Chuyển đổi số trong phát triển du lịch Thủ đô

Mạnh Hà| 20/06/2022 07:26

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số để phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả giúp ngành du lịch và các doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với du khách. Tạp chí Người Hà Nội có cuộc trò chuyện với bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội xung quanh chủ đề này.

Chuyển đổi số trong phát triển du lịch Thủ đô
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.
PV: Thưa bà, vì sao ngành du lịch Thủ đô cần thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay?

Bà Đặng Hương Giang: Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Nếu những năm trước, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính thì nay đại dịch Covid-19 buộc tất cả phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là dừng lại. Đặc biệt, khi hầu hết mọi thói quen và tâm lý tiêu dùng đã thay đổi và được thực hiện chủ yếu trên nền tảng số cũng là lúc các doanh nghiệp du lịch phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng… Vì thế, nếu không cạnh tranh chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ thì doanh nghiệp rất khó để phát triển. Và không chỉ có các doanh nghiệp du lịch, lữ hành thực hiện chuyển đổi số mà bản thân các cơ quan quản lý về du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Chuyển đổi số ngành du lịch cũng chính là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng. Chuyển đổi số chắc chắn là yếu tố bắt buộc đối với các doanh nghiệp du lịch Thủ đô muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay.
PV:Hiện nay ngành du lịch Thủ đô đã có những bước đi như thế nào để từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số?

Bà Đặng Hương Giang: Hiện nay ngành du lịch Thủ đô đang tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu năm 2022 sẽ đón và hục vụ hơn 10 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội quyết tâm tập trung đầu tư “làm mới” trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến và đặc biệt là chuyển đổi số trong ngành du lịch một cách thiết thực, hiệu quả.
Ngày 10/2/2022, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 - 2023. Theo đó, Thủ đô Hà Nội hướng tới là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định vai trò quan trọng của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn có tác động sâu rộng, lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác của thành phố. Trong bộn bề nhiều phần việc khôi phục hoạt động du lịch, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành để thích ứng với nhu cầu thay đổi của du khách được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đạt được trong kế hoạch mà ngành du lịch Thủ đô đã đặt ra trong năm 2022.
Do đó, trên cơ sở Chương trình phối hợp giữa Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký kết đầu năm 2021 trong việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, Sở Du lịch sẽ hiện thực hóa mục tiêu hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá cho các hoạt động, sự kiện du lịch của Thủ đô; đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch; thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch. Theo đó, các website, fanpage của ngành du lịch Thủ đô sẽ được hoàn thiện, cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật tới du khách. Các quận, huyện trên địa bàn sẽ chuẩn hóa các nội dung thuyết minh để triển khai audio guide (thuyết minh tự động bằng tai nghe) bằng nhiều ngôn ngữ tại các điểm tham quan. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi.

PV:Bà có thể chia sẻ thêm một số minh chứng cho thấy nỗ lực của các điểm du lịch Thủ đô trong việc thực hiện chuyển đổi số thời gian qua?

Bà Đặng Hương Giang: Trong thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; tập trung ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy các chương trình quảng bá và thúc đẩy du lịch. Ví dụ như Công ty Travelogy Việt Nam, khi ứng dụng số hóa, toàn bộ mẫu chuẩn được áp dụng thống nhất trên hệ thống quản trị cho cả nhân viên, quản lý và việc thay đổi thông tin chỉ mất 2 phút thay vì 30 phút như trước đây. Nếu trước đây 100 booking cần 10 nhân viên xử lý trong ngày thì nay với hệ thống xử lý số hóa tối ưu, một nhân viên có thể xử lý 50 booking trong ngày và có thể làm việc ở bất kỳ đâu, miễn là có thiết bị kết nối mạng internet.
Cùng với đó các di tích, trung tâm bảo tồn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI...
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu trang trưng bày trực tuyến, xây dựng thành công ứng dụng "Hoàng thành Thăng Long" và cập nhật trên cả hệ điều hành Android lẫn iOS. Tất cả các hạng mục của di sản, các hiện vật quan trọng đều được giới thiệu qua nhiều ngôn ngữ khác nhau bằng văn bản và bằng âm thanh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify...
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch còn có các dịch vụ: đặt tour trực tuyến; mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa; hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D; ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến; xây dựng kho dữ liệu về du lịch...
Những tiện ích nói trên đã mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với khách du lịch. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư tiết kiệm, có thể giúp doanh nghiệp đưa các sản phẩm tiếp cận với du khách, từ đó sớm phục hồi và bứt phá ở giai đoạn hậu Covid-19.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Ca sĩ Xiri “trình làng” MV đầu tay mang đậm nét phim Châu Tinh Trì
    Hà Anh cùng Vinny Vũ tổ chức đêm nhạc ra mắt ca sĩ mới của HAY Bros: Nữ ca sĩ Xiri vào tối ngày 10/12 vừa qua. Đây cũng là buổi giới thiệu tới công chúng những thành công nho nhỏ mà HAY Bros đạt được trong gần 2 năm hoạt động.
  • SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm
    Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO