Trong những năm tháng học đại học và làm việc, là một người năng nỗ anh tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, tiếp xúc với nhiều người giỏi, nghe từ họ rất nhiều câu chuyện, tiếp thu cho bản thân nhiều kinh nghiệm quý gía trong đó hiểu được rằng chỉ cần có trí tuệ và ý chí sẽ làm được tất cả.
Anh Nguyễn Ngọc Hưng bên trang trại chăn nuôi rắn của mình.
Là người đầu tiên trong toàn tỉnh Quảng Bình thử nghiệm thành công với mô hình nuôi rắn nấu cao hổ mang và ráo trâu, tuy mới khởi nghiệp từ tháng 4 / 2018 nhưng anh Hưng đã thấy rõ được sự thuận lợi và khởi sắc trong nghề nuôi rắn nấu cao, quấn bình của mình. Anh luôn tìm tòi học hỏi, đổi mới phương pháp chăm sóc và lai tạo giống sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng (300 triệu đồng là số tiền anh tích góp được sau ngày ra trườngvà 200 triệu đồng anh vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tuyên Hóa), Ngọc Hưng đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại và nhập về 500 quả trứng, 600 con rắn con và rắn bố mẹ thuộc hai cá thể rắn chính là hổ mang và ráo trâu.
Anh Hưng cho biết: “Rắn hổ mang và ráo trâu là 2 loài rắn ít bệnh tật, dễ nuôi, đầu ra khá ổn đinh. Thức ăn chủ yếu là cóc, ếch nhái, chuột và các loại gia cầm, cứ 3 ngày cho rắn ăn một lần. Về mùa đông, rắn chủ yếu là ngủ đông nên không phải tốn thức ăn và công chăm sóc mà hiệu quả thu về lại rất cao”.
Trang trại chăn nuôi rắn thương phẩm của anh Ngọc Hưng
Thành quả ban đầu, từ khi thành lập đến nay, Ngọc Hưng đã nấu được hai nồi cao rắn hổ mang, mỗi nồi thu được 5,5 kg với giá bán 1,2 triệu đồng/lạng và đã xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Quấn được 19 bình rượu rắn hổ mang với giá bán ra thị trường là 2,5 triệu đồng/bình (rắn quấn bình đạt từ 2,5 kg trở lên) và đã xuất ra thị trường được 7 bình. Được biết, cao rắn và rượu rắn hổ mang có tác dụng trong việc điều trị và làm giảm các chứng đau xương khớp, trục phong thấp, đau thần kinh tọa, dây thần kinh ngoại biên.
Chuồng rắn của anh Ngọc Hưng
Nói về dự định tương lai, anh Ngọc Hưng cho biết thêm là sắp tới sẽ mở rộng quy mô, diện tích và số lượng đàn, xây dựng các nông hộ xung quanh thành hệ thống trang trại vệ tinh theo hướng bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt là mở nhà hàng tại TP Đồng Hới để làm thí điểm tiêu thụ sản phẩm. Quyết tâm xây dựng thương hiệu và uy tín và tạo được vị trí bền vững trên thị trường với sản phẩm cao rắn hổ mang, rượu ngâm rắn - quấn bình.
Bà Hồ Thị Bích Hà – Phó Bí thư Chi bộ - Chủ tịch xã Phong Hóa cho biết: “Hưng là một thanh niên ưu tú. Ngoan hiền, giỏi. Thật sự ban đầu tôi rất ngạc nhiên trước quyết định của em đó là dám bỏ một công việc lương cao, môi trường làm việc quá tốt – một vị trí ngàn người mơ ước để về chăn nuôi vất vả. Nhưng tôi tin rằng với khả năng tiếp cận thị trường, sự nhạy bén trong tư duy kinh doanh, Hưng lại có kiến thức cùng với đức tính cần cù, vượt khó, mạnh dạn đầu tư em ấy sẽ sớm thành công”.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi rắn của anh đã trở thành hướng đi tiêu biểu của thanh niên Phong Hóa – Tuyên Hóa, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ và các hộ nông dân trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Hưng được người dân trong vùng mệnh danh là ông chủ trẻ khởi nghiệp từ nghề nông. Xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho mọi người học tập và noi theo.