Cận Tết xe khách liên tỉnh vẫn... ế

KTĐT| 17/01/2022 19:48

Lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường vé Tết của cả 3 loại hình dịch vụ vận tải hành khách là đường sắt, đường bộ và đường hàng không cùng “rủ nhau” ế ẩm. Trong đó, thê thảm nhất có lẽ là xe khách liên tỉnh.

Bến xe khách Mỹ Đình vắng khách trong ngày cuối năm. Ảnh: Trần Vương
Bến xe khách Mỹ Đình vắng khách trong ngày cuối năm. Ảnh: Trần Vương  

Hành khách như... bốc hơi

Còn đúng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Những năm trước, đây là thời điểm các nhà xe chở khách liên tỉnh đang bận tối mặt khi phải liên tục chạy tăng cường mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Thế nhưng năm nay mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. “Tầm này mà xe xuất bến vẫn vắng hoe. Đường dây nóng đặt vé xe Tết cũng... nguội ngắt. Đại lý bán vé cũng chẳng có người.

Chưa bao giờ xe khách lại ế ẩm đến vậy” – anh Lê Văn Nam, lái xe khách đường dài tuyến Hà Nội – Nghệ An than thở. Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tuyến Hà Nội – Nghệ An luôn là tuyến xe khách liên tỉnh có lượng hành khách đông đảo vào loại bậc nhất của khu vực phía Bắc. Đặc biệt vào những cao điểm lễ, Tết các nhà xe hầu như chạy bở hơi tai mới theo kịp được nhu cầu đi lại của các “thượng đế”. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm Covid-19 hoành hành, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt.

“Tôi là lái xe tuyến này gần chục năm nay mà chưa bao giờ thấy cảnh này. Ban đầu cứ tưởng do giãn cách xã hội mọi người không thể đi lại nên mới ít. Song hết giãn cách mà cũng chẳng thấy ai đi xe. Đến giờ là cao điểm Tết, đúng ra mọi người phải đi lại nhiều lắm mà cũng chẳng có khách nốt. Người đi xe khách cứ như đã bốc hơi hết vậy” – anh Lê Văn Nam nói.

Công ty CP Bến xe Hà Nội nhận định, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 dự báo lượng hành khách sẽ thấp hơn hẳn so với mọi năm. Theo tính tính toán của DN này, trong các ngày 21, 22 và các ngày 26, 27, 28, 29 tháng Chạp (tức ngày 28, 29, 30, 31/12/2022), lượng khách trên các bến xe sẽ tăng khoảng 300% so với ngày thường song do thường ngày lượng khách thấp nên số khách tăng lên sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe, và bình quân lượt khách trên xe sẽ chỉ đạt 50% tải trọng thiết kế.

Cụ thể, tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách qua bến khoảng 4.000 lượt khách/ngày và lượt xe là 380 lượt/ngày; tại Bến xe Giáp Bát là 4.200 lượt khách/ngày và 400 lượt xe/ngày; Bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách/ngày và 220 lượt xe/ngày.

Lượng khách chưa được phân nửa mọi năm

Tại TP Hồ Chí Minh tình hình cũng không khá khẩm hơn là mấy. Lãnh đạo Bến xe Miền Đông cho biết, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ượng khách giảm sâu so với các năm trước. Đến thời điểm hiện tại khách đến bến đạt 12% so với cùng kỳ, lượng xe xuất bến là 30%. Cao điểm Tết dự kiến bán được 19.000 vé (đạt 22% so với cùng kỳ).

Hiện, Bến xe Miền Đông đã chuẩn bị đủ xe, các điều kiện an toàn để đảm bảo phục vụ hành khách. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, hành khách đi lại ít, trong khi đó một lượng lớn hành khách đã về quê thời điểm TP Hồ Chí Minh hết giãn cách xã hội và sinh viên cũng còn ở quê chưa trở lại TP. Về giá vé, lãnh đạo Bến xe Miền Đông cho hay, giá vé năm nay cũng như mọi năm, các nhà xe dự kiến tăng giá vé không quá 60% để bù vào chiều chạy rỗng.

Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, lượng khách năm nay cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến ngày cao điểm Tết có khoảng 27.000 hành khách, đạt khoảng 30% so với thời điểm Tết mọi năm, hành khách đến bến trên 60.000 khách.

Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho hay, do số lượng khách đi ít, bến xe dự kiến không tăng giá vé Tết như những năm trước. “Đến thời điểm này, Bến đã kết nối với 13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, các tuyến đã mở lại hết, song tần suất đi lại rất thấp do không có khách” – ông Phương nói.

Hạn chế đi lại là lựa chọn hàng đầu

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải
Hà Nội nhận định, việc xe khách liên tỉnh vắng khách vào cao điểm Tết Nguyên đán năm nay là điều đã được dự báo từ trước. “Tết năm ngoái (năm Tân Sửu 2021 – PV) lượng người đi xe khách liên tỉnh đã sụt giảm mạnh rồi. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều nên lượng khách sụt giảm thêm là điều dễ hiểu” – ông Bùi Danh Liên phân tích.

Theo chuyên gia giao thông này, có hai nguyên nhân chính làm sụt giảm lượng hành khách đi xe khách liên tỉnh. Thứ nhất là người dân hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Thứ hai là lượng người tỉnh lẻ ở các TP lớn hiện còn rất ít do phần lớn đã về quê tránh dịch từ nhiều tháng trước.

“Hành khách chủ yếu của xe khách liên tỉnh là người dân các tỉnh lẻ làm việc, sinh sống ở các TP lớn. Nhưng số này đã dịch chuyển về quê tránh dịch từ nhiều tháng trước rồi. Hơn nữa, nhiều người cũng hạn chế đi lại do ngại các địa phương yêu cầu cách ly để phong, chống dịch” – ông Bùi Danh Liên cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế đánh giá, sau 2 năm hoành hành, dịch bệnh Covid-19 đã thật sự thay đổi thói quen đi lại của người dân Việt Nam. Nếu như trước đây, dịp lễ, Tết là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nhất thì bây giờ các hoạt động đi lại đều được hạn chế tối đa.

“Hạn chế đi lại để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân đang là sự lựa chọn của mọi người. Trong khi đó, dịch bệnh khiến nhiều người sụt giảm thu nhập, nhu cầu mua sắm dịp Tết cũng giảm hẳn khiến các hoạt động mua bán giảm” – chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.

Thông tin từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, so với năm ngoái, số lượng tàu chạy dịp Tết giảm 10 đôi tàu. Tính đến ngày 5/1, số lượng vé tàu Tết bán được gần 18.000 vé, bằng 8% so với Tết năm ngoái. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, cùng với việc mỗi địa phương lại có quy định phòng dịch khác nhau nên hành khách có tâm lý e dè và cân nhắc kế hoạch đi lại, về quê vui Tết.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, những ngày qua, lượng khách đi, đến sân bay có tăng nhẹ nhưng không đáng kể và chưa bằng số lượng khách của năm ngoái. Theo đó, mỗi ngày, Cảng có khoảng 25.000 - 30.000 lượt khách đi, đến với hơn 300 chuyến bay/ngày và dao động tăng giảm khoảng 3.000 lượt khách/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nét thanh lịch trong trang phục của người Hà Nội xưa
    Theo thời gian, trong nhịp sống hối hả của thời hội nhập, có rất nhiều thứ, nhiều giá trị đã bị "cuốn trôi", song với người Thăng Long - Hà Nội, dù cho đi đâu, ở đâu, họ vẫn luôn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu việc dậy bảo con cháu về cách mặc sao cho đẹp, cho nền nã; chọn trang phục sao cho giữ được nét thanh lịch, mặc sao cho "đậm chất kinh kỳ”....
  • Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
    Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.
  • Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
    Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
  • Quận Đống Đa: Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nhân dân quan tâm
    Sáng 19/9, quận Đống Đa, Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận Đống Đa năm 2024.
  • Hà Nội: Ấm lòng tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các trường học tại quận Hoàn Kiếm
    Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, mới đây, 2 trường: THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn cùng quận bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Đừng bỏ lỡ
Cận Tết xe khách liên tỉnh vẫn... ế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO