Việc TP Hồ Chí Minh phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm từ khu cách ly dấy lên mối lo ngại dịch sẽ bùng phát trong cộng đồng nếu các đơn vị, cá nhân buông lỏng quy định phòng chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp chiều 1/12. Ảnh: Thống Nhất |
|
Ý thức quá kém
Thời gian qua, một số trường hợp thuộc diện cách ly bắt buộc, cách ly tại nhà nhưng thực hiện cách ly không nghiêm và hậu quả là hàng loạt hệ lụy kèm theo. Đơn cử trường hợp nhiễm bệnh vừa được Bộ Y tế công bố tại TP Hồ Chí Minh là một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines . Đó là anh Đ.T.H. (BN1342) đã vi phạm quy định tự cách ly, dẫn đến lây nhiễm cho người khác, là BN1347. Cơ quan chức năng nhận định, khả năng cao bệnh nhân H. bị lây nhiễm do không tuân thủ quy định cách ly tập trung, bởi chuyến bay về từ Nhật Bản mà anh bay về đến nay không có trường hợp nào dương tính. Theo đó, trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airlines, vào ngày 17/11, bệnh nhân có tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về, đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính. Sau đó vào ngày 25/11, người tiếp viên của chuyến bay Rumani có xét nghiệm dương tính với Covid-19 (bệnh nhân 1325) cùng với 8 tiếp viên khác đi cùng chuyến bay.
Từ ngày 18 - 28/11, bệnh nhân thực hiện cách ly tại nhà, tuy nhiên đã không tuân thủ đúng quy định về cách ly y tế nên tiếp xúc gần với 3 người tại nhà trọ, gồm mẹ ruột và 2 người bạn (1 nam, 1 nữ), chính 1 trong 2 người này đã bị nhiễm bệnh, trở thành BN1347. Trong khi đó, theo hướng dẫn về cách ly tại nhà để phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, người được cách ly phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp, không ăn, ngủ chung với người trong gia đình. Hàng ngày, người cách ly phải thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân...
Đáng nói là tính đến 18 giờ ngày 1/12, ghi nhận thêm 2 trường hợp lây nhiễm từ BN 1347 là bệnh nhi nam, 1 tuổi, ở quận 6, TP Hồ Chí Minh, có tiền sử tiếp xúc gần với BN1347 (bố mẹ bệnh nhi có gửi bé qua nhờ BN1347 trông hộ). Ngoài ra, có BN nữ 28 tuổi, địa chỉ tại quận 6, TP Hồ Chí Minh, cũng có tiền sử tiếp xúc với BN1347.
Theo ông Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc tiếp viên hàng không đang trong thời gian cách ly mà vẫn tiếp xúc với người khác là thiếu ý thức, hệ lụy vô cùng nghiêm trọng nếu lây lan dịch ra cộng đồng.
Siết lại quy trình cách ly
Liên quan đến việc cách ly phòng chống dịch, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, sẽ phải rà soát lại các quy định liên quan đến cách ly tiếp viên, phi công của các hãng hàng không.
Được biết, trong thời gian qua, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất cho tổ bay cách ly tập trung tại trụ sở đoàn tiếp viên và áp dụng quy định cho tổ bay về nhà sớm (sau 4 ngày nếu 2 lần xét nghiệm âm tính). Các hãng hàng không còn lại sau khi thực hiện các chuyến bay đưa khách nước ngoài về Việt Nam đều giao tổ bay cho các cơ sở cách ly do Nhà nước quản lý. Ngay cả khi có xét nghiệm 2 lần âm tính, các phi công, tiếp viên cũng không về nhà khi chưa đủ 14 ngày.
Đo thân nhiệt người đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng |
|
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Trần Như Dương đánh giá, thành công trong việc chống dịch suốt thời gian vừa qua chính là việc chính quyền đã cương quyết và thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong thực hiện cách ly tập trung bắt buộc. Từ đó, phát hiện được hàng trăm ca dương tính, tránh lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra, thành công còn nhờ dựa vào cộng đồng, ý thức của mỗi cá nhân. TS Trần Như Dương cũng cảnh báo, chỉ cần lơi là trong phòng chống dịch, toàn bộ công sức của cả hệ thống chính trị đổ xuống sông xuống biển.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện tại, trên thế giới dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc liên tục tăng cao. Nếu trong nước không áp dụng triệt để các quy định phòng chống dịch, đặc biệt, cách ly tốt các trường hợp nhập cảnh, thì e rằng dịch sẽ tái bùng phát là điều khó tránh khỏi. “Đến nay, nước ta vẫn kiên định các giải pháp phòng, chống dịch, theo đúng 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể. Chúng tôi kêu gọi mỗi người dân hãy có ý thức phòng chống dịch, thực hiện theo khuyến cáo của ngành y, trong đó thực hiện tốt “5K”: Khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Làm rõ trách nhiệm việc lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống chiều 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đề cao cảnh giác, chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”. Về ca lây nhiễm ra cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly. Cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Thủ tướng lưu ý, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc họp, hội nghị, đại hội, sự kiện lớn của đất nước, tập trung nhiều người như tổng kết năm của các bộ, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII… “Vậy chúng ta có biện pháp nào để không ảnh hưởng đến sự kiện chính trị lớn nhất của nước ta và các đại hội quy mô quốc gia khác” - Thủ tướng nêu vấn đề.
Thủ tướng cho biết có ý kiến đặt vấn đề tại sao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy định chặt chẽ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, trong khi một số tỉnh, TP khác lại không? Vậy chủ trương nhất quán của chúng ta là tất cả các phương tiện công cộng, nơi đông người… phải thực hiện một số khâu của Thông điệp 5K”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị không tổ chức thực hiện các chuyến bay thương mại vì chưa có hiệu quả về kinh tế và có nhiều rủi ro trong việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 (đã có chuyến bay từ Nga về Việt Nam đã ghi nhận 12 ca dương tính Covid-19). Cùng với đó, dừng việc tổ chức tiến hành các chuyến bay trọn gói do UBND các tỉnh, TP phối hợp với các công ty dịch vụ thực hiện gây quá tải cho các khu cách ly tại địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến 6 giờ ngày 1/12, liên quan đến ổ dịch tại TP Hồ Chí Minh có 204 trường hợp tiếp xúc có kết quả âm tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 506 trường hợp, trong đó cách ly tập trung 111 trường hợp, cách ly tại nhà 395 trường hợp. |
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt gia tăng mạnh tại các quốc gia khu vực châu Âu, nhiều nước đã phong tỏa, đóng biên giới. Do đó, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực. Đặc biệt là sắp tới gia tăng việc cách ly tại các địa phương khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế) khi thời gian tới là dịp Noel, Tết Dương lịch và chuẩn bị tới Tết Âm lịch nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long |