Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, những nội dung Chính phủ trình sửa đổi Nghị định hiện nay đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô.
Vì vậy, để bảo đảm đúng thẩm quyền và phù hợp với việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành quy chế đặc thù về tài chính - ngân sách cho thành phố Hà Nội, tuy nhiên vấn đề thẩm quyền ban hành Nghị định được nhiều ý kiến trao đổi tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần xem xét về thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành nhiều nội dung của chính sách như nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%; tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng…
Về quan điểm cần sửa Điều 21 về chính sách, cơ chế về tài chính trong Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần ban hành nghị quyết riêng để quy định cụ thể cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, không nên sửa Luật Thủ đô vì vấn đề này rất khó khăn, phức tạp.
Bà Lê Thị Nga cũng nêu ý kiến cần tổng kết tất cả các thí điểm cơ chế đặc thù của các địa phương đã được ban hành trong thời gian qua để có cơ chế riêng cho Thủ đô và cơ chế riêng các thành phố trực thuộc Trung ương khác, tránh cơ chế đặc thù trở thành đại trà.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí cần sửa đổi Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình ra Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết để ngang tầm Thủ đô; thống nhất bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Toàn cảnh phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ rà soát lại một số nội dung để bảo đảm tính đặc thù nhưng không xung đột với các văn bản pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.