Hàng trăm người đã mất tích trong đợt lũ, nhiều nơi mực nước dâng cao tới 10m. Hiện, khoảng 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Người dân đang được bố trí đến ở tại khu vực không bị ngập lụt hoặc lều lán dựng tạm sau khi sự cố xảy ra.
Người Việt sinh sống ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện ở Lào nỗ lực di chuyển đồ đạc, con người đến nơi an toàn
Ngay sau khi có thông tin về vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Vientiane và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse để tìm hiểu thông tin và triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có người Việt Nam bị ảnh hưởng do vụ việc.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse đã cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường để theo dõi tình hình, làm việc với các cơ quan chức năng của 2 tỉnh Champasak và Attapeu. Theo thông tin của các cơ quan chức năng của Lào, cho đến ngày 26/7/2018, chưa phát hiện trường hợp người Việt mất tích. Các hộ gia đình người Việt sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đã được sơ tán đến khu vực an toàn; 26 công nhân của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa về trụ sở của công ty tại Attapeu an toàn và sẽ sớm về nước.
Chị Vy Thị Thoa (37 tuổi), một người Việt vừa thoát khỏi nạn "đại hồng thủy" ở huyện Sanamxay cho biết: "Chúng tôi không nghĩ sự việc sẽ nghiêm trọng. Chỉ một lúc sau nước đã lên đến đầu gối và bắt đầu cuộn trào, dâng rất nhanh. Vợ chồng tôi quýnh quáng dắt hai con chạy sang căn nhà hai tầng của hàng xóm người Lào cách đó mấy chục mét", chị kể. Nước đã dâng cao khoảng 10m, cửa hàng tạp hóa của vợ chồng chị Thoa và những mái nhà khác xung quanh chìm nghỉm, hoặc ngả nghiêng trong dòng lũ xiết. Cả đêm bám trên nóc nhà, gần chục người chỉ biết cầu nguyện được bình an. Những người khác hầu hết cũng giống gia đình chị Thoa, bị cuốn trôi hết đồ đạc, tài sản trong phút chốc. Họ vẫn đang mong chờ nước rút để được trở về nhà.
Ông Đoàn Văn Hiếu, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse (phụ trách 4 tỉnh Nam Lào) cho biết ở tỉnh Attapeu hiện có hơn 100 hộ, với khoảng 1.000 người Việt sinh sống. Ngoài bản May, người Việt còn sống ở nhiều bản khác nhưng đều an toàn sau cơn lũ. Cơ quan đại diện của người Việt tại Lào đã kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức những đợt quyên góp, giúp đỡ bà con. Ông Hiếu cho rằng, việc cần thiết nhất hiện nay là đảm bảo cho người dân về lương thực, quần áo, thuốc men.
Ông Đoàn Văn Hiếu (bìa phải) thăm hỏi gia đình chị Vy Thị Thoa. Ảnh: Vnexpress.
Sau sự việc, những người Việt Nam đang sinh sống tại Lào cũng kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân người Việt Nam lẫn người Lào đang mắc kẹt, chịu ảnh hưởng bởi trận vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy và kéo về huyện Sanamxay để nấu đồ ăn, đóng góp thực phẩm.
Anh Đỗ Trung Việt (hiện đang sống ở Thủ đô Vientiane, Lào) đã cùng nhóm bạn của mình đã mua 3 xe bán tải thực phẩm để chạy đến tỉnh Attapeu cứu trợ. "Càng vào sâu khu vực bị ảnh hưởng càng thấy cảnh tang tóc và tôi càng nỗ lực kêu gọi bạn bè, người thân nhanh chóng giúp đỡ. Có những đứa trẻ, người già đã không ăn mấy ngày qua" - anh Việt nói.
Cùng chung tấm lòng với anh Việt, sau khi vừa xảy ra vụ vỡ đập, anh Trần Đình Thông (đang sống tại Attapeu) đã nhanh chân mua gạo, mì, nước uống... chở trên 3 xe tải hỗ trợ cho bà con.
Nhiều người Việt ở Lào đang tìm về Attapeu chia sẻ khó khăn
Hiện tại, công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang được triển khai tích cực, khẩn trương tại Attapeu. Chiều 26/7, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao đã trao cho Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane số tiền 200.000 USD của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện vừa qua. Bộ Quốc phòng cũng cử 1.000 cán bộ, chiến sĩ sang cứu trợ giúp nước bạn.