Một số cá nhân là người môi giới có ý thức tư lợi cá nhân để thỏa thuận trả lãi ngoài. Huyền Như bỏ tiền cá nhân để trả lãi ngoài và phí môi giới, dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào ngân hàng.
Sau đó, Huyền Như lập chứng từ, ký giả, làm giả con dấu, tự thao tác lệnh chuyển tiền... của các đơn vị này để sử dụng cá nhân.
Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn trong phiên tòa xét xử sáng 8-2. |
Chính vì vậy, các công ty: Công ty Hưng Yên, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty cổ phần Thương mại An Lộc sập bẫy lãi suất cao của Huyền Như và bị mất 1.085 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Hưng Yên bị chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng; Công ty SBBS hơn 209 tỷ đồng; Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu gần 125 tỷ đồng; Công ty Phương Đông khoảng 380 tỷ đồng và Công ty An Lộc hơn 170 tỷ đồng.
Theo VKS, lời khai của Huyền Như tại tòa phù hợp với các chứng cứ cơ quan tố tụng thu thập được. Đối với Võ Anh Tuấn, bị cáo khai nhận ra gặp Vi Anh ở Hà Nội để huy động tiền gửi của 3 công ty, trong đó có Công ty Hưng Yên. Huyền Như cũng đã gửi hợp đồng cho Tuấn xem. Các căn cứ lời khai của Huyền Như và các nhân chứng, chứng cứ vụ án, VKS không đồng ý với lời khai của bị cáo Võ Anh Tuấn.
Cơ quan công tố cũng khẳng định không có cơ sở quy kết tội tham ô tài sản đối với các bị cáo.
Từ đánh giá trên, theo kiểm sát viên, hành vi của Huyền Như và Anh Tuấn nguy hiểm cho xã hội.
VKS cho rằng, cần mức hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Viện cho rằng, cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Về trách nhiệm hình sự, VKS đề nghị tuyên phạt Huyền Như tù chung thân. Võ Anh Tuấn bị đề nghị từ 12-14 năm tù. Tổng hợp mức hình phạt trước đó là 30 năm tù giam.
Về dân sự, VKS đề nghị, HĐXX tuyên Huyền Như phải có trách nhiệm bồi hoàn cho 5 công ty số tiền 1.085 tỷ đồng.