Chậm được xử lý nhà hàng, công trình nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng

Hoàng Minh/HNM| 09/07/2019 07:37

Thời gian qua, đoạn sông Hồng qua một số quận của Hà Nội xuất hiện nhiều nhà hàng, công trình nổi để ở, nơi làm việc, kinh doanh ăn uống nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc sử dụng sai phép. Mặc dù vi phạm diễn ra từ lâu, đã bị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ hoặc di chuyển khỏi hành lang thoát lũ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm...

Chậm được xử lý nhà hàng, công trình nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng
Nhà hàng nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên).

Mất "bò" mới lo... kiểm tra, xử lý

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, dọc tuyến sông Hồng, đoạn chảy qua các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm… có gần 10 nhà hàng, công trình nổi hoạt động. Điều đáng nói là các công trình này hầu hết xuất hiện đã nhiều tháng qua và chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, hoặc hoạt động sai phép.

Trước thực trạng trên, mới đây nhất, ngày 27-6-2019, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và đơn vị phụ trách đoạn sông Hồng qua địa phận Hà Nội kiểm tra, xử lý. Cùng thời điểm, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, UBND các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm... cũng chỉ đạo đơn vị chức năng cùng UBND các phường phối hợp kiểm tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều nhà hàng nổi đã vi phạm với các nội dung: Không có quyết định giao, cho thuê mặt nước; không giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; không giấy phép kinh doanh; không giấy phép neo đậu tàu thuyền; không nộp thuế từ hoạt động kinh doanh, hoặc hoạt động sai phép trong thời gian dài... Mặc dù các vi phạm đã được chỉ rõ, song đến hết ngày 5-7, mới chỉ có một số ít trường hợp bị xử lý. Cụ thể là nhà hàng nổi Cù lao sông Hồng, diện tích khoảng 370m2, thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đã được tháo dỡ và di chuyển ra khỏi khu vực. Hiện tại, UBND phường Phú Thượng chỉ đạo các lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý nếu vi phạm tái diễn.

Trong khi đó, 3 nhà hàng nổi là Sông Hồng View, Phương Linh và Bếp Ngư Ông thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) có tổng diện tích 380m2 vẫn ung dung hoạt động. Dù rằng trước đó, ngày 19-6-2019, cả ba nhà hàng này đã bị UBND phường Ngọc Thụy kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động, di dời nhà nổi, bè nổi đang hoạt động kinh doanh ăn uống ra khỏi vị trí hành lang bảo vệ công trình đê điều xong trước ngày 30-6-2019 (!).

Tương tự, Bến thủy nội địa Chương Dương, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), do Công ty cổ phần Thăng Long GTC liên danh với một số đơn vị khác quản lý, sử dụng (được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp phép hoạt động bến thủy nội địa) cũng vi phạm với các nội dung: Hệ thống cầu phao nổi diện tích khoảng 90m2 được lắp đặt khi chưa được cấp phép; 1 ụ nổi đã hết hạn Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa từ ngày 31-12-2018 nhưng vẫn hoạt động; việc sắp xếp tàu thuyền tại bến chưa bảo đảm theo quy định. UBND phường Chương Dương yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ, di chuyển hệ thống phao nổi không phép xong trước ngày 30-6-2019, nhưng đến ngày 6-7-2019 vẫn chưa khắc phục xong.

Cần xử lý dứt điểm

Chậm được xử lý nhà hàng, công trình nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng
Nhà hàng nổi trên sông Hồng, thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) mặc dù đã bị yêu cầu di dời nhưng vẫn hoạt động.

Theo tìm hiểu, việc các công trình nổi trên sông Hồng tồn tại trong thời gian dài là do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp trong kiểm tra, xử lý. Đơn cử, đối với 3 nhà hàng nổi tại phường Ngọc Thụy hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng phải đến ngày 19-6-2019, khi có phản ánh của người dân, UBND phường mới kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: "Theo quy định, các nhà hàng nổi hoạt động dưới mặt nước không thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền phường. Hiện UBND phường Ngọc Thụy đang chờ ý kiến chỉ đạo về vấn đề này của UBND quận Long Biên và các cơ quan chức năng...".

Nhà hàng nổi Cù lao sông Hồng tại phường Phú Thượng cũng hoạt động từ đầu năm 2019 nhưng đến cuối tháng 6 vừa qua mới được xử lý. Được biết, sau khi phát hiện vi phạm, ngoài việc UBND phường lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ, di dời nhà nổi... thì không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, lập biên bản đối với công trình vi phạm này.

Đối với vi phạm tại Bến thủy nội địa Chương Dương, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND phường Chương Dương thừa nhận, khi phát hiện vi phạm (tháng 5-2019), UBND phường đã lập biên bản ngăn chặn, nhưng do mùa nước cạn, chủ đầu tư chưa xử lý dứt điểm được dẫn đến vi phạm tồn tại đến nay. Hiện, UBND phường đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư tập trung khắc phục tồn tại trong thời gian sớm nhất.

Để làm rõ trách nhiệm trong quản lý, xử lý công trình nổi vi phạm trên sông Hồng qua địa phận Hà Nội, phóng viên đã đặt lịch với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 5-7, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trả lời Cục chưa nhận được báo cáo của các phòng, ban và đơn vị phụ trách trực tiếp nên chưa thể thông tin gì cho báo chí.

Hiện đang là mùa mưa bão, việc tồn tại các nhà hàng, công trình nổi bên sông Hồng không chỉ chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép mà còn ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Và nếu mưa lũ đột ngột ập về, hoàn toàn rất có thể gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng con người. Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý, xử lý dứt điểm vi phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chậm được xử lý nhà hàng, công trình nổi hoạt động trái phép trên sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO