Cầu thép Long Biên đã hơn 120 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải gánh hàng nghìn xe qua lại. Buổi sáng dòng phương tiện từ Long Biên sang trung tâm thủ đô, buổi chiều từ Hoàn Kiếm trở về, gây áp lực cho cây cầu.
Cuối tháng 5, tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy và xe đạp, phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm đi quận Long Biên xuất hiện một tấm đan bị hư hỏng, nhìn rõ nước dưới lòng sông gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông trên cầu. Trước đó, ngày 4/5, phần đường dành cho người đi bộ cũng bị gãy, rơi một tấm đan xuống sông.
Lỗ thủng trên đường bộ cầu Long Biên ngày 28/5. Ảnh: Công ty Hà Hải
Dải phân cách làm đúng nhiệm vụ của mình nhưng lại kéo theo hệ lụy khác
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải cho biết: "Mặc dù Sở Giao thông đã cắm biển cảnh báo nhưng một số phương tiện bị cấm vẫn cố tình đi lên cầu. Chính vì thế, chúng tôi lắp đặt barie, cột thép cố định ở 2 lối lên của cầu, số lượng xe ba gác giảm lên cầu đã giảm được 70-80%".
Để đảm bảo an toàn, từ ngày 22/6 Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) đã dựng các dải phân cách mềm bằng nhựa nhằm phân luồng, không cho các xe ô tô hay xe ba gác, xe tự chế đi lên cầu. Đồng thời, bố trí 3 người cho 1 ca trực để ngăn chặn tình trạng người dân vẫn cố tình vi phạm.
Sáng 22/6, công nhân bắt đầu dựng hàng rào chắn tại các lối lên cầu Long Biên
Hàng rào bằng nhựa, được kết nối với nhau chia đôi lối lên, xuống cầu thành 2 làn. Đầu hàng rào được bố trí 2 cột thép cố định để người dân không thể tự ý di chuyển rào.
Đồng thời, đơn vị quản lý cũng đặt thêm biển cảnh báo cầu Long Biên yếu, đang trong giai đoạn sửa chữa, các phương tiện ô tô và xe ba gác không được di chuyển lên cầu.
Biển cảnh báo được đặt tại vị trí đầu cầu Long Biên
Công ty đường sắt Hà Hải cũng đã cho lắp các camera giám sát trên để theo dõi trạng thái của cầu, phát hiện những vi phạm; trích xuất camera hàng ngày, hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng như CSGT Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội.
Tuy nhiên, dù ngăn được xe 3 bánh, xe thồ, xe chở hàng cồng kềnh đi lên cầu nhưng lại khiến mặt đường bị thu hẹp, xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm, khiến xe máy cũng khó khăn để di chuyển. Do mặt đường bị thu hẹp nên tình trạng ùn tắc đã xảy ra vào các giờ cao điểm, buổi sáng dòng phương tiện từ Long Biên sang trung tâm thủ đô, buổi chiều từ Hoàn Kiếm trở về, gây áp lực cho cây cầu khiến xe bị dồn ứ tại đầu cầu.
Thêm vào đó, tại điểm đầu cầu không có lực lượng chức năng ứng trực, phân luồng nên xảy ra tình trạng xe máy chen lấn hoặc quay đầu gây ùn tắc.
Xe máy khó khăn di chuyển qua khu vực có dải phân cách
Chị Nguyễn Lê Thanh (Long Biên) cho biết, chị khá bất ngờ khi thấy hàng dải phân cách mới được dựng lên ở cầu Long Biên.
“Tôi ủng hộ lực lượng chức năng có giải pháp ngăn xe 3 bánh, xe thồ đi lên cầu. Tuy nhiên cơ quan quản lý cầu cần nghiên cứu lại điểm lắp đặt hàng rào vì lối lên cầu quá hẹp khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn”, chị Thanh nói.
Ứng xử với di sản cầu Long Biên
Nhiều năm qua, cuộc tranh luận ứng xử thế nào với cầu Long Biên chưa có hồi kết, trong khi nhu cầu đi lại giữa người dân hai quận Long Biên, Hoàn Kiếm khá bức thiết. Một số nhà văn hóa, lịch sử muốn bảo tồn cầu, trong khi nhà quản lý và chuyên gia xây dựng cho rằng cầu đã quá yếu, được xây bằng công nghệ cũ, khó bảo tồn.
Toạ đàm trực tuyến "Ứng xử thế nào với cầu Long Biên" được Báo Giao thông tổ chức sáng 8/6
Theo Dân trí, cho đến nay có ba phương án được các chuyên gia, các cơ quan có trách nhiệm nêu lên: Một là, bảo tồn, phục hồi cầu Long Biên giống như người Pháp đã xây nó, hay còn gọi là phục hồi nguyên trạng; Hai là, xây cầu mới tại vị trí hiện nay với phong cách kiến trúc cũ, nhưng tăng thêm hiệu quả, công năng cho các phương tiện giao thông khác; Ba là, xây cầu mới cách vị trí cầu Long Biên khoảng 70m, còn cầu Long Biên duy trì như hiện nay và hạn chế người, phương tiện qua lại.
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, thẩm mỹ, cầu Long Biên còn có giá trị rất lớn về văn hóa. Không gì có thể thay thế cây cầu này, cả ở giá trị văn hóa và chức năng giao thông”.
Ông nhấn mạnh thêm: “Đã là cầu thì phải có hoạt động, đi lại. Không đi lại thì cầu chỉ là cái xác công trình, là phế tích. Nhưng đi lại thế nào phải tính toán, phải phù hợp với thực trạng, tải trọng cầu và cả nhu cầu của người dân”.
Ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu”.
Ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Cầu Long Biên đã quá thời hạn sử dụng nên cần có dự án sửa chữa triệt để, tổng thể thay vì sửa chữa "chắp vá". Hiện nay vì do nguồn vốn hiện có hạn, chỉ sửa chữa nhỏ lẻ, duy tu, đảm bảo trạng thái công trình. Về lâu dài, có giải pháp sửa chữa tổng thể, cầu vừa có giá trị về mặt văn hoá, di tích lịch sử, vừa đảm bảo giao thông, đầu mối giao thông Hà Nội".
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội đề xuất phương án ứng xử với cầu Long Biên: “Phương án tối ưu nhất là tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên tại vị trí cũ gắn kết với hệ thống di sản, đấy là cách để phát triển kinh tế, kích thích du lịch. Nên xây dựng một cây cầu mới, còn ở vị trí nào thì cần phải điều tra, khảo sát và cân nhắc thêm”.
Trong khi chưa đạt được sự đồng thuận, Bộ Giao thông đưa ra phương án trung gian, gọi là phương án ba, làm cây cầu mới nằm song song cách cầu Long Biên khoảng 70m. Cầu mới có chức năng giao thông đường sắt, đường ô tô, xe máy. Còn cầu Long Biên chỉ duy tu, bảo dưỡng, chờ quyết định phương án bảo tồn.
Tương lai nào cho cầu Long Biên?
Làn đường sắt tại cầu Long Biên
Hàng ngày, công nhân vẫn khảo sát, bảo dưỡng những chiếc bu lông, cào phần han gỉ, sơn lại nhiều hạng mục liên quan đến đường ray tàu hỏa để đảm bảo an toàn đường sắt.
Để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu Long Biên, trước mắt, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải sẽ kiểm tra sơ bộ, đánh dấu các vị trí nguy cơ, xung yếu để có giải pháp tiếp theo. Đồng thời, cho lắp ngay thanh chặn, biển cấm xe máy đi lên lối đi dành cho người đi bộ.
Trong khi chờ giải pháp kỹ thuật, vốn để sửa chữa các vị trí xung yếu, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải sẽ mua vật tư dự phòng như tấm bản thép để kê tạm thời lên các khe hở rộng, cập kênh giữa các tấm đan trên mặt đường... để đảm bảo an toàn, vừa tạo thuận lợi cho người dân lưu thông.
Về lâu dài, theo Cục trưởng Cục Đường sắt Vũ Quang Khôi, quy hoạch thời gian tới, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ được đầu tư, trong đó, sẽ xây cầu đường sắt mới qua sông Hồng.
Theo quy hoạch, đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên mà dừng tại khu vực đầu mối Ngọc Hồi. Bộ Giao thông Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Sau đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, gồm xây cầu mới để thay thế cầu Long Biên.
Hiện cầu Long Biên phục vụ ba tuyến đường sắt quốc gia gồm Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai. Phần đường bộ chỉ cho phép người đi xe đạp, xe máy; cấm người đi bộ, ôtô, xe máy thồ, xe ba gác vào giờ cao điểm. |