Bi hài cuộc “đối thoại” giữa trường Đại học Đông Đô với sinh viên ở Hải Phòng

Dân Trí| 25/08/2019 21:46

Ngày 25/8, trường Đại học Đông Đô đã có buổi làm việc với sinh viên các lớp văn bằng 2 hệ đại học chính quy ngành Luật Kinh tế sau khi Bộ GD-ĐT phủ nhận cấp phép cho đơn vị này. Nhiều sinh viên kì vọng buổi làm việc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhưng tất cả đều thất vọng bởi những câu chuyện… bi hài.

Bi hài cuộc “đối thoại” giữa trường Đại học Đông Đô với sinh viên ở Hải Phòng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Hàng trăm học viên theo học văn bằng 2 hệ chính quy của trường Đại học Đông Đô ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng đang nếm trái đắng khi đã thi xong tốt nghiệp nhưng không biết bao giờ mới nhận được bằng và bằng đó có được công nhận. 

Thông tin với Dân trí, các học viên cho biết: Sau khi các lớp gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan báo chí về tình trạng đào tạo văn bằng 2 ngành Luật Kinh tế thì trên trang facebook của  Khoa CNTT và Luật Kinh tế của trường Đại học Đông Đô có đưa ra thông báo với nội dung:

Để giải quyết các vấn đề mà thời gian gần đây báo chí mạng đưa tin về trường Đại học Đông Đô, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ có buổi làm việc với Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng và sinh viên lớp LK522.03 và đại diện cho sinh viên các lớp LK522.02, LK522.04, LK522.05.

Thành phần tham dự có ông Lê Ngọc Tòng - Phó hiệu trưởng,  bà Trần Kim Oanh- Phó hiệu trưởng và cô Nguyễn Thị Thảo. Thời gian của buổi làm việc là 10h ngày 25/8/2019.

“Đây là facebook dùng để liên lạc trong quá trình học tập lâu nay”, các học viên cho hay.

Thực hiện đúng như lời thông báo, ngày 25/8, gần 100 học viên đại diện cho 4 lớp có mặt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng với hi vọng sẽ được giải đáp thấu đáo tuy nhiên điều bi hài đã xảy ra.

Ban giám hiệu bất ngờ vắng mặt

Mặc dù đoàn công tác của trường Đại học Đông Đô có mặt từ sớm nhưng cuộc gặp mặt lúc 10h đã bị trì hoãn đến tận hơn 11h. Trước sự bức xúc của các học viên thì đoàn công tác viện lý do… có truyền hình, báo chí tham dự.

Theo giải thích của cô Nguyễn Thị Thảo thì đây là buổi trao đổi với học viên, báo chí muốn trao đổi thì liên hệ làm việc với nhà trường.

Gần 11h30 sau khi đài truyền hình tự nguyện ra về thì đoàn công tác mới “lộ diện”, thậm chí còn đòi ghi phiếu điểm danh để kiểm tra xem có báo chí tham dự hay không nhưng các học viên đều phản ứng bởi trường đã để họ đợi quá lâu, mất cả buổi sáng.

“Thông báo của trường là giải quyết các vấn đề mà thời gian gần đây báo chí mạng đưa tin về trường Đại học Đông Đô thì tại sao lại phải ngại đối diện với báo chí. Bên cạnh đó, buổi làm việc diễn ra chậm cả tiếng mà trường lại không có một lời thông báo, giải thích”, một học viên bức xúc nói.

Sự căng thẳng được đẩy lên cao khi các học viên được thông tin không có lãnh đạo nào của nhà trường ở cuộc gặp trao đổi này. Đoàn công tác của trường Đại học Đông Đô được các thành viên tự giới thiệu gồm một người tên Nghiệp, một người tên Hiệp, trong đó là một phó phòng đào tạo, một trưởng phòng công tác chính trị sinh viên.

Hai người này đều mới được nhận nhiệm vụ chỉ trong… vài ngày. Chỉ có cô Thảo là người cũ.

Đáng nói là hai vị trí mới được bổ nhiệm khi Hiệu trưởng Dương Văn Hòa đã bị khởi tố và đang bị bắt tạm giam và trường cũng chưa có Hiệu trưởng thay thế. Đoàn công tác cũng cho biết, cuộc gặp mặt hôm nay là để lắng nghe nguyện vọng, ý kiến để tổng hợp. Cái gì trong khả năng sẽ trả lời còn ngoài khả năng thì sẽ báo cáo lại Ban giám hiệu để phản hồi sau.

Trước sự bi hài nay, nhiều học viên đã đứng lên phản đối bởi tất cả những người đại diện cho trường ĐH Đông Đô có mặt ở buổi làm việc đều không đúng thành phần như đã thông báo với họ.

“Chúng tôi nhận dược thông báo là có hai hiệu phó xuống giải đáp thắc mắc của chúng tôi. Giờ không có hiệu phó nào. Không những thế, các anh nói là người của trường nhưng các anh chị có giấy ủy quyền không? Trong số các anh chị tới gặp chúng tôi hôm nay, không ai có đủ thẩm quyền để giải đáp thắc mắc của chúng tôi” – một học viên bức xúc.

Bi hài cuộc “đối thoại” giữa trường Đại học Đông Đô với sinh viên ở Hải Phòng - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Gần 100 học viên tham dự buổi làm việc với trường Đại học Đông Đô bức xúc trước sự trì hoãn và thành phần đối thoại không đúng như thông báo.

Diễn biến căng thẳng tạm thời được xoa dịu khi có học viên lên tiếng đề nghị nhẫn nại ngồi nghe thông tin từ đoàn công tác bởi mất công chờ đợi từ sáng. 

Không trả lời được bất cứ câu hỏi nào của học viên

Với các thành phần “từ trên trời” xuất hiện nên đúng như các học viên dự đoán, đoàn công tác không trả lời được các vấn đề mà các học viên đưa ra. 

Khi trưởng phòng công tác chính trị sinh viên nói rằng xuống đây muốn nghe ý kiến thắc mắc của học viên. Lập tức, một học viên đứng lên khẳng định tất cả các thắc mắc của học viên đã gửi văn bản lên trường và báo chí. Còn hôm nay, không ai trong số họ có nhu cầu phải thắc mắc nữa. Mà điều họ cần là phía trường trả lời những yêu cầu, thắc mắc của học viên như thế nào.

Trước phản ứng gay gắt của học viên, người tự xưng là phó trưởng phòng đào tạo trường Đại học Đông Đô đứng lên xoa dịu các học viên bằng cách khẳng định: Hôm nay xuống đây tìm cách để bảo vệ quyền lợi cho các học viên.

Thế nhưng khi học viên đặt câu hỏi: Họ đã học hai năm, đã thi xong tốt nghiệp, vậy họ có được cấp bằng không? Văn bằng của họ có được công nhận không? Nếu không được công nhận thì số tiền họ bỏ ra để học suốt hai năm qua có được hoàn lại không?... Những câu hỏi này không nhận nhận được lời giải thích thỏa đáng từ các thành viên đoàn công tác.

Điều nực cười ở chỗ, người tự xưng là phó phòng đào tạo của trường Đại học Đông Đô dựa vào một ý trả lời báo chí của lãnh đạo Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT (những học viên học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ điều kiện, quy định về tuyển sinh đầu vào, điều kiện đầu ra, quá trình tổ chức quản lý đào tạo đúng quy chế, có hồ sơ lưu, minh chứng đầy đủ thì nhà trường phải đảm bảo quyền lợi cho người học) để trấn an học viên.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo phòng đào tạo khẳng định trường sẽ rà soát lại xem ai đáp ứng yêu cầu trên rồi mới có phương án và vị này cũng cho hay việc tiến hành rà soát này cũng nhằm mục đích báo cáo lên Bộ GD-ĐT.

Ngay sau đó, học viên đứng lên khẳng định tất cả những người theo học ở trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng đều học thật, thi thật, đủ điều kiện, vậy bao giờ trường cấp bằng? thì lại không nhận được câu trả lời.

Không những thế, các học viên thấy vô cùng ngạc nhiên khi phía phòng đào tạo thông báo điều này bởi thông báo tuyển sinh do trường thông báo, giấy nhập học do trường cấp, trường mở lớp, trường cử giáo viên về dạy, trường tổ chức thi nhưng giờ đây trường lại đi rà soát lại xem ai học thật, thi thật!?

Nhằm xoa dịu tình hình, cô Nguyễn Thị Thảo khẳng định với các học viên là lớp cô đảm nhận giám sát đều có đầy đủ thông tin cần thiết để minh chứng cho việc học thật, thi thật của học viên. Còn việc có được công nhận hay không là vấn đề của Ban giám hiệu Nhà trường làm việc với Bộ GD-ĐT.

Ngao ngán trước những lời phản hồi này, một học viên đứng lên đặt vấn đề: “Nếu chúng tôi xác định là mình mất hai năm đi học vô ích thì số tiền học viên bỏ ra để theo học hai năm qua có được nhà trường có bồi hoàn lại hay không?”. Câu hỏi này không có đáp án trả lời.

Cuộc họp kéo dài 1 giờ đồng hồ và tất cả những thắc mắc của học viên đều không có lời giải đáp. Trường cũng không đưa ra một lịch hẹn cụ thể làm việc lại với các học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Bi hài cuộc “đối thoại” giữa trường Đại học Đông Đô với sinh viên ở Hải Phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO