Chào hỏi cũng không rành
Để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, kiến thức chuyên môn là điều kiện hàng đầu. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ, thậm chí sẽ rất khó khăn khi tìm việc làm nếu ứng viên thiếu các kỹ năng, thái độ cần thiết.
Chuyện thật như đùa khi ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch hội đồng quản trị S furniture, Ủy viên Hội đồng Thành viên khởi nghiệp phía Nam gặp rất nhiều sinh viên không tự tin về chào hỏi dù các bạn học rất giỏi. Các bạn chỉ lo học mà không biết chào hỏi như thế nào; muốn bắt tay với một lãnh đạo khi họ chìa tay ra nhưng không biết bắt tay như thế nào…
Đó là kỹ năng cơ bản mà hiện nay nhiều sinh viên đang rất thiếu, điều này đang gây ra những trở ngại cho chính các bạn trong đó có việc tìm việc làm. Ông Vạn cho biết kể cách đây 2 tháng có bạn sinh viên liên hệ xin việc làm, qua điện thoại bạn hỏi công ty có trả tiền đi lại khi đến phỏng vấn? Các bạn không hiểu rằng mình mới là ứng viên, chưa phải là nhân viên mà đã đòi hỏi; hay trường hợp mới đây có một ứng viên tốt nghiệp trung bình đến xin việc ở vị trí xuất nhập khẩu. Khi hỏi tại sao bằng tốt nghiệp chỉ trung bình, thay vì bạn ấy nói có đi làm thêm, tham gia hoạt động xã hội, học tiếng Anh… nên việc học có ảnh hưởng thì ứng viên lại tự tin thái quá khi trả lời vấn đề quan trọng là năng lực chứ khổng phải học vấn… Trả lời như vậy là hỏng bởi nhà tuyển dụng không cần biêt điều đó.
Ứng phó với nhà tuyển dụng khi đề cập lương cũng là kỹ năng. Thông thường, khi phỏng vấn xong các nhà tuyển dụng hỏi ứng viên cần mức lương bao nhiêu. Đây là câu hỏi khó cho các sinh viên mới ra trường. Do vậy các bạn cần phải chuẩn bị tâm lý và nghiên cứu mức lương hiện tại doanh nghiệp trả cho vị trí bạn ứng tuyển là bao nhiêu để trả lời.
Các nhà tuyển dụng chia sẻ tại buổi tọa đàm
Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc ABBank- Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng kết quả học tốt là lợi thế để lọt vào mắt nhà tuyển dụng vì nhiều doanh nghiệp đưa ra tiêu chuẩn bằng cấp khi tuyển dụng. Nhưng khác với trước đây, khi doanh nghiệp đặt yêu cầu cao về kiến thức thì nay doanh nghiệp đặt yêu cầu cao về kỹ năng và thái độ.
"Ở môi trường ĐH, các bạn không nên dành 100% thời gian cho việc học tập, tôi khuyên các bạn các bạn hãy dành một quỹ thời gian nhất định để giao lưu học hỏi tham gia công tác xã hội"- ông Cường nói và cho biết 20 năm làm công tác tuyển dụng ông được gặp rất nhiều sinh viên không có bằng cấp cao nhưng trong thời gian học tập các bạn có đi làm thêm, tham gia công tác xã hội…Ở những bạn này khi phỏng vấn, các bạn có sự tự tin hơn những bạn có bằng cấp cao nhưng lại thiếu kỹ năng.
Chinh phục nhà tuyển dụng như chinh phục người yêu
Theo các chuyên gia, dù là sinh viên năm nhất, năm 2 thì các bạn cũng phải đặt ra mục tiêu. Chỉ khi đặt ra mục tiêu và kế hoạch rõ ràng mới có cơ hội thành công.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược trung tâm kỹ năng sống ý tưởng Việt- Ủy viên ban chấp hành trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng chinh phục nhà tuyển dụng như chinh phục người yêu, phải hiểu người tuyển dụng cần gì. Ông đưa ra một dẫn chứng thực tế là đã từng nằm trong hội đồng tuyển dụng cho một tập đoàn nước giải khát lớn, chứng kiến tận mắt và rất ấn tượng với ứng viên có hồ sơ dày 108 trang. Trong đó 8 trang lý lịch còn lại 100 trang là quá trình ứng viên ấy tìm hiểu hoạt động, tham gia các sự kiện của tập đoàn này trong suốt 4 năm và trình bày cực kỳ tự tin.
Ông Hà Huy Cường, cho rằng để thành công trong tương lai cần xác định mục tiêu của mình muốn thành công như thế nào, giống ai. Khi đã xác định được mục tiêu, bước tiếp theo là xác định những mảnh ghép để hoàn thành mục tiêu của mình cần kỹ năng gì, kiến thức gì, nội lực gì, mất thời gian bao lâu và cần xác định xem mình đang ở đâu trong mãnh ghép đó…Và vấn đề rất quan trọng là phải tìm được người dẫn dắt.
Làm trái ngành là chuyện thường
Cho rằng nhiều sinh viên băn khoăn khi làm việc làm trái ngành đào tạo nhưng ông Cường cho rằng chuyện này bình thường. Ngay như bản thân ông học ngành, trường không phải do mình chọn và sau khi ra trường đã trải qua rất nhiều ngành nghề, ở những nơi đó đã dạy cho ông các kỹ năng, kinh nghiệm và tạo ra các mối quan hệ. Vậy nên, các bạn đừng ngại vấn đề làm trái ngành trái nghề, dù các bạn làm ở đâu, làm cái gì thì thái độ mới là quan trọng, các bạn phải làm tốt nhất trong khả năng của mình.