(Thành hoàng làng Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội)
Đình Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Châu Nương họ Lý, xưa ở ven hồ phía Giảng Võ ngày nay, có công bảo vệ kho tàng chống giặc thời vua Nhân Tông nên được nhân dân lập đền thờ, cha của nàng là Lý Quỳnh, vốn người làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), làm chức Điển bộ binh lương, tức coi kho tàng quân đội (ở Thăng Long). Năm ông ngoài 60 tuổi, lấy người thiếp ở Giảng Võ và sinh ra nàng, đặt tên là Châu Nương. Lúc nhỏ, Châu Nương học chữ Hán với một ông thầy ở phường Bích Câu, đến năm 18 tuổi thì cha mất. Nàng đẹp và hay chữ có tiếng lúc bấy giờ. Thời đó, có vị quan họ Trần, tước Thái Bảo, làm Đốc bộ ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh), ghé qua Thăng Long, nghe tiếng bèn xin cưới làm thiếp, năm đó nàng 22 tuổi.
Gặp lúc quân Mông - Nguyên từ phía Chiêm Thành tràn sang cướp phá Hoan Châu, Thái Bảo phải ra đèo ngang chống giặc, giao cho Châu Nương ở lại chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho tàng. Quân giặc lúc ấy rất mạnh, Thái Bảo phải rút về Diễn Châu củng cố và bổ sung đội ngũ. Thành Hoan Châu (thời đó ở vùng Rú Thành, thuộc huyện Hưng Nguyên hiện nay) bị giặc vây riết, tình hình rất nguy nan. Châu Nương rất bình tĩnh, gan dạ, không hề nao núng, giúp chồng bảo vệ thành Diễn Châu, làm một hậu phương vững chắc, do đó Thái Bảo có điều kiện chuẩn bị phản công. Quả nhiên, được ít lâu, Thái Bảo tập kích giặc, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, khiến giặc phải rút chạy về phía đèo Ngang thuộc châu Bố Chính (Quảng Bình hiện nay).
Được tin Thái Bảo thắng trận, vua Trần triệu cả hai vợ chồng về kinh đô khen thưởng và giao cho hai vợ chồng nhiệm vụ ở lại tham gia bảo vệ kinh đô, đề phòng giặc báo thù. Thái Bảo được giao chức Tiền quân dực thánh, bảo vệ nhà vua, và Châu Nương được giao nhiệm vụ coi kho phủ Phụng Thiên, tức kinh đô Thăng Long. Quả nhiên, giặc Nguyên - Mông quay sang báo thù, đốt phá kinh thành. Thế giặc quá mạnh. Triều đình phải rút ra khỏi kinh đô để bảo toàn lực lượng. Thái Bảo được giao bảo vệ mặt trận phía sông Thao, rồi tử trận ở đó. Châu Nương nghe tin chồng mất khóc lóc thảm thiết, ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời sinh ta là gái, nhưng ta nguyện vì dân, vì nước, dù thịt nát xương tan, mong được tiếng thơm muôn đời”.
Sau đó, lâm vào thế không thể cản giặc được nữa, phu nhân cho phân tán cất giấu của cải được chừng nào hay chừng ấy, rồi vào kho lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn. Nhân dân rất cảm phục khí tiết của phu nhân, tin rằng phu nhân không chết, đã hóa phép về trời, tấm khăn hồng bay về làng Giảng Võ, nơi sinh của phu nhân. Khi quân giặc vào kho lùng sục, thấy kho trống trải, chỉ có con rắn lớn hung dữ lao ra, nên chúng phải bỏ đi, người đời nói đó là hồn của phu nhân nhập vào rắn thần.
Sau khi quân giặc bị dẹp tan, Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông về kinh đô, nghe tin Châu Nương tử tiết, bèn phong là “Quản Chưởng Quốc Khố Công Chúa”, và sức cho làng Giảng Võ (xưa là Võ Trại) và các làng ở Diễn Châu xưa (Nay thuộc Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu) tất cả 22 nơi lập miếu thờ, riêng miếu nơi kho ở Giảng Võ là miếu chính.
Tại đình làng Giảng Võ hiện nay, còn đôi câu đối ghi lại sự tích đó.
Tài chính túc sung quân, khổn nội mệnh văn thiên
tử chiếu;
Âm mưu năng thoái lỗ,
quốc trung danh chấn nữ thần quyền.
Dịch nghĩa:
Của cải đủ nuôi quân,
khăn yếm ra tay vân
chiếu chỉ;
Hồn thiêng còn đuổi giặc, non sông vang dậy tiếng
công nương.
Đình Giảng Võ có 11 đạo sắc của các triều đại phong thần cho bà Chúa Kho, đạo sớm nhất đề năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783); đạo muộn nhất đề năm Khải Định thứ 9 (1925), và một bản chức văn bằng chữ Hán Nôm ca ngợi công tích bà.
Đình Giảng Võ đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.