Nhà máy Nhiện điện Vĩnh Tân. Ảnh: TTXVN |
Cuối tháng 4-2018, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) “xin ý kiến” về việc chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đề nghị xem xét "đổ" khoảng gần 1 triệu m3 bùn, cát là “vật chất nạo vét” từ dự án nạo vét cảng Vĩnh Tân của nhà máy này ra khu vực biển Vĩnh Tân.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ TN-MT thì chủ đầu tư của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đã có văn bản hiệu chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Theo đó, chủ dự án đã đề nghị được nạo vét bùn, cát tại khu vực trước bến cảng với diện tích khoảng 5,4ha và lượng “vật chất nạo vét” có trữ lượng ước khoảng gần 1 triệu m³. Để xử lý khối lượng bùn cát khổng lồ này, chủ dự án đề nghị được nhận chìm tại khu vực biển Vĩnh Tân trên diện tích 300ha, nơi được xác định là cách Khu bảo tồn Hòn Cau chỉ có 6km và cách vị trí mà dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 từng xin nhận chìm (được nhiều người coi là xả thải) chỉ có khoảng 5km.
Ngày 8-6, Bộ NN&PTNT xác nhận, sau khi nhận được công văn “xin ý kiến” của Bộ TN-MT do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký, Bộ NN&PTNT vừa có công văn số 4073 do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký để “phúc đáp” về việc tiếp tục đề xuất cho nhận chìm gần 1 triệu m³ bùn cát ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
Trong công văn trả lời, Bộ NN&PTNT khẳng định, văn bản mà UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra để xin ý kiến về phương án và vị trí đổ vật liệu nạo vét ngoài khơi của cảng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được ban hành trước thời điểm ra đời Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 40/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này. Vì vậy văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa không còn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật về nhận chìm ở biển.
Đồng thời, Điều 60 của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã quy định rõ thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển. Và điểm b khoản 1 Điều 49 của Nghị định số 40 ban hành năm 2016 của Chính phủ đã quy định tổ chức, cá nhân xem xét cấp giấy phép nhận chìm ở biển khi đáp ứng điều kiện: Có phương án nhận chìm bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 4, Điều 57 của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, theo Bộ NN&PTNT, trách nhiệm lập phương án nhận chìm ở biển là của chủ dự án. Và Bộ NN&PTNT không có trách nhiệm phải chỉ rõ vị trí nhận chìm cho các dự án xin cấp phép nhận chìm ở biển.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ TN-MT xem xét khoản 4 Điều 56 của Nghị định số 40 quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển khi xem xét nội dung thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nhận chìm ở biển thì phải xem xét tính phù hợp của phương án nhận chìm, nhằm đảm bảo đúng quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Trong trường hợp vật liệu nạo vét không thể san lấp hoặc không có phương án nào khác để giải quyết mới tính đến phương án đổ thải ra biển. Vì vậy chủ đầu tư dự án cần phải xem xét, bổ sung các phương án, lựa chọn khác trước khi xem xét phương án nhận chìm ở biển là phương án cuối cùng.
Tuy nhiên, vấn đề hệ trọng theo quan điểm của Bộ NN&PTNT đưa ra là vị trí được xác định để đổ “vật liệu nạo vét” mà chủ dự án nêu ra là không đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Vì vị trí này có khoảng cách quá gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này, đặc biệt là đối với khu bảo tồn biển Hòn Cau và các cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Trước đây, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã từng xin đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, nhưng phải dừng lại do bị dư luận xã hội và nhiều nhà khoa học phản ứng gay gắt, sau đó phải thay bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ.