Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với cử tri quận Hoàn Kiếm. |
Các đại biểu HĐND thành phố đã báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ sáu HĐND thành phố; tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của thành phố và trả lời kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm trước và sau kỳ họp thứ năm HĐND thành phố.
Về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu HĐND thành phố cho biết, kinh tế vĩ mô của Thủ đô tiếp tục ổn định, thu hút đầu tư tiếp tục tăng; giá cả hàng hóa và dịch vụ ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển tốt, hướng vào chất lượng. Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó công tác vệ sinh môi trường được đổi mới phương thức quản lý bằng phương thức đấu thầu cung cấp dịch vụ theo hướng tăng cường cơ giới hóa, đưa tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% tại 12 quận nội thành và thị xã Sơn Tây và đạt 88% tại khu vực nông thôn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác nội chính và đối ngoại có nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm; thu ngân sách từ xuất khẩu giảm; chưa có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp; ùn ứ giao thông còn xảy ra; trật tự đô thị có chuyển biến tích cực nhưng chưa vững chắc...
Cũng tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri Nguyễn Phi Tính (phường Cửa Nam), Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nêu băn khoăn về việc 2 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ, cần làm rõ trách nhiệm.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, sẽ được bàn giao vào ngày 30-10 tới để chạy thử nghiệm trong 2 tháng, dự kiến tháng 1-2019 sẽ vận hành chính thức. Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được Chính phủ thí điểm giao Hà Nội làm chủ đầu tư, hiện đang chậm tiến độ. Nguyên nhân là do năng lực quản lý còn hạn chế, tiến độ các gói thầu chậm, quá trình thương thảo với các nhà thầu còn vướng mắc, chậm giải phóng mặt bằng và còn bất cập trong việc giải ngân.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã đề xuất với Chính phủ và cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Về dự án này, thành phố đã tổ chức 22 cuộc họp, thay lãnh đạo Ban quản lý dự án... Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án, đoạn từ Nhổn đến Voi Phục sẽ được vận hành vào quý I-2020. Giai đoạn 2, đoạn từ Voi Phục đến Ga Hà Nội sẽ vận hành vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Thành phố cũng đã duyệt mẫu đoàn tàu cho dự án, sẽ công khai để xin ý kiến nhân dân và cử tri. Về trách nhiệm việc để chậm tiến độ dự án, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra dự án. Thành phố cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Trước phản ánh của cử tri về những bất cập tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang có nhiều dự án chỉnh trang quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, sau khi hoàn thành sẽ ban hành quy chế để tăng cường quản lý, khắc phục những bất cập, bảo đảm an ninh, nâng cao giá trị văn hóa của không gian này.
Về ý kiến của cử tri liên quan đến xây dựng các công trình giao thông tĩnh, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã có quy hoạch cho các công trình này, đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư thiết kế, thi công bãi đỗ xe ngầm. Trước mắt sẽ có dự án bãi đỗ xe ngầm quy mô lớn tại khu vực sân vân động Quần Ngựa. Thành phố cũng đã ban hành quy định về việc các công trình cao tầng phải có tầng hầm đỗ xe...
Tăng cường quản lý nhà chuyên dùng
Bên cạnh những ý kiến phản ánh về giao thông, đô thị, cử tri cũng nêu vấn đề bất cập trong quản lý nhà chuyên dùng thuộc sử hữu Nhà nước. Cụ thể là tình trạng một số cơ quan chuyển trụ sở đi nơi khác nhưng không bàn giao lại cơ sở cũ cho thành phố mà đầu tư xây dựng, thậm chí chuyển nhượng cho đơn vị khác. Cử tri Nguyễn Văn Khiên (phường Hàng Bông) nêu ví dụ về khu nhà xưởng của một công ty in trên địa bàn.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 1-2016, thành phố đã yêu cầu tạm dừng việc cho thuê, mua bán nhà chuyên dùng bởi đã phát hiện có tiêu cực. Vụ việc đã được cơ quan chức năng khởi tố. Quan điểm của thành phố là việc quản lý nhà chuyên dùng sẽ theo hướng một đầu mối. Hiện nay, thành phố đã rà soát tất cả nhà chuyên dùng, sắp tới sẽ đưa ra đấu thầu công khai việc cho thuê để thu đúng, thu đủ. TP Hà Nội cũng đã làm việc với các bộ, ban, ngành để thống nhất việc nếu di dời trụ sở phải bàn giao lại địa điểm cũ cho thành phố.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã ghi nhận, giải đáp một số ý kiến của cử tri về các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Ban Công tác mặt trận tại cơ sở... Về việc thí điểm hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị, thành phố đang hoàn thiện thủ tục pháp lý. Chủ tịch UBND thành phố cũng ghi nhận phản ánh của cử tri Thái Doãn Đống (phường Phan Chu Trinh) về bất cập trong việc mua sắm tập trung tài sản công và cho biết, Hà Nội đang đề xuất Bộ Tài chính bổ sung danh mục tài sản có thể phân cấp cho quận, huyện, phường, xã mua sắm...