Cưới theo nếp sống văn minh là góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội

HNM| 13/03/2022 08:37

Nhiều năm qua, việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít tiệc cưới phô trương, lãng phí, chưa bắt kịp với xu thế xã hội. Làm thế nào để việc cưới theo nếp sống mới ngày càng được nhiều người dân ủng hộ, góp phần xây dựng nếp sống mới của người Hà Nội thêm thanh lịch, văn minh? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vấn đề này.
Cưới theo nếp sống văn minh là góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi trong tổ chức việc cưới tại Hà Nội thời gian gần đây?

- Phải khẳng định rằng việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã có biến chuyển tích cực, chẳng hạn như nhiều đám cưới không mời khách tràn lan, không tổ chức ăn uống nhiều ngày. Rất nhiều thanh niên đã chọn tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, thời gian tổ chức mời khách chỉ một buổi sáng hoặc chiều, chỉ nội bộ gia đình và bạn bè thân thích tham gia đưa đón dâu. Một số địa phương khuyến khích các cặp đôi dâng hương tại nhà tưởng niệm liệt sĩ, trồng cây lưu niệm... tạo nét đẹp trong đời sống sinh hoạt ở khu dân cư.

Các quận, huyện như Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Ứng Hòa, thị xã Sơn Tây... phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức nhiều đám cưới tập thể trang trọng, vui tươi, ý nghĩa cho thanh niên. Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới, sáng tạo đã ra đời, được người dân, nhất là tầng lớp thanh niên nhiệt tình hưởng ứng như mô hình “văn minh, tiết kiệm” của quận Thanh Xuân, mô hình “lễ cưới nếp sống văn minh” của Đoàn Thanh niên huyện Chương Mỹ hay Huyện đoàn Gia Lâm đã triển khai xây dựng và vận động tổ chức các đám cưới theo mô hình “5 không” (không mời thuốc, không uống rượu say, không đánh bạc, không gây mất trật tự công cộng, không mở loa đài to từ 22h hôm trước đến 7h hôm sau)...

- Theo ông, do đâu mà Hà Nội có được sự chuyển biến tích cực đó?

- Theo tôi, có được điều đó là nhờ sự đồng thuận và nhận thức sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ngoài ra, tôi đánh giá cao Đoàn Thanh niên các cấp đã có nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần làm lành mạnh hóa việc cưới theo hướng văn minh, tiết kiệm.

Cụ thể, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị trong việc tuyên truyền, phổ biến, xây dựng và nhân rộng các mô hình cưới mới phù hợp với giai đoạn hiện nay cho đối tượng thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp cũng thường xuyên theo dõi, thống kê, cập nhật số liệu về việc triển khai thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh ở các cơ sở đoàn, nêu gương những tập thể, cá nhân đi đầu trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, chủ trì xây dựng các mô hình cưới mẫu, vận động tổ chức lễ cưới tập thể với các đôi nam nữ có ý định tiến tới hôn nhân. Liên đoàn Lao động Thành phố cũng tổ chức vận động cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đám cưới tập thể tại nhà văn hóa, câu lạc bộ của cơ quan, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình cưới tập thể..., đặc biệt là ở các khu công nghiệp và khu chế xuất, đảm bảo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình.

Đáng chú ý, công tác thông tin tuyên truyền được triển khai sâu rộng tới cơ sở đã tạo ra hiệu quả tích cực, giúp nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn về tổ chức việc cưới, việc tang. Ngoài các hình thức cổ động truyền thống (pano, áp phích, bandron, tờ gấp...), nhiều nơi đã chủ động áp dụng công nghệ để thể hiện các chủ đề một cách đa dạng, sinh động, đặc biệt phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020, 2021...

- Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng tình trạng phô trương, lãng phí trong việc cưới vẫn tồn tại ở một số nơi. Theo ông, nguyên nhân dẫn tới hạn chế này là gì?

- Trước hết và chủ yếu là do hạn chế về mặt nhận thức. Bên cạnh đó, ở một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa có sự vào cuộc một cách tích cực. Một số cơ quan, đơn vị còn tránh né, ngại va chạm, cho rằng đó là việc của riêng ngành Văn hóa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chưa được thường xuyên, hiệu quả còn thấp, chưa tạo thành dư luận và sự đồng thuận, ủng hộ cao trong xã hội. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Có lúc, có nơi, việc triển khai thực hiện còn nặng về hình thức mà chưa chú trọng nâng cao chất lượng. Một điểm nữa là còn nhiều người mang nặng tâm lý ganh đua, coi việc cưới cả đời mới có một lần nên phải tổ chức cho thật to, thật hoành tráng.

- Vậy tới đây, chúng ta cần làm những gì để nâng cao hiệu quả tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh?

- Theo tôi, trước tiên chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm với nội dung và hình thức phong phú nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, tạo sự đồng thuận về việc thực hiện quy ước văn hóa gắn với thực tiễn cuộc sống của người dân. Cần chú trọng nhân rộng các mô hình điểm, lan tỏa những cách làm hay, đưa Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thực sự đi vào cuộc sống.

Tiếp đó, cần tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang bằng cách lồng ghép nội dung này trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa và danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên.

Cần đưa các nội dung về tổ chức cưới văn minh vào hương ước, quy ước cộng đồng, đồng thời xây dựng, định hình những mô hình cưới văn minh cụ thể để nhân rộng. Bên cạnh đó, cần phải có những quy định cụ thể về việc cưới đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan nhà nước...

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chúng ta cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý, đôn đốc cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; kịp thời phát hiện, nghiêm túc phê bình, kiểm điểm những cá nhân (đặc biệt là người đứng đầu) chưa thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc cưới. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng, chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch, tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới chính là góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, đồng thời bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước mang lại, các cây bút trẻ thời nay - những người luôn ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của bản thân với đất nước - một lần nữa làm sống lại hình tượng đất nước trong văn chương.
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Cưới theo nếp sống văn minh là góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO