Nguyễn Thị Thu Hải bặm môi nói với cha khi hai cha con cặm cụi tính toán làm sao để Hải có thể vô TP.HCM học trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau: "Các thầy cô đã kết nối và một số người đã giúp đỡ con. Bố yên tâm vì con lớn rồi, con tự đón xe về trường và tự đi tìm việc làm, đó cũng là cách để tự con quen dần và trưởng thành nhanh".
Chúng tôi tìm đường để vào tận nhà của Hải nằm ở thôn An Thái, xã Bình An - một xã thuần nông thôn xơ xác nghèo của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thôn xóm đã nghèo, nhưng gia cảnh của cô học trò vừa đạt điểm thi môn văn cao nhất nước ấy còn éo le hơn.
Mời bạn xem phóng sự truyền hình về cô học trò Nguyễn Thị Thu Hải
7 năm đi học chỉ may một bộ áo quần
Hải đạp xe hớt hải luồn qua mấy ngõ đường làng để ra dẫn chúng tôi vào nhà. Cô học trò đang tuổi ăn, tuổi học gầy gò và đen nhẻm.
Trong căn nhà tối sầm và đồ đạc nêm từng chút dưới cái nóng hầm hập, ông Nguyễn Đào Hiệp (50 tuổi) - cha Hải - cho biết: "Nhà của ba cha con được xây từ trước năm 1975. Tôi là con út nên được cha mẹ cho kế thừa lại chỗ này để ở. Mấy chục năm nay cố làm lụng, chắt góp để xây chỗ ở sáng sủa chút mà rồi hết chuyện này rồi chuyện kia cứ xảy ra khiến dự định không thực hiện được".
Ông Hiệp đang cầm dở cốc nước lên để uống thì có tiếng ú ớ phát ra từ chiếc giường gần đó. Ông bỏ vội cốc nước xuống, tất tưởi chạy tới vén màn. Trên tấm drap giường cáu bẩn, cũ kỹ là một phụ nữ lớn tuổi, miệng méo xệch, mắt dướn ngược giơ cánh tay ra hướng về ông Hiệp. "Đó là mẹ tôi, bà bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay. Mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh... tôi và cháu Hải lo hết" - ông Hiệp nói.
Nhà quá nhỏ và tuềnh toàng như vậy nên mấy năm đi học hầu như Hải không dám mời bạn bè, thầy cô tới nhà. Tuy nhiên, khi đọc lý lịch, hoàn cảnh của Hải, các thầy cô ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã tự tìm đường vào tận nơi.
Thầy Phan Văn Chương - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - khi tới nhà Hải liền gọi cho chúng tôi: "Tôi không tin tới bây giờ mà ở nông thôn còn có một ngôi nhà nghèo đến vậy. Khi tới nơi nhiều thầy cô thậm chí không tin là ngôi nhà đó chưa được lát nền. Trường hợp này chúng ta phải xác định là cứu. Không cứu không được!".
Ở góc treo quần áo của mấy chị em Hải có mấy bộ quần áo học sinh mấy năm Hải đến trường nay chuẩn bị được xếp dọn lại để chuẩn bị cho hành trình mới vào đại học. Kỳ thi vừa qua, Hải xuất sắc đạt tổng điểm thi 25,5; trong đó môn văn đạt 9,5 điểm, nằm trong nhóm điểm văn cao nhất nước.
Hải nói làm chúng tôi bất ngờ: "Nhiều bạn bè đi học phải mua quần áo mới nhưng riêng em thì được các anh chị cho lại đồ cũ. Từ năm học lớp 6 đến nay em chỉ mới được mua một bộ áo quần mới. Tất cả giày dép, quần áo, sách vở em đều dùng lại của người khác".
Tự nuôi mình suốt 3 năm THPT
Nhà có ba chị em, sau Hải còn có hai em đang còn tuổi ăn, tuổi học. Bà nội nằm liệt giường mấy năm nay, một mình cha Hải hằng ngày chạy vạy đi làm thợ hồ để nuôi bốn miệng ăn. Nhưng ông Hiệp cũng không khỏe được như người bình thường. Từ ngày phải phẫu thuật vì bệnh viêm tai giữa, tâm tính của ông cũng khác thường, tai lúc nghe được lúc không.
Hải cúi mặt, nước mắt ứa chảy dài khi nhắc về lần cuối cùng được mẹ dẫn ra chợ để mua cho bộ quần áo mới. Và đó cũng là bộ quần áo duy nhất mà Hải được mua từ hai cấp học đến nay: "Mỗi lần nghĩ về mẹ em lại khóc. Mẹ em mất khi em lên 11 tuổi sau 4 năm chống chọi với bệnh suy thận".
Nói về Hải, ông Hiệp cho biết dù chính ông sinh con ra, nuôi con khôn lớn nhưng cũng không nghĩ được rằng con gái đầu của mình lại mạnh mẽ đến thế. Hải học rất giỏi, rồi đậu vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở ngôi trường đó, có một thầy giáo đã nói với chúng tôi rằng đa phần là con em nhà nghèo bởi "nghèo mới khiến các cháu có nghị lực hơn người và học vượt lên để đậu vào ngôi trường này".
Thu Hải nói rằng lúc đậu vào trường, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên em "cày" cật lực. Mỗi học sinh ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài chính sách hỗ trợ chung, em nào đạt học lực giỏi, điểm môn năng khiếu từ 8,5 trở lên thì sẽ có các mức học bổng tăng lên.
"Em đi học không tốn tiền mua áo quần, sách vở thì được thầy cô cho. Học bổng thì được tặng từ thành tích học tập nên mấy năm học cấp III không phải xin tiền bố mẹ" - Hải nói.