Các trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai; đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số khó khăn. Ở một số địa phương, số lượng giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ, nhất là với môn âm nhạc, mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông. Ngoài ra, tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là tại khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa... Việc mua sắm thiết bị dạy học tại các địa phương không bảo đảm tiến độ.
Nhận thấy được bất cập nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tham mưu để cấp có thẩm quyền bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên; nghiên cứu, đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách phù hợp khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025.