Cựu Đại sứ Pháp kể chuyện về Hà Nội bằng phim

theo kinhtedothi| 17/07/2017 09:49

Bộ phim tài liệu do chính Cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier tham gia thực hiện là “món quà” đặc biệt ông dành tặng thành phố ngàn năm tuổi này.

Tại Ngôi nhà Di sản trên phố Hàng Đào, hai người khách mời, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, tác giải ký sự ảnh “Hà Nội dấu yêu”, người kia là cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier với hơn 1 thập kỷ làm việc tại Việt Nam đã cùng chia sẻ những câu chuyện về lịch sử, con người Hà Nội với điểm chung là tình yêu đặc biệt dành cho thành phố này.
Ngài Đại sứ coi Hà Nội là “nhà”
Với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao có hơn 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông Poirier coi Thủ đô Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình.
Hồi tưởng lại quãng thời gian mới bắt đầu nhậm chức, ông Poirer bồi hồi kể bằng tiếng Việt: “Khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ vào tháng 8/2012, tôi đã có cảm giác thân quen với nơi này, như từng sống ở đây trong quá khứ. Có lẽ vì Hà Nội còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc Pháp, đặc biệt khu phố cổ giống như có sự kết hôn của kiến trúc Pháp và Việt Nam. Thực ra lần đầu tôi đến đây là vào năm 1989 trong một cuộc họp ngoại giao, phía Việt Nam có ông Nguyễn Cơ Thạch. Lúc đó tôi rất xúc động, nhưng đồng thời cũng thấy buồn vì cứ tối đến lại tối om không có đèn. Nhưng khi tôi quay lại, thành phố đã trở nên vô cùng năng động. Thanh niên tươi tắn, lúc nào cũng cười rất vui. Họ cũng suy nghĩ rất tích cực nữa”.
Ngài cựu Đại sứ cho biết ông thấy vui khi được dạo trên những con phố của Hà Nội, ngắm nghía cuộc sống sôi động nơi đây. "Người dân Hà Nội có cách sống trong thành phố rất riêng. Họ sống trên vỉa hè, ăn cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm ăn trên vỉa hè. Để người du lịch đi loanh quanh thành phố và quan sát đời sống vỉa hè, họ sẽ hiểu nhiều về tính cách, tập quán, thói quen của người Việt Nam", ngài cựu Đại sứ chia sẻ bằng tiếng Việt. Điều đặc biệt của Hà Nội là lưu giữ được những lớp kiến trúc lịch sử tiếp nối thông qua những nét kiến trúc đặc trưng. Bên cạnh sự giao thoa của các kiến trúc Pháp cổ với kiến trúc Việt Nam là những hình thái làng quê xen kẽ đô thị. Dành sự quan tâm đặc biệt với các khu tập thể, ông Poirer khẳng định: "Tôi nghĩ khi những kiến trúc sư Liên Xô quay trở lại khu tập thể, có lẽ họ sẽ cảm giác đây là Sao Hỏa, không thể nhận ra kiến trúc như ý định xây dựng ban đầu họ đem đến khu này". Đối với ông, những "chuồng cọp" cơi nới tại các khu tập thể ở Thành Công, Giảng Võ quanh Núi Trúc là nét đặc trưng minh chứng cho lối sống lối sống thích nghi của người dân Hà Nội. Dù biết những khu tập thể này sẽ dần biến mất trong quy hoạch đô thị hiện tại, ông vẫn cho rằng có thể sẽ rất đáng giá và thú vị khi giữ lại một vài khu tập thể như minh chứng sống của lịch sử Hà Nội. 
Món quà dành cho Hà Nội
Trong không gian đậm chất Hà Nội cổ, ngắm nghía chia sẻ hơn 20 tấm ảnh đẹp về thủ đô trong tiếng nhạc "Có phải em mùa thu Hà Nội" của tác giả Nguyễn Hữu Bảo, các khách mời cũng được thưởng thức trailer bộ phim tài liệu do ngài cựu Đại sứ Poirier mới phát hành, với tựa đề "Mon Hanoi" (Hà Nội của tôi).
"Nhiều đại sứ, sau khi hết nhiệm kỳ, hay viết một quyển sách về kỷ niệm của họ. Thực tế là tôi quá lười viết sách, nên tôi quyết định quay một bộ phim", ông Poirier dí dỏm chia sẻ về bộ phim hợp tác sản xuất cùng anh trai, nhà làm phim Henri Louis Poirier.
Đoạn trailer của bộ phim hiện lên vừa quen vừa lạ những khung cảnh đặc trưng kiến trúc Pháp trong lòng Thủ đô như cầu Long Biên, Nhà hát lớn. Những góc quay mộc mạc, chân thực và màu sắc phim là lạ cũng tái hiện những khung cảnh người dân lao động, từ anh thợ cắt tóc, bác xe ôm đến  người phụ nữ đội nón trên chiếc xe đạp chở đầy chổi lông gà, chổi chít… Cũng có cả những đoạn phim về phở Hà Nội trong tác phẩm. Món quốc hồn quốc túy đó được đặt trong tương quan với ẩm thực Pháp. “Phở là một phần rất quan trọng trong đời sống của người Hà Nội. Trong phim có một đoạn ẩm thực, so sánh thói quen người Pháp với VN về ẩm thực, cách suy nghĩ về ăn uống của hai nước”, ông nói.
Theo cựu Đại sứ Poirier, mục đích bộ phim không phải dành cho người nước ngoài khám phá Hà Nội. Khi thực hiện, cựu đại sứ trước hết muốn giới thiệu với người Hà Nội hình ảnh thành phố qua góc nhìn của chính ông. "Tôi cố gắng nắm bắt linh hồn của Hà Nội. Có lẽ tôi thấy một số nét đẹp, một số bí mật của Hà Nội mà người Hà Nội lại không lưu ý đến, không thấy là điều thú vị… và bộ phim là món quà tôi dành cho Hà Nội”, ông nói.
Bộ phim dự kiến được đài truyền hình Việt Nam phát sóng vào ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Ông Jean Noel Poirier có tới hơn 10 năm sống tại Việt Nam, trong đó có một nhiệm kỳ ông làm Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM và một nhiệm kỳ Đại Sứ Pháp tại Hà Nội (2012-2016). Hồi tháng 5, ông được chính phủ Việt Nam trao Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho quan hệ hai nước.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Cựu Đại sứ Pháp kể chuyện về Hà Nội bằng phim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO