Trên các Diễn đàn Chim cảnh từng rộ lên những đợt tuyên truyền, khẩu chiến về loại cám thực sự tốt cho chim cảnh. Đa số đại lý bán cám gia cầm và người chơi chim đều biết đến cuộc chiến giành ngôi “hàng thật” giữa hai doanh nghiệp sản xuất cùng có chữ “Ba Vì” trong thương hiệu pháp lý.
Trào lưu chơi chim cảnh phủ sóng tới mọi miền của đất nước. Ảnh: Lan Hương.
Vút lên nhờ công khai số điện thoại
Sau 30 năm tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp ngành chăn nuôi, ông Phạm Minh Hùng xin nghỉ hưu sớm để mở doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Hùng nhận thấy “cám cho gà, vịt, cá đã có quá nhiều nơi làm nên tôi chọn sản xuất cám cho chim cảnh để bớt áp lực cạnh tranh”. Để gây tín nhiệm với khách hàng, ông Hùng đặt tên thương mại cho doanh nghiệp của mình là Trung tâm Nghiên cứu chim Ba Vì (TTNCC Ba Vì) với địa chỉ, điện thoại ghi rõ trên bao bì.
Đem sản phẩm đi chào hàng, tất cả các cửa hàng bán cám lớn nhỏ đều từ chối vì họ sợ khách hàng vượt mặt sẽ tìm thẳng đến nhà sản xuất. Lúc đó chỉ có duy nhất một chủ đại lý là người từng làm việc lâu năm trong ngành chăn nuôi hiểu sự khác biệt của nhãn hàng cám chim đầu tiên trên thị trường ghi đầy đủ thông tin liên hệ và thành phần dinh dưỡng. Mẻ đầu tiên bán được 50kg trong “vài nốt nhạc”. Sau đó 600kg bán cũng hết veo. Các chủ hàng đồn nhau, gọi điện tới tấp đặt hàng cám chim Ba Vì. Người nuôi chim nhận thấy chim cảnh ăn loại cám này lông mượt, hót hay mà vẫn gầy. Khác với loại cám vỗ béo chim khiến chúng lười hót. Thị phần của sản phẩm mở rộng đến các tỉnh ba miền.
Cà-phê chim cảnh trên một con phố Hà Nội. Ảnh: Lan Hương.
Gặp phải “thánh hàng nhái”
Cuối năm 1997, khi đi khảo sát thị trường trên địa bàn Hà Đông ông Hùng gặp một chủ hiệu may có thú chơi chim cảnh. Ông Hùng ghé vào thăm và đề nghị: "Cậu thích chơi chim thế này thì có thể làm đại lý thức ăn nuôi chim cho TTNCC Ba Vì trên địa bàn Hà Đông không?". Chủ hiệu tên QK (vì tế nhị ông Hùng không tiện nêu danh tính) vui vẻ nhận lời. Anh QK đề nghị ông Hùng hướng dẫn kỹ thuật, công thức dinh dưỡng cám chim để anh giải thích cho khách hàng. Thấy hàng hóa tiêu thụ ngày càng nhiều, anh K. nảy lòng tham, làm thêm cám giả bán lẫn cám thật của ông Hùng. Hồi ấy bao bì in lưới 1 màu, rất dễ làm nhái. Nhân viên của ông Hùng phát hiện ra, cắt quan hệ không cho anh K. làm đại lý nữa.
Anh K. lập Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất và thương mại Ba Vì, cố tình có chữ “Ba Vì”. Biết ông Phạm Minh Hùng chưa đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT), anh K. lập tức lấy logo của nhãn hàng ông Hùng đi đăng ký nhãn hiệu dưới tên của doanh nghiệp mình. Ông Hùng gửi đơn kiện, anh K. tố ngược “chính TTNCC Ba Vì của ông Hùng ăn cắp nhãn hiệu của tôi”. Cục SHTT chất vấn K.: “Doanh nghiệp của anh vừa thành lập tại sao lại có logo trước”. K. giải thích: “Đây là nhãn hiệu cám chim cảnh gia truyền từ nhiều đời của gia đình tôi”.
Cục SHTT công nhận logo của công ty K. là hợp pháp. Vậy là logo danh tiếng có hình con chim cách điệu vung cánh theo hình tròn, ôm lấy chữ “Ba Vì” ở giữa đã thuộc về chủ sở hữu mạo danh. Lúc này , ông Hùng, chủ sở hữu đích thực của Cám chim Ba Vì mang sổ sách có chữ ký QK mua hàng của ông trong một thời gian dài đến vạch mặt anh ta tại Cục SHTT. Cuối cùng, Cục đưa ra mức phân xử mang tính dàn hòa: QK được giữ lại chữ “Ba Vì” để làm logo vì anh này đăng ký nhãn hiệu trước, còn ông Phạm Minh Hùng được giữ Con chim cách điệu trong logo.
Ngựa quen đường cũ, K. tiếp tục dùng logo có cả cánh chim lẫn chữ “Ba Vì” nên bị Quản lý thị trường thành phố Hà Nội xử phạt. Sau đó K. sửa logo thành vòng tròn giống hình cánh chim. Với bao bì và logo trình bày gần như copy với Cám chim Ba Vì gốc, sản phẩm của K. tung hoành mạnh trên địa phận Hà Đông vì có giá rẻ hơn và lăm le Nam tiến. K. thuê người viết bài tung lên các diễn đàn Chim cảnh chứng minh hàng của mình thật, còn của ông Hùng là giả. Tác giả đích thực bó tay nhìn hàng nhái lộng hành, thị phần công ty mình sụt giảm.
Ông Phạm Minh Hùng chia sẻ bí quyết cho người mới khởi nghiệp: "Hãy đăng ký ngay nhãn hiệu hàng hóa, kể cả mặt hàng đó của bạn tẹp nhẹp và "rẻ như cám". Khi bạn phát hiện ra giá trị của nó có thể bạn đã mất nó rồi".
Dùng “nhái cực rẻ” giết “nhái rẻ”
Ông Phạm Minh Hùng lúc này đưa ra một quyết định liều lĩnh và tốn kém là tung ra thị trường loại cám nhái chính mẫu mã gốc của mình với logo hình vòng tròn cũng gần giống cánh chim (nhưng không y hệt logo của K.). Gói cám hàng nhái của K. bán 5.500 đồng, gói cám nhái của ông Hùng bán giá chỉ có 5.000 đồng. Ngoài ra ông vẫn tiếp tục sản xuất Cám chim Ba Vì phiên bản logo gốc có Cánh chim cách điệu. Thị trường hoang mang, khách hàng liên tiếp gọi đến số máy của Vua cám chim hỏi “đâu là cám thật?”.
Ông Hùng giải thích cho từng người rằng, cám có con chim cách điệu là thật, tất cả các bao bì logo hình vòng tròn hơi giống cánh chim là giả”. Thông tin này đồng nghĩa: cám nhái của của K. và của ông Hùng đều “chung một rọ”. Ông Hùng bỏ vốn lớn nuôi cuộc chiến “nhái cực rẻ giết nhái rẻ” gần 1 năm, chấp nhận không lãi xu nào để phổ biến kiến thức về hàng nhái cho người nuôi chim.
Cũng thời gian này, Doanh nghiệp tư nhân trung tâm Ba Vì (tên pháp lý) của ông Phạm Minh Hùng đoạt Huy chương vàng (HCV) thứ 5 trong Triển lãm hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Giờ đây bao bì sản phẩm chất lượng của ông có in hình 5 HCV, không “thánh nhái” nào dám làm giả dấu hiệu này.
Kiệt lực vì thua lỗ sau một năm ế ẩm, chịu không nổi anh K. chính thức tạm bỏ nhãn hiệu này, chuyển sang mẫu mã bao bì khác.
Cuối năm 2016, ông Phạm Minh Hùng thấy mình đến tuổi nghỉ ngơi nên xin ngừng hoạt động. Ông nhượng bản quyền thương hiệu cho doanh nghiệp của con ông. Vì đã rút lui về hậu trường nên ông Hùng mới đồng ý kể câu chuyện này.