Cho trẻ em ngồi, đóng giả người tai nạn nằm trên đường để dàn cảnh cướp tài sản

Văn Sinh/KTĐT| 19/04/2019 11:11

Trường hợp khi đang di chuyển trên đường vào ban đêm, thấy có người nằm và kêu cứu hoặc trẻ em ngồi một mình bên đường, có vật cản đường… người điều khiển giao thông cần nhanh chóng quan sát xung quanh, dùng các thiết bị ghi hình hiện có để ghi lại hình ảnh, sau đó quay ngược đầu xe về phía khu vực có đông dân cư và thông báo với lực lượng chức năng.

Ngày 17/4/2019, Công an TP Hà Nội đã ra thông báo cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm cướp tài sản và một số biện pháp phòng ngừa. Đồng thời đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng ngừa, tự bảo vệ cho bản thân và cho người thân trong gia đình.
Theo đó: Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng cửa sổ không có khung sắt hoặc cửa nhà mở sẵn, rồi bất ngờ đột nhập công khai, dùng vũ lực, đe dọa để khống chế, chiếm đoạt tài sản.
Đột nhập vào nhà bằng cách phá khóa, phá cửa, trèo tường sau đó khống chế chủ nhà, người có trách nhiệm quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản.
Chủ động tạo ra những lý do hợp lý để đột nhập vào nhà, như: Giả danh, hóa trang thành nhân viên kiểm tra điện, nước, truyền hình cáp… để chủ nhà, người có trách nhiệm quản lý tài sản mất cảnh giác cho các đối tượng vào nhà; rồi sau đó bất ngờ dùng vũ lực, đe dọa để khống chế, chiếm đoạt tài sản.
Do quen biết với chủ nhà rồi xin lưu trú lại, đến thời điểm thuận lợi thì dùng vũ lực khống chế, chiếm đoạt tài sản.
Vào ban đêm, các đối tượng phục sẵn tại các đoạn đường vắng, ít người qua lại… Khi phát hiện người dân thì chặn hoặc đuổi theo khống chế, sau đó chiếm đoạt tài sản. Hoặc phục sẵn ở khu vực gần những nơi thường xuyên có hoạt động giao, nhận tài sản lớn (như: Ngân hàng, cửa hàng vàng bạc, đá quý…) để quan sát, khi phát hiện người dân mang theo nhiều tài sản đi ra từ những nơi này thì bám theo đến địa điểm thuận lợi và thực hiện hành vi cướp tài sản.
Đặc biệt, thời gian gần đây còn xuất hiện thủ đoạn các đối tượng tự tạo ra những tình huống khiến người tham gia giao thông mất cảnh giác, buộc phải dừng phương tiện như: Cho trẻ em ngồi, đóng giả người tai nạn nằm trên đường hoặc đặt các chướng ngại vật giữa đường vào buổi tối; hoặc dàn cảnh các vụ tai nạn, va chạm giao thông, đánh ghen, đánh nhau… khi người điều khiển giao thông nhìn thấy, dừng phương tiện và tiến lại gần, các đối tượng phục sẵn quanh khu vực này sẽ ngay lập tức xông ra khống chế hoặc dùng các thủ đoạn khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (như đánh thuốc mê) và chiếm đoạt tài sản.
Đóng giả là khách thuê xe ôm, thuê xe taxi… để dẫn nạn nhân đến địa điểm vắng vẻ, ít người qua lại hoặc có đồng bọn đợi sẵn… sau đó thực hiện hành vi cướp tài sản.
Công an TP lưu ý, hiện nay một số phương thức, thủ đoạn tiếp cận mục tiêu tấn công của tội phạm cướp tài sản thông qua các dịch vụ của mạng internet (zalo, viber, wechat, beetalk…), mạng xã hội (facebook, instagram, twitter…) và mạng viễn thông như: Sử dụng “vỏ bọc” để xây dựng lòng tin với chủ tài sản (giả danh là cán bộ công an, bộ đội, tòa án… nhắn tin làm quen, trò chuyện…), sau đó hẹn nạn nhân đến những địa điểm thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội;
Giả vờ mua hàng sau đó yêu cầu người bán hàng vận chuyển đến nơi thuận lợi để thực hiện tội phạm; giả danh là người đi đường, cơ quan công an, bác sĩ, bệnh viện… gọi điện thông báo có người nhà đang gặp vấn đề nguy hiểm (đánh nhau, tai nạn giao thông…) và cần phải đến ngay để giải quyết, sau khi đã điều được nạn nhân đến địa điểm thuận lợi thì khống chế, chiếm đoạt tài sản; chiếm quyền điều khiển các dịch vụ của mạng internet, mạng xã hội của người dân sau đó nhắn tin, điều người thân, bạn bè đến những nơi thuận lợi để cướp tài sản.
Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng tội phạm, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp tự phòng ngừa, hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với chủ nhà, chủ cửa hàng, người đứng đầu các chi nhánh ngân hàng, công ty, điểm thu phí…:
Lắp đặt và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hệ thống an ninh vẫn hoạt động tốt, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng có thể lợi dụng để đột nhập; đảm bảo mọi thành viên trong gia đình đều có số điện thoại của cơ quan Công an, Tổ trưởng tổ dân phố nơi sinh sống và lực lượng bảo vệ, an ninh (đối với các khu chung cư).
Quán triệt, thông báo đến các thành viên trong gia đình về những phương thức, thủ đoạn mà đối tượng thường sử dụng để đột nhập và thực hiện hành vi cướp tài sản; tuyệt đối không mở cửa cho người lạ; trong trường hợp có người lạ gõ cửa tự xưng là nhân viên sửa, kiểm tra điện, nước, truyền hình cáp… cần yêu cầu cung cấp giấy tờ, đồng thời gọi điện xác minh qua công ty nơi họ làm việc, Tổ trưởng tổ dân phố hoặc bảo vệ tòa nhà (đối với các khu chung cư)…
Riêng với các điểm tập trung tài sản với số lượng lớn (như: Ngân hàng, điểm thu phí…), cần chủ động phối hợp với lực lượng Công an cơ sở thống nhất, lắp đặt camera an ninh hoặc kênh liên lạc riêng kết nối trực tiếp giữa các địa điểm này với trực ban Công an xã, phường, thị trấn để theo dõi, kịp thời thông tin, xử lý khi xảy ra các vụ cướp tài sản.
Đối với những người được giao trách nhiệm bảo vệ, trông coi, quản lý tài sản tại các khu chung cư, cửa hàng, ngân hàng:
Kiểm soát chặt chẽ những người lạ mặt hoặc những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn xuất hiện xung quanh và trong khu vực mình có trách nhiệm bảo vệ, trông coi, quản lý; trong trường hợp người lạ đến và tự xưng là nhân viên sửa điện, nước hoặc nhân viên truyền hình cáp… đến kiểm tra, sửa chữa cần yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh, địa chỉ, số điện thoại công ty và người đề nghị để xác minh.
Thường xuyên tổ chức tuần tra trong khu vực được giao trách nhiệm bảo vệ, trông coi, quản lý; thiết lập kênh thông tin, liên lạc riêng với những người được giao trách nhiệm bảo vệ, trông coi, quản lý tài sản xung quanh và chủ cửa hàng, ngân hàng, ban quản lý nhà chung cư, lực lượng Công an cơ sở… để kịp thời thông báo, phối hợp khi xảy ra tội phạm.
Đối với người dân di chuyển trên các tuyến giao thông:
Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, nhất là trên những tuyến đường, khu vực hay di chuyển; không nên mang trong người quá nhiều tài sản khi di chuyển trên các tuyến giao thông và không để tài sản ở những nơi các đối tượng dễ nhận biết và thực hiện hành vi phạm tội (như giỏ xe, treo móc bên thân xe máy…); trường hợp buộc phải mang trong người nhiều tài sản di chuyển trên các tuyến giao thông, nên để tài sản vào cốp xe, giữ bí mật, không được để người lạ hoặc những người có mối quan hệ không thân thiết biết, khi di chuyển phải có ít nhất 02 người, biểu hiện tự nhiên và di chuyển thẳng đến nơi cần đến.
Hạn chế di chuyển trên các tuyến đường vắng, ít người qua lại (nhất là vào ban đêm); trường hợp buộc phải di chuyển trên các tuyến đường này, trước khi di chuyển cần thông báo cho người thân, để hạn chế thấp nhất tình huống xấu có thể xảy ra…
Trường hợp khi đang di chuyển trên đường vào ban đêm, thấy có người nằm và kêu cứu hoặc trẻ em ngồi một mình bên đường, có vật cản đường… người điều khiển giao thông cần nhanh chóng quan sát xung quanh, dùng các thiết bị ghi hình hiện có để ghi lại hình ảnh, sau đó quay ngược đầu xe về phía khu vực có đông dân cư và thông báo với lực lượng Công an, chính quyền địa phương để kịp thời có phương án xử lý, cứu chữa.
Đối với những người tham gia giao thông là tài xế xe ôm, xe taxi: Cần chủ động từ chối, hạn chế nhận chở khách đến những địa điểm vắng vẻ vào ban đêm; riêng với xe taxi có thể lắp đặt vách ngăn giữa ghế lái với các ghế xung quanh (ghế phụ, ghế sau); đồng thời, chú ý thái độ, biểu hiện của những hành khách.
Đối với những người có mâu thuẫn do vay nợ tiền hoặc tài sản khác, cần chú ý:
Khi có mâu thuẫn do vay nợ tiền, tài sản của người khác mà hai bên không thể trao đổi, thỏa thuận, thống nhất với nhau được thì không nên một mình gặp những người có mâu thuẫn để trao đổi, thỏa thuận mà nên đi nhiều người, gặp ở những địa điểm đông người qua lại, vào ban ngày và gần các trụ sở cơ quan Công an để tránh bị các đối tượng đe dọa, đánh đập dẫn đến hành vi cướp tài sải.
Đối với những người kinh doanh online, vận chuyển giao hàng theo yêu cầu:
Cần thay đổi hình thức giao hàng từ giao, nhận trực tiếp thành giao, nhận qua bưu điện, chuyển phát nhanh hoặc đề nghị hỗ trợ phí vận chuyển nếu người mua đến tận nơi nhận hàng. Nếu trực tiếp phải vận chuyển hàng thì chỉ vận chuyển đến những nơi có nhiều người qua lại, vào thời gian ban ngày…
Đối với những người có nhiều mối quan hệ quen qua các dịch vụ internet, mạng xã hội, cần chú ý một số vấn đề sau:
Quá trình nói chuyện, tìm hiểu cần căn cứ vào những thông tin mà đối phương đã cung cấp để đưa ra các câu hỏi, tình huống kiểm tra bất ngờ, đồng thời có thể khéo léo kiểm tra thông tin thông qua mối quan hệ của bản thân mình hoặc thông qua các mối quan hệ của đối phương, từ đó xác định được tính chính xác của những thông tin này.
Nếu được đối phương hẹn gặp mặt, cần chủ động lựa chọn những địa điểm có đông người qua lại, 2 bên tự di chuyển đến nơi gặp gỡ; tuyệt đối không cùng di chuyển với đối tượng bằng 1 phương tiện (tránh việc bị đối phương đưa đến những địa điểm thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm).
Cẩn trọng trong việc sử dụng các tài khoản trên mạng internet, mạng xã hội; khi bị mất, bị chiếm đoạt điện thoại hoặc bị kể gian tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản, phải ngay lập tức có biện pháp thông báo, cảnh báo cho những mối liên hệ của mình biết để không trở thành nạn nhân của tội phạm.
Ngoài ra, trong mọi trường hợp, khi nhận thấy các đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn chuẩn bị thực hiện tội phạm cướp tài sản, người dân cần nhanh chóng phản ánh đến lực lượng Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng của Công an TP Hà Nội theo số điện thoại 113 hoặc 069.219.6780 để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Cho trẻ em ngồi, đóng giả người tai nạn nằm trên đường để dàn cảnh cướp tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO