Nhà giáo Nguyễn Văn Dũng (Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội) đang trình giảng. |
Nỗ lực hết mình
Ngày 16-9, phóng viên tham dự một số tiết giảng của các nhà giáo. Tại phòng thi của Tiểu ban Nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhà giáo trẻ Cao Thị Thùy Trang (Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang) trình bày bài giảng lý thuyết với chủ đề “Quản lý nhóm rầy gây hại trên lúa”. Dùng đèn, máy chiếu hỗ trợ, dùng những hình ảnh thực tế minh họa cho nội dung bài giảng, cô giáo Thùy Trang giúp người học dễ dàng phân biệt rõ đặc điểm, cách gây hại của 3 loại rầy (rầy nâu, rầy xanh đuôi đen và rầy bông), từ đó đưa ra phương án phòng bệnh phù hợp cho cây lúa. “Sống giữa vùng trồng lúa, tôi chọn con đường trở thành giáo viên dạy nghề với mong muốn đưa tri thức, kỹ năng làm nghề đến với cộng đồng. Trong quá trình giảng dạy, tôi cố gắng tích lũy kiến thức từ thực tế rồi đối chiếu kiến thức thực tế với kiến thức sách vở để xây dựng nội dung các bài giảng cho dễ hiểu”, cô Cao Thị Thùy Trang nói.
Cũng ở Tiểu ban Nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhà giáo Lê Thị Hạnh Phúc (Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên) hoàn thành bài giảng lý thuyết “Triệu chứng bệnh cây” khá xuất sắc. Dù nhận được lời khen từ Ban Giám khảo, cô Hạnh Phúc vẫn bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng không vui. Trò chuyện với chúng tôi, cô cho biết gia đình mình vừa trải qua đau thương, mất mát. Hai người thân ra đi trong một khoảng thời gian ngắn khiến cô không có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho bài giảng. “Được sự động viên của người thân, đồng nghiệp, tôi cố gắng đến với Hội giảng. Dù kết quả thế nào thì tôi cũng đã nỗ lực hết mình”, cô giáo Lê Thị Hạnh Phúc bày tỏ.
Tại Tiểu ban Du lịch, khách sạn, nhà hàng, cuộc so tài giữa các nhà giáo diễn ra sôi nổi không kém. Những bài giảng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành với nội dung về cách chế biến món tôm chiên với trứng muối của nhà giáo Nguyễn Văn Dũng (Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội), “Tỉa hoa từ dưa hấu” của nhà giáo Tăng Thị Cảnh Dung (Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt), “Trang trí ga giường theo chủ đề sinh nhật” của nhà giáo Phạm Thị Lan (Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng)… liên tục nhận được lời khen từ Ban Giám khảo và sinh viên. Tại các tiểu ban khác như kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ khí, động lực, điều dưỡng, hộ sinh…, các nhà giáo cũng nỗ lực hết mình giới thiệu kiến thức lý thuyết, kỹ năng tích lũy được trong quá trình dạy nghề cho học sinh, sinh viên.
Theo đánh giá ban đầu của Hội đồng Giám khảo, các bài trình giảng phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức thể hiện. Điều đó phần nào cho thấy đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, luôn sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Sự nỗ lực đó góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề, học nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tài, thực nghề
Bên lề Hội giảng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, hiện nay, công tác dạy nghề hướng đến mục tiêu dạy những gì doanh nghiệp, thị trường lao động và xã hội cần. Do đó, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải thực tâm, thực tài, thực nghề, gương mẫu, sáng tạo và không ngừng đổi mới thì mới có thể truyền nghề, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, khác với những kỳ trước, tại Hội giảng năm 2018, các nhà giáo tham gia trình giảng đều phải giảng dạy được 3 loại giáo án (lý thuyết, thực hành và tích hợp giữa lý thuyết với thực hành), rút thăm trúng bài giảng nào thì giáo viên trình giảng theo đề bài đó. Những nhà giáo sử dụng các thiết bị giảng dạy tự làm hoặc ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng sẽ có điểm khuyến khích cho sự sáng tạo. Dù yêu cầu rất khó, nhưng Hội giảng năm nay ghi nhận nhiều kỷ lục: Có quy mô lớn nhất từ trước đến nay khi có tới 373 nhà giáo đến từ 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia trình giảng ở 90 nghề; có tỷ lệ nhà giáo nữ tham gia nhiều nhất - tăng 25% so với Hội giảng trước; tuổi bình quân của nhà giáo trẻ nhất, trung bình là 34, người cao tuổi nhất mới 48, người trẻ nhất mới 25 tuổi… Lần đầu tiên, Hội giảng có sự tham gia của đội ngũ giáo viên dạy nghề may và thiết kế thời trang, dược, điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ… “Sự mở rộng về quy mô, đa dạng về ngành nghề hứa hẹn cuộc đua tài giữa các nhà giáo tiếp tục diễn ra sôi nổi, có nhiều bất ngờ thú vị”, ông Trương Anh Dũng nhận định.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân động viên các nhà giáo thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực và nỗ lực khẳng định bản thân. Tất cả cần phải cố gắng bởi trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nếu như trước đây người học thường tập trung vào đơn ngành, cố gắng giỏi một nghề thì hiện nay, họ hướng tới tư duy liên ngành và đề cao tính chuyên nghiệp trong khi hành nghề.