Giáo sư Gael McDonald: Khi tôi bắt đầu làm việc tại RMIT Việt Nam vào tháng 1 năm 2014, tôi đã ngồi lại với Ban lãnh đạo của trường đề vạch ra mục tiêu chiến lược cho trường trong thời gian một vài năm sắp tới. Khi đó chúng tôi đã quyết định tập trung vào 3 năm tiếp theo (tức là giai đoạn 2014 - 2017). Một trong những mục tiêu đề ra khi đó là tăng trưởng về số lượng sinh viên và mục tiêu này đã đạt được thông qua việc mở rộng thêm các ngành đào tạo. Các ngành học mới của RMIT có thể kể đến bao gồm: Ngành cử nhân Du lịch và Quản trị khách sạn, Cử nhân Ngôn ngữ, Cử nhân Thiết kế, Cử nhân Kỹ thuật (Kỹ sư Điện & Điện tử), Cử nhân Kỹ thuật (Kỹ sư Robot & Cơ điện tử) và ngành Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế. Chúng tôi đồng thời đã triển khai một Chương trình Đào tạo Tiến sĩ với 2 suất học bổng chương trình này dành cho phụ nữ trong năm 2017. Kết quả là hàng năm, số lượng sinh viên nhập học vào trường đều tăng lên.
Giáo sư Gael McDonald - Hiệu trưởng ĐH RMIT Việt Nam
Mục tiêu thứ 2 chúng tôi đặt ra khi đó đó là chất lượng. Chất lượng luôn là một yếu tố khó có thể xác định hay đánh giá một cách cụ thể. Vì vậy, chúng tôi đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và tập trung vào các lĩnh vực: chất lượng của các chương trình đào tạo, chất lượng trong trải nghiệm của sinh viên cũng như nhân viên, và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Một số thành tựu đạt được của mục tiêu này có thể kể đến như: thiết kế các hoạt động học tập qua trải nghiệm, giảm tải áp lực thi cử, giảm dần sử dụng sách giáo khoa trong dạy và học chuyển hướng sang các loại tài liệu mang tính cập nhật cao hơn, tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên trong trường phát triển chuyên môn, đưa vào hoạt động Phòng Đào tạo Sau Đại học – Khu vực châu Á vào năm 2015 với sứ mệnh cung cấp các chương trình sau đại học mang đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, cải tạo các toà nhà phục vụ dạy và học tại cả hai cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội theo hướng đáp ứng được yêu cầu về thiết kế và công nghệ. Chúng tôi đồng thời cũng đưa vào hoạt động phòng Giao dịch Chứng khoáng ảo vào năm 2015 và phòng Thực hành An ninh mạng vào năm 2016.
Mục tiêu thứ 3 của chúng tôi là tạo sự khác biệt với trọng tâm tăng cường trải nghiệm quốc tế cho sinh viên (cả sinh viên quốc tế học tại Việt Nam và sinh viên Việt Nam đi học tại nước ngoài), tập trung đào tạo các kỹ năng thế kỷ 21 cho sinh viên, hỗ trợ những sinh viên gặp trở ngại trong học tập, tập trung vào số hoá trong giáo dục và tăng cường củng cố mối quan hệ sẵn có với các doanh nghiệp trong ngành.
Một vài kết quả đạt được có thể kể đến là hàng năm có khoảng 200 sinh viên RMIT Việt Nam học 1 năm trao đổi tại RMIT Melbourne cũng như ngày càng có nhiều sinh viên RMIT Việt Nam đi học tại hơn 200 đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng triển khai Chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân (Personal Edge). Đây là chuỗi các lớp học chuyên đề ngắn được xây dựng với nội dung phong phú giúp sinh viên phát triển các kiến thức và kỹ năng bổ trợ hữu ích ngoài kiến thức chuyên môn giúp sinh viên có được ưu thế vượt trội về năng lực khi tham gia thị trường lao động đầy cạnh tranh cả trong và ngoài nước.
Để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn trong học tập, năm 2016 RMIT đã triển khai chương trình RMIT Access – đây là sáng kiến được áp dụng toàn trường đảm bảo quyền lợi cho các sinh viên gặp khó khăn trong học tập, ví dụ như những bạn mắc chứng khó đọc vẫn có thể học tập bình thường. Thông thường các cơ sở giáo dục sẽ tách biệt các sinh viên gặp vấn đề trong học tập, tổ chức các lớp học riêng cho họ với những sự hỗ trợ nhất định. Trong khi đó, RMIT Việt Nam có thể nói là cơ sở giáo dục đầu tiên trên thế giới chuyển đổi tất cả các tài liệu học tập về định dạng mà mọi người có thể tiếp cận được. Điều này có nghĩa là chúng tôi luôn quan tâm đến mọi sinh viên và đối với bất kỳ khó khăn nào họ gặp phải trong học tập chúng tôi sẽ đều có các phương pháp hỗ trợ thích hợp.
Chúng tôi cũng đồng thời tập trung vào số hoá việc dạy và học. Sự ra đời của Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) là minh chứng cho điều này. Đây là một trong những sáng kiến hàng đầu của trường nhằm xây dựng năng lực giáo dục tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ chuyên môn trong ứng dụng kỹ thuật số vào giảng dạy và học tập.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy vui mừng hơn cả chính là việc trường chúng tôi không chỉ tăng trưởng về số lượng sinh viên mà chất lượng sinh viên cũng được cải thiện. Những đóng góp của chúng tôi đã được ghi nhận thông qua việc chúng tôi giành được những giải thưởng uy tín nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ và những đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Các giải thưởng gần đây nhất mà RMIT Việt Nam nhận được bao gồm Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TPHCM (2017), Giải thưởng Rồng Vàng (2016), Giải thưởng Thương mại Dịch vụ (2016), Giải thưởng Chu Văn An cho những cống hiến vào sự phát triển của Việt Nam về văn hoá và giáo dục (2014).
Cuối cùng, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là sự phát triển của sinh viên. Chúng tôi cũng hết sức vui mừng khi thấy sinh viên RMIT giành nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi như cuộc thi Young Marketers, giành giải nhất trong cuộc thi Lập kế hoạch kinh doanh HSBC (Vòng quốc gia), hai sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp vinh dự được nằm trong số 300 sinh viên khu vực ASEAN và Nhật Bản tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á do Nhật Bản tài trợ cũng nhiều giải thưởng khác.
Phóng viên:Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, Việt Nam với cuộc cách mạng 4.0, RMIT Việt Nam đã chuẩn bị những gì để trang bị cho sinh viên?
Giáo sư Gael McDonald: Hiển nhiên cuộc cách mạng 4.0 yêu cầu việc nâng cao khả năng sử dụng công nghệ và chính bởi điều này nên từ ngày học đầu tiên tại trường, sinh viên chúng tôi đã được tiếp cận với hệ thống quản lý học tập trực tuyến mang tên CANVAS. Thư viện trường chúng tôi có một số lượng lớn sách và tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh, và một kho tài liệu trực tuyến phục vụ nghiên cứu một cách đắc lực bởi các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm các tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu của họ một cách dễ dàng.
Hiệu trưởng RMIT Việt Nam trao học bổng cho sinh viên tương lai
Tuy nhiên, theo tôi, đóng góp lớn nhất của RMIT chính là ở chương trình Personal Edge (Chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân) nơi sinh viên có thể học hỏi và phát triển 6 bộ kỹ năng mềm thiết yếu (Bộ kỹ năng tư duy sáng tạo, Bộ kỹ năng giao tiếp tự tin, Bộ kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, Bộ kỹ năng lãnh đạo có nhân cách, Bộ kỹ năng hoạch định sự nghiệp và Bộ kỹ năng sử dụng công nghệ số). Đối với chương trình này, chúng tôi cũng đã giới thiệu một trang web tiện ích giúp sinh viên có thể quản lý hồ sơ cá nhân trực tuyến cũng như là nơi họ có thể lưu trữ bất cứ thông tin gì liên quan đến kỹ năng phục vụ cho công việc sau này.
Phóng viên: Thế hệ sinh viên đang theo học tại trường được tiếp cận với internet, hệ quy chiếu và suy nghĩ của họ cũng khác so với sinh viên của những khóa trước. Trong khi giảng viên, nhân viên của trường ngày càng lớn tuổi. Làm sao RMIT hiểu được sinh viên để cung cấp dịch vụ giáo dục tốt nhất?
Giáo sư Gael McDonald: Trước tiên, tôi xin “sửa” lại với bạn một chút là thực ra tuổi trung bình của giảng viên và nhân viên của chúng tôi không hề già đi, tuổi trung bình của họ là 43. Thực tế, chúng tôi thường tuyển chọn giáo viên/nhân viên theo 2 nhóm. Vì chi phí cho các trường quốc tế tại Việt Nam là khá cao nên chúng tôi có xu hướng thu hút những nhân viên trẻ (chưa có con) hoặc những nhân viên lớn tuổi nhiều kinh nghiệm mà con cái đã lớn và sống độc lập. Bạn đã đúng khi nói rằng suy nghĩ hay kỳ vọng của sinh viên hiện nay đã thay đổi. Sinh viên hiện nay có mong muốn được tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành nhiều hơn. Chính vì vậy cách đánh giá sinh viên của chúng tôi cũng gắn liền với những vấn đề thực tế trong ngành. Sinh viên cũng có cơ hội đi thực tập tại các doanh nghiệp và có thể áp dụng những kiến thức đã học được tại trường.
Phóng viên: So với mặt bằng chung của các trường đại học tại Việt Nam, học phí của RMIT khá cao? Bỏ một số tiền học phí không nhỏ để theo học RMIT. Vậy trường sẽ làm gì để giúp sinh viên ra trường tìm được việc làm mang lại giá trị tương xứng với số tiền học phí đã bỏ ra?
Giáo sư Gael McDonald: RMIT Việt Nam là một trường đại học, nơi tạo ra kiến thức, chia sẻ kiến thức và cấp bằng cho sinh viên. Mục tiêu cuối cùng của việc đạt được tấm bằng là cơ hội việc làm sau tốt nghiệp; về mặt này chúng tôi tự tin mình đang làm tốt. Sinh viên của chúng tôi khi tốt nghiệp không chỉ có việc làm mà điều quan trọng là họ còn được làm ở các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Điều này chỉ có thể có được khi chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong ngành và họ luôn sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của chúng tôi vào thực tập hoặc làm nhân viên chính thức. Tôi cho rằng mọi người đều nhận ra một điều rằng chất lượng luôn song hành với số tiền bạn bỏ ra.
Phóng viên: Theo dõi sự phát triển của trường ĐH RMIT Việt Nam trong nhiều năm qua, tôi thấy những sinh viên các khóa đầu tiên ra trường được các Tập đoàn đa quốc gia mời về làm việc. Tuy nhiên, những khóa tốt nghiệp gần đây thì không có chuyện đó nữa. Sự cạnh tranh trong tìm kiếm công việc phù hợp ngày càng khốc liệt? Bà có lời khuyên gì cho sinh viên sau khi rời giảng đường?
Giáo sư Gael McDonald: Điều thú vị là các số liệu thống kê của chúng tôi lại cho thấy điều ngược lại. Trên thực tế, có rất nhiều sinh viên của chúng tôi đang làm việc cho các công ty đa quốc gia và nhu cầu tuyển dụng sinh viên của chúng tôi từ các công ty đa quốc gia cũng tăng lên. Vì vậy, chúng tôi đã tái thiết lại bộ phận hướng nghiệp để đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm. Các cựu sinh viên của chúng tôi cũng có thể được hưởng dịch vụ của bộ phận này.
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều sinh viên của chúng tôi đang mở doanh nghiệp riêng. Điều này có thể một phần là vì yếu tố khởi nghiệp là một trọng tâm trong các chương trình đào tạo kinh doanh của trường.
Trong lĩnh vực Truyền thông chuyên nghiệp và Kinh doanh thời trang, nhiều cựu sinh viên cũng đã góp phần hình thành ngành nghề của mình và luôn sẵn lòng quay lại hỗ trợ sinh viên của trường thông qua nhiều hoạt động như thuyết trình, cố vấn, nhận sinh viên vào thực tập và thậm chí là tuyển dụng sinh viên RMIT vào doanh nghiệp của họ.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo đại học của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp?. Theo bà, làm thế nào để đào tạo gắn kết được với doanh nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả?
Giáo sư Gael McDonald:Với mối quan hệ rất chặt chẽ với doanh nghiệp, chúng tôi luôn chủ động tìm hiểu họ cần gì và cố gắng đưa những điều đó vào chương trình học. Chúng tôi cũng có một đội ngũ đại diện các doanh nghiệp làm cố vấn chương trình học để đảm bảo chương trình đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong ngành. Họ cho biết họ rất cần nhân lực có kỹ năng mềm đặc biệt là có tư duy phản biện và có hiểu biết về môi trường làm việc quốc tế, và chúng tôi tự tin rằng mình đã tạo điều kiện cho sinh viên trang bị đầy đủ những kỹ năng đó.
Phóng viên:RMIT đứng ở đứng vị trí thứ 20, thuộc tầm trung trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Úc. Thế nhưng sang Việt Nam, RMIT đã đạt được khá nhiều thành công. Theo bà, đâu là chìa khóa giúp RMIT đạt được thành công như hiện tại? Bài học thành công của RMIT giúp gì cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam?
Giáo sư Gael McDonald: Cho phép tôi trả lời câu hỏi này thành 2 phần. Lý do mà RMIT có định vị tại Việt Nam khác với RMIT tại Australia là bởi vì quy mô của chúng tôi nhỏ hơn và chúng tôi có thể tạo ra thay đổi nhanh hơn. Đồng thời chúng tôi cũng có những mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn trong ngành và những ngành nghề mà chúng tôi giảng dạy. Tôi cũng cho rằng, chúng tôi hiện đang có những cán bộ giảng viên tuyệt vời là những người chủ động quyết định đến Việt Nam để đóng góp cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Điều này giúp RMIT có một nguồn nhân lực rất tận tâm với công việc.
Về câu hỏi RMIT Việt Nam có thể đóng góp gì cho giáo dục Việt Nam, tôi có thể trả lời như sau. Đây là một trong những động lực chính của việc thành lập Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE). Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động trên khắp Việt Nam nhằm hỗ trợ các chương trình đào tạo cho cán bộ nhà nước, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm xây dựng và bồi dưỡng năng lực giảng dạy – đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo ứng dụng công nghệ số. Với việc các trường đại học Việt Nam đang dần tự chủ hơn, chúng tôi cũng đã chào đón rất nhiều các trường bạn đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm điều hành và quản trị đại học.
Cũng cần phải nói thêm rằng, thành công của RMIT ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ Việt Nam, các cơ quan các cấp, các sở ban ngành tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chính phủ Việt Nam đã mở cửa cho Đại học RMIT vào hoạt động đồng thời đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều để chúng tôi có thể phát triển như ngày hôm nay.
Phóng viên:Trước khi qua Việt Nam làm Hiệu trưởng RMIT, bà đã giảng dạy nhiều chương trình đại học và sau đại học tại Úc, New Zealand, Malaysia, Macau, Hoa Kỳ, Canada. Điều gì thôi thúc bà thi tuyển vào làm Hiệu trưởng RMIT Việt Nam?
Giáo sư Gael McDonald: Tôi đã có 12 năm sống tại Macao và Hồng Kong và tôi rất thích sống ở Châu Á. Vì vậy tôi luôn tìm kiếm cơ hội để có thể quay lại Châu Á làm việc. Việc chuyển đến Việt Nam làm việc gần như là điều hiển nhiên đối với tôi vì tôi đã là Phó trưởng Khoa Kinh doanh & Luật của trường Đại học Deakin trong 5 năm. Bởi lúc đó tôi đã mong muốn được làm công việc thiên về quản lý nhiều hơn. Do đó, cơ hội làm việc tại RMIT Việt Nam đã hấp dẫn tôi. Đó cũng là cơ hội quay trở lại Châu Á làm việc – điều mà tôi luôn mong muốn. Đó là sự kết hợp vừa của yêu cầu công việc vừa của mong muốn cá nhân. Và đây cũng chính là cơ hội để con tôi có thể trải nghiệm những nền văn hoá khác nhau trong giai đoạn đầu đời.
Cảm ơn Giáo sư Gael McDonald.