Để chạy chọt, người ta thường đi cửa sau - Ảnh: Internet
Cửa - một khái niệm chắc chắn là không lạ lẫm gì với bất cứ một người Việt nào. Nếu ta thống kê khoảng 100 từ thông dụng nhất đối với trẻ em đang tập nói, có lẽ các từ như nhà, cửa, sân, ngõ, cây, vườn... phải nằm trong “top 100” này.
Cửa, trước hết được hiểu là “khoảng trống được chừa làm lối ra vào của một nơi đã được ngăn kín, thường lắp bộ phận đóng mở" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2016). Vậy, nghĩa đầu tiên “xuất phát điểm” của cửa được gắn liền với nhà (ai mà chẳng có một mái nhà?): nhà cửa, nhà cao cửa rộng, cửa đóng then cài... Rộng hơn, ta có cửa rừng, cửa sông, cửa biển, cửa trường đại học, cửa Thiên đình...
Cửa trước/cửa sau là một cặp từ trái nghĩa cùng nằm trong trường nghĩa “cửa nói chung”. Cửa trước, tức “cửa ở phía trước", cửa sau, tức “cửa ở phía sau”. Phần lớn ngôi nhà của chúng ta hầu như chỉ có một cửa ra vào nằm ở chính diện mặt tiền, là lối đi chính. Dù là nhà to, nhà nhỏ hay căn hộ trong khối nhà chung cư đều thế. Cũng có nhiều nhà khá giả, diện tích rộng rãi, lại thêm sân vườn nằm trong khuôn viên thì người ta có thể trổ thêm cửa hậu, phía sau. Nhưng những nhà có cả cửa tiền, cửa hậu như vậy không nhiều lắm. Và cái cửa trổ thêm này cũng chỉ dành riêng cho việc đi lại, sinh hoạt trong nội bộ gia đình chứ mấy ai (nhất là khách khứa cần phải đi đứng đàng hoàng) lại theo lối này để vào nhà gia chủ?
Ấy vậy mà, chính tổ hợp từ "cửa sau" hiếm muộn này lại rất đắc dụng trong giao tiếp xã hội hiện nay. Trong xu hướng thương mại hóa của cơ chế thị trường, cách đi bằng cửa sau có khi lại là cách đi chính và đặc biệt phát huy hiệu quả trong rất nhiều trường hợp. Cần “chạy” bất cứ việc gì: chạy việc, chạy dự án, chạy ghế, chạy nhà, chạy đất, chạy trường chuyên lớp chọn, đặc biệt là... chạy tội nếu “đương sự” cứ ung dung đi vào cửa trước thì thất bại coi như đã cầm chắc. Cửa chính là cửa công, cửa của luật pháp, của nguyên tắc, cơ chế... Mọi thứ đều rõ ràng, “ngang bằng sổ thẳng” giữa thanh thiên bạch nhật thì ai chạy cho được?
Con đường vòng hóa ra lại là con đường ngắn nhất. Đi cửa sau chào nhau cửa trước. Chỉ có gặp riêng, nói nhỏ, khép cửa, thỏa thuận, phong bao... thì mọi chuyện sẽ dễ dàng an bài theo ý muốn. Thế là cửa chính thua cửa phụ, cửa tiền nhường cửa hậu, lệnh ông không bằng cồng bà (ông chỉ quyết sau khi ở nhà bà đã nhận quà, nhận tiền và nhận lời)...
Chuyện cửa sau bây giờ thật thiên hình vạn trạng. Nó không tường minh hiển hiện nhưng rồi có lẽ ai cũng hiểu, cũng rõ, cũng thấm thía nếu đến lượt mình phải lo, phải chạy. Buồn một nỗi, có cửa chính to rộng đàng hoàng nhiều người lại không đi. Họ cứ muốn tìm cách “lách” vào cho bằng được cái cửa sau vô hình bí hiểm kia. Cái phức tạp của ngôn từ lại bắt nguồn chính từ cái trớ trêu, thiếu minh bạch của cuộc sống.