Chuyện khó tin nhưng có thật ở Quảng Trị

Phan Thanh Bình (CAND)| 03/11/2017 13:03

Chuyện khó tin đó xảy ra ở vùng đất Tràng Sòi, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Vùng đất này nhiều năm qua chỉ còn… 1 hộ dân với 2 nhân khẩu sinh sống thường xuyên nhưng vẫn được duy trì các khoản kinh phí của Nhà nước để hoạt động như một thôn.

"Thôn chỉ một… hộ dân", chúng tôi nghe ngờ ngợ, nghĩ bà con xã Triệu Ái nói… chơi. Nhưng khi tìm hiểu thực tế, còn một điều hi hữu nữa, thôn cách trung tâm TP. Đông Hà chỉ 12km, cách cầu Vĩnh Phước nằm trên đường Hùng Vương nối dài (con đường được coi là xương sống của Đông Hà) thuộc khu phố Lai Phước, phường Đông Lương chỉ 6,7km!

Thôn có tất cả 6 nóc nhà. Nhưng khi chúng tôi đến, 5 nóc đều cửa đóng then cài, trong đó 1 nóc dường như đã từ lâu không còn bước chân con người lui tới.

Duy chỉ có hộ ông Nguyễn Các, Trưởng thôn Tràng Sòi là có người sinh sống. Anh Nguyễn Thanh Bình (42 tuổi), con ông Các cho biết: "Tui cũng chỉ mới nhập khẩu lên đây mấy tháng. Sổ hộ khẩu chỉ có 2 cha con, còn mẹ tui ở đây nhưng hộ khẩu vẫn ở làng Gia Độ, xã Triệu Độ, Triệu Phong".

"Trước đây, sổ hộ khẩu ba tui còn có 2 người chị nhưng các chị đều đã đi lấy chồng, tách khẩu, sinh sống ổn định dưới phố. Việc tui nhập khẩu lên đây là thay thế các chị sở hữu phần diện tích đất rừng do Nhà nước cấp. Còn nhà ở cố định của gia đình với vợ và các con thì vẫn dưới phố, phường Đông Lễ, Đông Hà", anh Bình cho biết thêm.

Chuyện khó tin nhưng có thật ở Quảng Trị - Ảnh 1.

Căn nhà của ông Nguyễn Các, hộ dân duy nhất sinh sống thường xuyên ở thôn Tràng Sòi.

Bà Trần Thị Lợi (70 tuổi, vợ ông Các kể: "Sau năm 1975, ông nó (ông Các- chồng bà Lợi) đưa cả nhà lên vùng cao Khe Sanh, Hướng Hóa lập nghiệp. Năm 1983, ông không may cuốc phải mìn, bị thương hỏng một mắt. Cả nhà kéo nhau về lại quê ở làng Gia Độ. Nhưng do đất chật, người đông, sinh sống khó khăn nên đến năm 1992, cả nhà cùng với 39 hộ dân khác trong thôn và xã Triệu Thuận, Triệu Phong tìm đến vùng đất Tràng Sòi để phát triển kinh tế.


Ban đầu, cả 40 hộ ở chung, về sau đến năm 1995 thì làm nhà ở riêng. Cũng năm này và các năm sau 1995, 1996, 1997, bà con được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trồng rừng theo các dự án Pam4304 và 5 triệu héc-ta rừng của Chính phủ để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Bên cạnh các khoản hỗ trợ như gạo, tiền công trồng và chăm sóc cây rừng, về sau bà con còn được Nhà nước cấp sổ đỏ đất rừng và cho hưởng lợi từ việc trồng rừng này.

Tuy nhiên, do quá khó khăn về đường sá đi lại, nguồn nước sạch ăn, uống sinh hoạt hàng ngày và cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu khác như điện, trường học, trạm y tế không có nên đa số bà con bỏ về quê cũ".

Chuyện khó tin nhưng có thật ở Quảng Trị - Ảnh 2.

Căn nhà của hộ bà Nguyễn Thị Dùng ở Tràng Sòi từ lâu đã không có người lui tới.


Đã quá trưa, ông Các xuống phố vẫn chưa về nên chúng tôi gọi điện thoại hẹn gặp ông ở nhà người con gái ở số 127 Lê Duẩn, phường 2, Đông Hà. Ông Các hơn vợ 2 tuổi, có dáng người thấp đậm. Ông kể một mạch về quá trình dân làng Gia Độ và xã Triệu Thuận đến Tràng Sòi lập nghiệp. Nhưng không lâu sau đó, bà con lần lượt bỏ về, duy chỉ còn hộ của ông ở lại, gắn bó, sinh sống thường xuyên nơi này:


"Năm 2000, Tràng Sòi còn lại 15 hộ, đến 2008 là 8 hộ, 2012 đến nay 6 hộ nhưng thực ở chỉ 1 hộ; 5 hộ kia do còn rừng trên đó nên họ đi đi về về hoặc lúc nào thôn có việc thì lên tham gia. Thôn chỉ 6 nóc nhà nên việc bầu bán, phân công các trách nhiệm trong thôn rất đơn giản. Tui ở đây 25 năm thì có tới 17,5 năm làm trưởng thôn kiêm một số nhiệm vụ khác như Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn…".

Chúng tôi thắc mắc việc một thôn nhưng tồn tại chỉ 1 hộ dân, ông Đặng Sỹ Dũng, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái nói: "Hồi thành lập thôn, ở đó (Tràng Sòi) có 40 hộ dân. Theo quy định hiện nay là không đủ điều kiện vì vùng đồng bằng phải trên 200 hộ, miền núi trên 100 hộ. Nhưng theo quy định hồi đó chắc là được nên thôn mới được thành lập. Còn việc bà con bỏ về là do trên đó chưa đảm bảo được các điều kiện để sinh sống. Tôi trước đây làm Chánh văn phòng Huyện ủy Triệu Phong, về đây làm chủ tịch xã Triệu Ái mới chỉ 5 tháng nên một số việc trên đó không được chi tiết lắm".

Theo giới thiệu của ông Dũng, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Hoàng Sơn, người trước đây làm chủ tịch UBND xã Triệu Ái, mới vừa qua làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã này từ tháng 5-2017 đến nay. Nhưng ông Sơn "giới thiệu" qua ông Lê Hài, Phó chủ tịch xã này với lý do: "Tôi đã hết làm rồi, anh Hài nắm cái đó rất rõ!".

Ông Hài chia sẻ: "Năm 2001, tôi làm Bí thư xã đoàn Triệu Ái. Đến năm 2006 thì làm Khuyến nông. Từ năm 2012 đến 2015 làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Tôi cũng chỉ mới làm Phó chủ tịch xã từ 2015 đến nay nên việc Tràng Sòi với chỉ 1 hộ dân sinh sống thường xuyên nhưng vẫn tồn tại 1 thôn, tôi không được rõ lắm. Tôi chỉ biết, đã là thôn thì phải có các tổ chức chính trị- xã hội.

Theo đó những người được bầu bán, thực hiện các trách nhiệm trong những tổ chức này thì được hưởng tiền lương, tiền phụ cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, việc các anh thắc mắc sao chỉ 1 hộ dân mà nhiều năm qua vẫn tồn tại 1 thôn, việc để Nhà nước phải chi ra nhiều khoản kinh phí để cho thôn này hoạt động là trái khoáy, thì tôi thấy đúng!".

"Vậy, từ trước đến nay, UBND xã Triệu Ái đã từng đề nghị với chính quyền cấp trên và ngành chức năng liên quan gộp Tràng Sòi với một thôn khác?"- Chúng tôi hỏi. Ông Hài lắc đầu: "Chưa. Là xã chưa đề xuất việc làm này. Hơn nữa, gần với Tràng Sòi nhất là các thôn Liên Phong, Trung Đông cũng cách xa tới 6-7km, việc ghép với các thôn này sẽ khiến hộ dân ở Tràng Sòi đi lại không được thuận lợi"(?!)

Chuyện khó tin nhưng có thật ở Quảng Trị - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Các kể chuyện 25 năm sinh sống, "gánh vác" các chức danh ở Tràng Sòi.


Xem ra, cái lý của các lãnh đạo xã Triệu Ái khó mà cãi lại được! Chỉ có điều những cái lý đó là không phù hợp tí nào so với thực tế diễn ra ở Tràng Sòi nhiều năm qua. Bởi vậy, chúng tôi đã làm việc với anh Phan Hoàng Sơn, Kế toán UBND xã Triệu Ái để nắm những năm qua Nhà nước đã phải chi ra bao nhiêu khoản kinh phí cho thôn 1… hộ dân này tồn tại, hoạt động.


Nhưng anh Sơn cũng chia sẻ: "Em làm Kế toán xã mới từ 9-2016 đến nay. Số liệu từ đó đến nay thì em nắm được, còn trước đó thì phải tìm. Tuy nhiên, cái gì em làm thì em mới chắc chắn, còn người khác làm thì em không chắc chắn lắm!". Mất một hồi  lâu song anh Sơn vẫn không thể tìm ra được các bản kế toán từ năm 2013 trở về trước. Do vậy, chúng tôi đề xuất anh tìm các bản từ năm 2014 đến nay.

Theo các bản này, thôn Tràng Sòi có các chức danh, nhiệm vụ được Nhà nước chi trả tiền lương và phụ cấp kinh phí hoạt động, gồm: Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Công an viên thôn, Cộng tác viên khuyến nông thôn, Thú y thôn, Chi hội trưởng Nông dân thôn.

Anh Sơn giải thích, việc chi trả kinh phí cho các chức danh, nhiệm vụ ở trên là căn cứ theo Quyết định số 08/2014 ngày 11-2-2014 của UBND tỉnh Quảng Trị. Theo đó, Tràng Sòi là thôn loại 3. Đối với ông Nguyễn Các, Trưởng thôn này chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên hưởng chế độ 0,75/tháng.

Tương tự, ông Hoàng Phi, Thú y thôn được hưởng 0,3/tháng. Đối với các chức danh, nhiệm vụ khác như Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội trưởng Nông dân thôn…, thì được khoán kinh phí theo năm, tương ứng với 7 triệu và 5,5 triệu đồng.

Đến đây, sự trái khoáy trong quản lý, điều hành công tác hành chính của xã Triệu Ái đối với địa phương trên ai cũng biết. Bởi lẽ, thôn chỉ với 1… hộ dân nhưng chính quyền địa phương đã "đẻ" ra khá đầy đủ các chức danh, nhiệm vụ phục vụ cho các tổ chức chính trị- xã hội ở đó mà thực tế chúng không hề tồn tại. Và, suốt 25 năm qua, phần lớn các nhiệm vụ này đều tập trung trên vai một mình ông Trưởng thôn.

Để ông này chỉ quản lý hộ khẩu của chính gia đình mình với vỏn vẹn 2 nhân khẩu kể cả bản thân ông và vài người khác lên đây làm ăn thời vụ theo kiểu "chân đồi, chân đồng" (một nữa vùng núi, một nữa đồng bằng).

Chưa hết, cũng trong mấy chục năm qua, ông Trưởng thôn còn được đề xuất, bình bầu, lựa chọn với đủ thứ thành tích mà ai mới nghe qua cũng kính nể! Đơn cử như 17 năm công tác mặt trận giỏi. Tháng 10-2017, ông Nguyễn Các được xã Triệu Ái và huyện Triệu Phong lựa chọn dự Hội nghị Trưởng ban Công tác Mặt tận tiêu biểu do UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị tổ chức.

Trước đó, vào các năm 2005, 2010, 2015, dự các Hội nghị Người cao tuổi tiêu biểu có tinh thần yêu nước, giỏi về kinh doanh; Hội nghị Biểu dương người có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng… do UBND huyện Triệu Phong và UBND  tỉnh Quảng Trị phối hợp với các ngành chức năng huyện, tỉnh tổ chức.

Trong 25 năm với chỉ vài hộ ở vùng đất Tràng Sòi, người đàn ông do xã Triệu Ái đặc biệt "quan tâm" này, bên cạnh vinh dự được đề xuất, bình bầu, lựa chọn dự các hội nghị điển hình tiên tiến do có các thành tích xuất sắc trong công tác xã hội kể trên, ông Nguyễn Các còn được các cấp chính quyền, ngành chức năng tặng 17 bằng khen, giấy khen vì những thành tích tương tự, cũng do UBND xã Triệu Ái quyết định trình lên để các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan chuẩn y(!)

Trở lại việc thôn Tràng Sòi suốt 25 năm qua trắng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống thiết yếu tối thiểu của con người không có nhưng về mặt hành chính và các khoản kinh phí của Nhà nước đối với thôn này thì vẫn tồn tại.

Ông Đặng Sỹ Dũng, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái cho rằng, trước đây không được đầu tư nhưng nay thôn này đang được đầu tư xây dựng công trình đường điện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Các, Trưởng thôn Tràng Sòi lại khẳng định, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ công trình điện này là ông chủ trang trại không thuộc thôn Tràng Sòi với hơn 400ha cao su và hơn 1.000ha rừng.

Ông chủ trang trại này những năm qua đã tự mở đường rồi cho người thu phí xe cộ khi vào thôn này thu mua tràm. Đồng thời, bằng cách này cách khác, ông ta đã ép người dân ở Tràng Sòi trước đây khi đang còn ở lại sinh sống ở Tràng Sòi phải bán hết lại mọi diện tích đất rừng do Nhà nước giao cho ông ta...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
  • Chuyện chưa biết về cây Thị hơn 300 năm tuổi ở Cố đô Huế
    Cây thị 324 năm tuổi gắn với lịch sử hình thành họ Thân Văn ở Thừa Thiên - Huế và đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, rất ít người biết đến do “cụ” thị được trồng trên triền bán sơn địa Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân, TP Huế).
  • Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa
    Thủ đô Hà Nội sẽ tăng cường nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố, trước mắt đến năm 2025 với các lĩnh vực: Điện ảnh, Thời trang, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Ẩm thực, Xuất bản, Kiến trúc…
Chuyện khó tin nhưng có thật ở Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO