Đại đức Thích Minh Đồng: Người gắn đạo với đời

Thu Hà| 29/08/2020 07:58

Một ngày tháng 7 âm lịch, trong khuôn viên xanh mát, yên tịnh của chùa Hưng Khánh (xã Phù Lưu, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), Đại đức Thích Minh Đồng đang cùng các đồng môn tu học và tinh tấn đạo nghiệp. Mùa hè năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các khóa tu dành cho học sinh, sinh viên của nhà chùa không thể tiến hành, nhưng sư thầy vẫn luôn đau đáu với những kế hoạch, dự định thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, hướng thiện, gắn chặt tình đoàn kết giữa đạo với đời…

Đại đức Thích Minh Đồng: Người gắn đạo với đời
Đại đức Thích Minh Đồng

Năm 21 tuổi mới có nhân duyên đến với đạo Phật, nhưng Đại đức Thích Minh Đồng cho biết từ ngày còn nhỏ, khi nắm tay theo bà lên ngôi chùa làng ông đã có một cảm giác bình yên trong lòng. Dưới mái chùa cổ vọng tiếng kinh kệ, hạt giống Phật giáo dường như đã được gieo sẵn trong người và chỉ cần đủ cơ duyên là nảy mầm, phát triển…

26 năm từ khi về trụ trì chùa Hưng Khánh, các Phật tử luôn thấy sư thầy bận rộn. Ngoài giờ tu học, tinh tấn đạo nghiệp thầy luôn đau đáu với những công việc thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ khó khăn hay tham gia xây dựng chùa cảnh tinh tiến, lồng ghép trong những buổi thuyết giảng để tuyên truyền vận động bà con Phật tử thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động, xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt là làm thế nào để giúp các bạn trẻ biết giữ gìn đạo hiếu, tránh xa những tệ nạn xã hội, gieo vào các em mầm thiện để lan tỏa đức hạnh cho đời là vấn đề thầy rất chú tâm.

Đại đức Thích Minh Đồng: Người gắn đạo với đời
Những giáo lý của nhà Phật được Đại Đức Thích Minh Đồng - trụ trì chùa Hưng Khánh trực tiếp thuyết giảng là những bài học quí giá và luôn hướng đến những việc tử tế trong cuộc sống.
Bận rộn là vậy, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở Đại đức Thích Minh Đồng một phong thái thong dong và tự tại, nhẹ nhàng và rất ân cần. Rót chén trà thơm ngát hương sen thầy bảo, quan niệm về từ bi, hỉ xả và làm việc thiện là một trong những quan niệm giá trị nhất của Phật giáo. Thực hành những điều trong kinh Phật dạy sẽ giúp chúng ta xây dựng, vun đắp được một cộng đồng luôn biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau và cùng sống trong tình nhân ái, bao dung.

Và cũng xuất phát từ tâm niệm đó, chương trình Hương Sen Đại Bi được thầy tổ chức hằng năm tại sân chùa với mong muốn tạo không gian văn hóa tu học cho các cháu học sinh, sinh viên hướng tới nếp sống Chân - Thiện - Mỹ. Đặc biệt hướng cho các em hạnh hiếu, biết tri ân và báo ân tới ông bà, cha mẹ, thầy cô và người xung quanh mình. 

Đến hẹn lại lên, cứ đến 19 tháng 6 âm lịch, ngày kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo, hàng ngàn học sinh, sinh viên và người dân địa phương lại về đây cùng cắm trại, thiết lập đàn tràng tụng kinh cúng dường Tam Bảo và Bồ Tát Quán Thế Âm, tham gia các trò chơi động, trò chơi tĩnh mang tính trí tuệ cao, lễ hội hoa đăng, văn nghệ Phật giáo…Theo Đại đức Thích Minh Đồng, tất cả các hoạt động trong kỳ hội trại đều mang đến cho học sinh, sinh viên những kỹ năng sống, sự hiểu biết và yêu thương muôn loài, lòng tin đối với Tam bảo, để xây dựng một cuộc sống an lạc và hạnh phúc từ tâm, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Tổ chức một chương trình lớn, với hàng ngàn người, trong đó phần đông là các em học sinh, làm sao để lứa tuổi ương ương chín chín đó thấu hiểu, lắng nghe và tham gia nhiệt tình các hoạt động của nhà chùa, thầy đã phải tự tìm hiểu, xây dựng những bài thuyết giảng, những trò chơi trí tuệ lựa theo tâm lý của trẻ để mà bảo ban, dạy dỗ. Vừa lấy lòng bao dung, độ lượng của nhà chùa, vừa lấy sự ân cần, nhẹ nhàng của người thân và tính kỷ luật của nhà trường để giáo huấn, chỉ bảo cho các em. Pháp của Phật được đưa đến với bạn trẻ bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp lứa tuổi, tâm lý và mọi giáo lý nhà Phật đều được chuyển thành những bài dạy dễ hiểu, gắn liền với cuộc sống với đầy đủ tính Chân - Thiện - Mỹ. Đó cũng là những bài học quí giá về tình mẫu tử, đạo làm con, ý chí khát vọng và luôn hướng đến những việc tử tế, những hành động đẹp trong cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các khóa tu cho sinh viên, mỗi dịp hè về, Đại đức Thích Minh Đồng còn tổ chức khóa tu cho các em nhỏ. Chương trình “Ươm mầm tuệ giác” với mong muốn giúp cho giới trẻ có tư duy tích cực, nghĩ đến điều thiện, nói điều thiện, làm việc thiện đem lại lợi ích thiết thực cho tự thân, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh. Ở các khóa tu các em đã biết thiền tọa, thiền hành, thiền ăn, thiền trà… Thực hành thiền định để các em có khái niệm suy tư sâu sắc trong tĩnh lặng, hướng cho tâm của người thực hành an tịnh. 

Tự lập để trưởng thành cũng là tiêu chí xuyên suốt của chương trình. Các em dù nhỏ tuổi nhưng cũng tự mình làm mọi việc từ giặt giũ, rửa bát, nấu cơm... tự biết chăm sóc bản thân và làm điểm tựa cho những người xung quanh để thấy mình sống có ích hơn. 

Ai đã từng tiếp xúc với thầy cũng cùng chung một nhận xét, rằng Đại đức rất tâm huyết với các bạn trẻ, thầy luôn mong muốn được gieo duyên cho các em, càng nhiều càng tốt. Nhìn những cử chỉ ân cần trò chuyện, chia sẻ, chỉ bảo các em bé trong ngày đầu xa vòng tay bố mẹ để lên chùa tu tập, ai cũng chung một cảm giác yêu thương, ấm áp vô cùng. Có lẽ vì thế mà nhiều em nhỏ đến với khóa tu ngày đầu còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ bước sang ngày thứ hai đã tự tin và khuôn phép lên rất nhiều. Các em đã biết nhặt từng hạt cơm rơi, cơm vãi, biết thưa, biết gửi và nhiều em đã khóc khi được nghe giảng về đạo hiếu, về công ơn biển trời của cha mẹ… Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua, nhà chùa là địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em mình tiếp cận giáo lý đạo Phật một cách nhẹ nhàng, bổ ích vào mỗi mùa hè.

Không chỉ quan tâm tới các bạn trẻ, thấu hiểu với những mảnh đời khó khăn ngoài xã hội, Đại đức Thích Minh Đồng còn luôn dành thời gian để thăm hỏi, chia sẻ và tặng quà giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp Tết; tặng quà cho người cao tuổi để động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Những người khuyết tật, không nơi nương tựa khi đón nhận những món quà từ Đại đức họ thấy ấm áp và vững niềm tin hơn vào cuộc sống tràn đầy nhân ái, yêu thương này.

Hằng năm, trước mỗi mùa đông về, thầy luôn kêu gọi lòng hảo tâm của Phật tử bốn phương cùng chung tay giúp đỡ cho các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng lũ lụt thiên tai. Những tấn gạo, những thùng mì, quần áo, sách vở, dầu ăn, mắm muối được chuyển lên vùng cao với mong muốn san sẻ yêu thương, để những đứa trẻ được no ấm hơn trong những ngày đông giá lạnh. 

Làm được thêm một việc thiện, dường như trái tim thầy thấy ấm áp hơn. Nhìn các Phật tử, các em học sinh, sinh viên sau khi tu học tại chùa có những ứng xử và hành động đẹp hơn, tử tế hơn trong cuộc sống thầy cũng vui hơn ai hết. Với tất cả những gì đã, đang và tiếp tục làm trong thời gian tới thầy chỉ có một mong muốn đơn giản là được giúp người, giúp đời, để lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu độ chúng sinh của đức Phật. Và đó cũng là để đạo ngày càng gắn bó hơn với đời.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Đại đức Thích Minh Đồng: Người gắn đạo với đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO