Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu động viên các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 25-7, Chính phủ tổ chức cuộc gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc với sự tham dự của 500 thương binh nặng, bị mất sức lao động từ 81% trở lên.
72 thương binh nặng tiêu biểu tham dự cuộc gặp mặt tại Nhà Quốc hội và 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đều là những người đã vượt qua thương tật, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều trường hợp đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, trở thành doanh nhân, tạo công ăn việc làm cho con, cháu của đồng đội và các gia đình chính sách trên địa bàn, trực tiếp tham gia việc tìm kiếm, quy tập hài cốt của đồng đội, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.
"Đây là những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa và lay động trong xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, đại diện các thương binh nặng cho biết, dù bị thương tật thế nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều luôn khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn mà không phế”.
Khi trở về địa phương, các thương binh, bệnh binh luôn xác định phải cố gắng vượt qua khó khăn, chăm lo tăng gia sản xuất để giúp mình và gia đình, có thể làm giàu và giúp đỡ cộng đồng, xã hội. Các thương binh nặng mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, đặc biệt là quan tâm thực hiện chính sách đối với thế hệ thứ hai, thứ ba bị nhiễm chất độc da cam/dioxin...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ xúc động gặp mặt các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi lời thăm hỏi, sự tri ân sâu sắc tới tất cả các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước; chúc các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc...
Thực hiện lời dặn của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt qua các thời kỳ lịch sử, các giai đoạn phát triển của đất nước. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm và không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn của cả xã hội, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với nước đã từng bước được hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi được từng bước nâng cao gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và luôn là chính sách ưu đãi nhất và bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, được xã hội đồng thuận cao.
Năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể.
Ghi nhớ lời dạy của Bác, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, khắc phục khó khăn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, đặc biệt là vợ, chồng, con em, thân nhân đã trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên các thương binh, bệnh binh hằng ngày, hằng giờ.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể từ trung ương tới địa phương; đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực tích cực và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tham mưu ban hành kịp thời các chính sách ưu đãi người có công nói chung và các thương binh, thương binh nặng nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay đúng dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi tổ chức các hoạt động thi đua hướng tới 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cùng các thương binh, bệnh binh, gia đình các đồng chí càng thêm thấm nhuần và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ, chăm lo, thực hiện tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới các thương binh nặng, các gia đình người có công đang sống cô đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…; ưu tiên nguồn lực giải quyết các nhu cầu cấp thiết đối với người có công, đẩy mạnh phong trào xã hội hóa, chăm lo đối với người có công với cách mạng.