Ông Phạm Ngọc Lân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, quá trình tiếp nhận người bệnh, thăm khám, chẩn đoán, điều trị cho đến khi xảy ra sự cố, các khoa liên quan đã thực hiện đúng chức trách chuyên môn và quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế. Đây là sự cố ngoài ý muốn, dù bệnh nhân được hồi sức cấp cứu kịp thời nhưng không qua khỏi. Sau sự cố, bệnh viện đã tổ chức đoàn đến nhà bệnh nhân Lê Ch thăm viếng và chia buồn với gia đình. Gia đình không khiếu nại gì.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến trường hợp tử vong của bệnh nhân Lê Ch, như quy trình chống sốc phản vệ, tiêm thuốc kháng sinh đã đúng hay chưa, loại thuốc tiêm cho bệnh nhân có cần thiết hay không?
Ông Phạm Ngọc Lân cho rằng, đây là ca mổ chương trình, đòi hỏi phòng mổ phải được vô trùng tuyệt đối. Nhưng đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do chưa đảm bảo yêu cầu này nên sau mổ phải tiêm kháng sinh phòng nhiễm trùng. Sốc phản vệ có thể xảy ra ở bất kì quốc gia nào cũng như ở Việt Nam, nguy cơ tử vong rất cao. Việc tiêm thuốc cho bệnh nhân của cán bộ, nhân viên bệnh viện tuân thủ theo đúng quy trình và không thực hiện khâu thử phản ứng. Theo ông Lân, thử thuốc chỉ bắt buộc với những bệnh nhân tiền sử bị sốc hoặc tiền sử bị dị ứng.
Trước đó, sáng 10-10, sau khi được thăm khám và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng bình thường, bệnh nhân Lê Ch (68 tuổi), trú tại thôn Tân An, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi được phẫu thuật lấy dụng cụ chỉnh hình ở chân trái tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 1 giờ 30 phút với kết quả tốt, không xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đến 11 giờ 45 phút cùng ngày, sau khi được điều dưỡng tiêm thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân Ch có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi, đau ngực. Các bác sĩ kíp trực tại phòng hồi tỉnh đã hồi sức tích cực cho người bệnh theo phác đồ chống sốc phản vệ của Bộ Y tế. Sau 1 giờ hồi sức, bệnh nặng dần và tử vong.