Ác mộng “đổi đời”: Bài 3 - Công ty Cổ phần TMS Nhân lực thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định
Công ty XKLĐ Tracodi: Bài 1 - Người lao động mắc bệnh và ôm nợ
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH Nguyễn Tiến Tùng cùng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chính thức phát động Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2018.
Ông Lê Đình Quảng - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, chức năng mà chiến dịch đã phân công chúng tôi cam kết sẽ phối hợp để chương trình thành công tốt đẹp. Tôi cũng mong muốn, chiến dịch hiệu quả không những trong thời gian chúng ta thanh tra mà làm sao phải có sức lan tỏa sang các lĩnh vực khác và bền vững. Thanh tra Bộ LĐTB & XH tiếp tục việc thanh tra lĩnh vực này thì cũng cần thanh tra về lao động trong cả lĩnh vực khác vì hiện nay, mối quan hệ giữa bên sử dụng lao động với người lao động còn nhiều phức tạp. Vì vậy, các ngành khác cũng cần được thanh tra thường xuyên để quyền lợi người lao động được bảo vệ - ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Long - Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông tin: Chiến dịch thanh tra lao động đã thực hiện thành công trong các lĩnh vực may mặc, xây dựng và điện tử. Chiến dịch thanh tra năm 2016 cho thấy số vụ tai nạn lao động lĩnh vực xây dựng giảm 30% so với năm 2015 và giảm 30% số người chết. Qua thanh tra theo lĩnh vực, các số liệu được thống kê, tổng hợp theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhiều vi phạm để lập kế hoạch thanh tra cũng như phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động.
Lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng được coi là một trong những lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong đó có những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người như: Sập mỏ đá Lèn Cờ - Nghệ An làm 18 người chết, 6 người bị thương; 02 vụ tai nạn tại mỏ đá liên tiếp trong ngày 21/5/2012 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng làm 9 người chết, 4 người bị thương, vụ sập mỏ đá vào ngày 01/8/2014 tại thôn Trại Sơn, An Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng làm 05 người tử vong, sập mỏ đá núi Hang Cá, Yên Lâm, Yên Định làm chết 08 người.
Trước tình hình ấy, Bộ Lao động Thương binh xã hội tiếp tục tổ chức thanh tra lao động trong những lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong đó có chiến dịch năm 2018 trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động làm giảm sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Việc thanh tra còn tăng cường hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây, nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra lao động các cấp.
Mục đích của chiến dịch là sẽ thanh tra ít nhất 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, giảm thiểu số vụ tai nạn lao động chết người từ mức 19,5% số vụ và 18,2% số người chết xuống còn từ 10% - 15% số vụ nghiêm trọng và số người chết xuống dưới 10%; thanh tra viên lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng thanh tra chuyên sâu về an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - ông Lê Tấn Dũng cho biết, chiến dịch thanh tra sẽ bao gồm 03 hoạt động chính: Một là hoạt động tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách và công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động. Hai là, tập trung thanh tra tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục. Bà là, hoạt động giám sát, tổng kết quá trình triển khai chiến dịch ở các địa phương và chủ trì việc tổng kết rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chiến dịch.
Về quy mô chiến dịch sẽ thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Tài Nguyên Môi trường. Các địa phương còn lại thực hiện chiến dịch dưới sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn từ Thanh tra Bộ LĐTBXH. Thời gian thực hiện, tháng 4/2018 tổ chức lễ phát động, từ tháng 01/2018 - 10/2018 thực hiện trực tiếp các cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp, tiếp tục hoạt động truyền thông. Từ tháng 10/2018 - 11/2018 tổng hợp kết quả và báo cáo tổng kết chiến dịch.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết: Trong chiến dịch có ít nhất 500 doanh nghiệp sẽ được thanh tra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thanh tra toàn ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã thanh tra được khoảng 200 doanh nghiệp rồi, đã thanh tra ở các tỉnh, Thanh Hóa, Hải Dương, trong tháng 5 này sẽ thanh tra ở Hà Nam. Đây là các địa bàn có tình hình khai thác phức tạp. Theo ước tính của Bộ LĐTB XH, hiện nay có khoảng 3000 - 4000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Sở dĩ, không nắm rõ cụ thể bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này là vì còn nhiều doanh nghiệp không được cấp phép hoạt động, tức là hoạt động chui. Mà những doanh nghiệp hoạt động chui (không phép) là ngành thanh tra chỉ có chức năng báo sang bên cơ quan công an địa phương xử lý chứ ngành thanh tra không thanh tra được vì họ không có phép là không có tư cách pháp nhân nên không thanh tra được.
Để tránh tình trạng, sau khi các kết luận thanh tra được công bố, nhưng việc thực hiện lại không được thể hiện triệt để, thậm chí ra kết luận rồi... bỏ tủ, ông Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ: Sau khi có kết luận thanh tra, sẽ được giám sát của bên liên đoàn lao động. Vừa rồi, chúng tôi thanh tra ở Thanh Hóa 26 doanh nghiệp có 01 doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động. Khi có kết luận thanh tra, chúng tôi gửi văn bản tới Chủ tịch UBND tỉnh để UBND tỉnh sẽ có văn bản giao trách nhiệm thực hiện cho từng sở, ban, ngành. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ có biện pháp đình chỉ hoạt động ngay và có báo cáo tới UBND tỉnh đó để có biện pháp cưỡng chế nếu chây ì - Ông Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.