(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN) |
Quy định 6 tác phẩm bắt buộc là chưa phù hợp
Theo dự thảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố, chương trình môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp một đến lớp 12, chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc. Đó là các tác phẩm: Bài thơ thần thời Lý “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sỹ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh.
Ngoài 6 tác phẩm bắt buộc này, chương trình có gợi ý giới thiệu khoảng 250 tác phẩm thuộc tất cả các giai đoạn lịch sử để cho người viết sách giáo khoa lựa chọn.
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc giới hạn số tác phẩm lựa chọn ít nhằm thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là chương trình mới phải mang tính mở để tạo sự đa dạng cho sách giáo khoa. Sáu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm khoảng 20 tiết trong khi tổng thời lượng chương trình môn ngữ văn là khoảng 2.500 tiết.
Nhiều ý kiến cho rằng điều này chưa phù hợp
Đánh giá cao sự thay đổi theo hướng mở của Ban soạn thảo chương trình mới, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng việc chỉ đặt ra yêu cầu mục tiêu cần đạt mà không khuôn cứng các tác phẩm cần học là cách làm tiệm cận quốc tế.
“Tuy nhiên, nếu đã theo hướng mở thì nên có sự mở trọn vẹn. Thay vì đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc mang tính định hướng thì chỉ nên đưa ra các yêu cầu cần đạt về kỹ năng, phẩm chất, mục tiêu giáo dục, còn quyền lựa chọn tác phẩm dành trọn cho sách giáo khoa, giáo viên, cho học trò”, cô Tuyết chia sẻ.
Cũng theo cô Tuyết, 6 tác phẩm bắt buộc có sự mất cân đối về cảm hứng khi có đến 5 tác phẩm là cảm hứng yêu nước; mất cân đối về thể loại vì có 4 tác phẩm là nghị luận, hai tác phẩm thơ, thiếu vắng ký, kịch, truyện ngắn, văn xuôi…; mất cân đối về giai đoạn văn học vì có 5 tác phẩm là trung đại, chỉ một hiện đại nhưng lại từ thế kỷ trước.
“Nếu vẫn cần có những tác phẩm bắt buộc thì thay vì 6 tác phẩm mang cảm nhận mất cân đối như thế, hãy mang lại gương mặt đầy đặn hơn cho văn chương về thể loại, về giai đoạn, về cảm hứng”, cô Trịnh Thu Tuyết đề xuất.
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Sẽ có ba cấp độ tác phẩm văn học
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến đóng góp, cộng với rút bài học kinh nghiệm trong quá trình một tháng thực nghiệm chương trình mới ở 6 tỉnh thành để có điều chỉnh phù hợp.
“Với môn ngữ văn, chúng tôi thấy ý kiến quy định thêm các tác phẩm bắt buộc là có lý nên có bổ sung. Tất nhiên, tôi xin khẳng định lại không tác phẩm nào sánh được với 6 tác phẩm đã định nên các tác phẩm này được chỉ định học bắt buộc đích danh. Ngoài ra, sẽ có thêm các tác phẩm bắt buộc lựa chọn,” ông Thuyết nói.
Cụ thể, theo giáo sư Thuyết, các tác phẩm bắt buộc lựa chọn là tác phẩm dựa trên tác phẩm tiêu biểu trong các giai đoạn lịch sử thì đưa một vài tác phẩm tiêu biểu để lựa chọn như Xuân Diệu thì lựa chọn “Vội vàng” hoặc “Đây mùa thu tới”, hoặc kịch thì chọn kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô… Trong những tác phẩm bắt buộc lựa chọn này có rất nhiều tác phẩm dân gian của các dân tộc.
Theo đó, chương trình ngữ văn có ba cấp tác phẩm: 6 tác phẩm bắt buộc, tác phẩm bắt buộc lựa chọn và tác phẩm gợi ý lựa chọn.
“Có một số góp ý của hội nhà văn tôi thấy có lý và có tiếp thu như bổ sung các bài về hình tượng người mẹ, thêm tác phẩm về giai đoạn cách mạng, kháng chiến”, ông Thuyết nói.
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai từ năm học 2019-2020, với lớp một, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 và từ năm học 2021-2022 với lớp 10.