Theo báo cáo của hệ thống kiểm nghiệm thuốc, trong năm 2018, cả nước đã phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so với năm 2017) và 14 loại thuốc bị nghi ngờ làm giả, trong đó có 13 loại tân dược và một loại đông dược.
So với số lượng mẫu lấy để kiểm nghiệm, tỷ lệ thuốc giả chỉ khoảng 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 2%.
Đáng lo ngại hơn, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật.
Trong đó rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế virus, thần kinh, hỗ trợ sinh lý.
Các chuyên gia cho rằng, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong.
Để ngăn chặn nguy cơ thuốc giả xâm nhập vào thị trường, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.Bộ Y tế cũng sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc…
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về dược - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và đã xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.