Cánh cửa mở vào Thành phố sáng tạo

Nhật Anh| 27/01/2022 19:00

Thiết kế sáng tạo đã được chọn là một trong 6 lĩnh vực trọng điểm để Hà Nội tự tin phát triển công nghiệp văn hóa. Từ đây, cánh cửa lớn mở ra với ngập tràn hy vọng bởi thành phố nghìn năm tuổi được UNESCO ghi danh là “Thành phố thiết kế sáng tạo” đang ôm ấp trong lòng nguồn lực khổng lồ cho thiết kế sáng tạo.

Cánh cửa mở vào Thành phố sáng tạo
Dự án Hà Nội Unbox - một trong số những ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo.
Khơi nguồn sáng tạo
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đệm vô cùng ý nghĩa cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Đó chính là động lực khơi nguồn cảm hứng thiết kế sáng tạo cho Thành phố đang cất giữ trong mình biết bao tài nguyên văn hóa giá trị.
Không phải ngẫu nhiên khi giải đáp các vấn đề xung quanh Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: “Hà Nội có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là từ vị trí, vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước, từ những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử nghìn năm”. Bởi thực tế, Hà Nội đang cất giữ trong lòng thành phố nguồn lực dồi dào để tạo dựng các thiết kế sáng tạo mang bản sắc riêng. Ấy là kho tài nguyên khổng lồ các giá trị văn hóa truyền thống gồm nhiều “nhánh” khác nhau như: “nhánh làng nghề”, “nhánh di tích”… Chưa kể Hà Nội còn là một trong hai địa phương tập trung đội ngũ các nhà thiết kế lớn nhất cả nước, từ thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật, cho đến các lĩnh vực thiết kế sáng tạo khác. Đây chính là cơ sở để Thủ đô chuyển hướng phát triển sang lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Dòng chảy sáng tạo
Từ khi mở cánh cửa vào Thành phố sáng tạo, Hà Nội mạnh dạn hiện thực hóa mục tiêu đưa Thủ đô trở thành “kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế. Lắng lại trong cảm nhận về sự sáng tạo nơi mảnh đất đô hội này sẽ thấy, thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là văn hóa. Dù thành phố chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân đã tự lực đầu tư, thực hiện các hoạt động sáng tạo phục vụ đời sống. Không chỉ là những không gian sáng tạo, không chỉ là những sự kiện văn hóa, mà còn là những sản phẩm hàng hóa sáng tạo.
Cánh cửa mở vào Thành phố sáng tạo
Tổ hợp Complex 01 ở Sơn Tây từ một không gian công nghiệp bỏ hoang đã được chuyển đổi thành không gian sáng tạo hấp dẫn.
Đơn cử như, giới thiết kế đã biến hóa một số nhà máy cũ của Hà Nội thành những không gian độc đáo, mang đậm dấu ấn thời đại. Tổ hợp Complex 01 ở Sơn Tây (quận Đống Đa) chính là tái thiết của Nhà máy in Công đoàn năm nào, biến không gian công nghiệp bỏ hoang thành tụ điểm giải trí, sáng tạo của giới trẻ yêu nghệ thuật. Rồi tổ hợp 282 Design ở Phú Viên (quận Long Biên), Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (quận Hoàn Kiếm)… Ngay cả khu vực Hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nay cũng đã là điểm hẹn của các không gian văn hóa thay vì một thời là nơi tập thể dục tự phát của người dân. Nói như kiến trúc sư Nguyễn Bũi Vũ - đồng sáng lập Complex 01: “Complex 01 và rất nhiều không gian sáng tạo khác đang được nhen nhóm trước sự vận động ngày càng nhanh của xã hội Việt Nam. Sự cộng hưởng của chúng sẽ mở ra môi trường mở thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy giới trẻ tham gia công nghiệp sáng tạo; xa hơn là tạo ra cảm hứng thiết kế mới làm điểm nhấn cho cảnh quan đô thị Hà Nội”.
3 năm trở lại đây, Liên hoan Sáng tạo thiết kế Việt Nam được tổ chức thường niên là lời thuyết trình rõ nét cho nỗ lực khẳng định thương hiệu Thành phố sáng tạo về thiết kế của Hà Nội nói riêng và tương lai sáng tạo Việt Nam nói chung. Liên hoan năm 2021 được coi như một cuộc “tổng động viên” lực lượng sáng tạo khi có 35 tổ chức thành viên là những dự án văn hóa, thiết kế tiềm năng. Trong dòng chảy sáng tạo đó, còn nổi lên dự án trẻ “Hà Nội Unbox” chọn du lịch văn hóa làm hướng đi riêng mình. Ở đó, ý tưởng du lịch với chiếc “Hộp văn hóa” kết hợp xu hướng du lịch kỹ thuật số hiện đại từ các Thành phố sáng tạo nổi tiếng cùng nét riêng của văn hóa Việt Nam.
Đúng như PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhìn nhận, sự chủ động của giới sáng tạo đã tạo động lực để Hà Nội chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế, góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa phong phú.
Tạo đà cho sáng tạo
Trong hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” tổ chức mới đây, nhà quản lý và giới làm nghề đều chung quan điểm, Hà Nội cần xác định sáng tạo như một động lực phát triển bền vững để xây dựng những giải pháp hiệu quả nhằm chuyển hóa nguồn lực văn hóa cho sáng tạo. Mà để tạo sự chuyển hóa, thành phố cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn. Hơn cả là hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, đầu tư phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và triển khai quyết liệt 6 sáng kiến của Hà Nội cam kết với Mạng lưới các Thành phố sáng tạo.
Ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê Bros đề cập đến một trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, các tiện ích và nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư. Đặc biệt, về mặt cơ chế, nhiều người cho rằng, Hà Nội cần thúc đẩy hợp tác công - tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. “Muốn thúc đẩy danh hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội, Thủ đô cần có cơ chế để biến nó thành động lực. Trong đó, hình thức hợp tác công - tư trong văn hóa cần được chú trọng. Các hoạt động sáng tạo văn hóa cần dựa vào các công ty tư nhân, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ” - PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam bày tỏ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần một quy hoạch cụ thể và hấp dẫn trong lĩnh vực văn hóa, tạo cơ sở cho khối tư nhân nghiên cứu, phát triển dự án.
Không thể phủ nhận, lĩnh vực thiết kế sáng tạo của Hà Nội đang hứa hẹn triển vọng để biến mảnh đất nghìn năm văn hiến trở thành “kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế. Phát triển công nghiệp văn hóa thực sự là con đường lớn để Hà Nội đến đích phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Cánh cửa mở vào Thành phố sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO