Liên quan đến thông tin độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đó là những nghi vấn không có cơ sở. Việc Quốc hội giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa đã có trong Nghị quyết 88, nghị quyết này ban hành nhằm chủ động cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với đó, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh rằng: “Nếu chúng ta giao cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa thì đến lúc triển khai chương trình không lấy gì đảm bảo đủ sách giáo khoa cho tất cả học sinh. Vì vậy, cần phải có một bộ sách giáo khoa do nhà nước chủ động biên soạn, Bộ GD&ĐT là cơ quan đứng ra tuyển chọn các tổ chức, cá nhân và giao nhiệm vụ viết sách giáo khoa cho họ, làm sao đảm bảo đủ sách giáo khoa khi triển khai chương trình”.
Liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Viết Lộc - Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, hội đồng thẩm định theo thông tư 14 đã thẩm định xong chương trình. Tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố chương trình khung giáo dục phổ thông mới.
Sau khi thẩm định xong, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Từ đó phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng Quốc gia. Tiếp đó, Hội đồng thẩm định Quốc gia sẽ có hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng các bộ sách.
“Như vậy, sau khi có chương trình khung chương trình giáo dục phô thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ có sự tính toán làm sao để áp dụng chương trình giao dục phổ thông một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo chất lượng, tính khả thi khi áp dụng. Quan trọng nhất là đảm bảo được thời hạn mà Quốc hội cho phép thông qua Nghị quyết 51 đã ban hành”, ông Nguyễn Viết Lộc cho hay.