Hàng ngày, theo thời khóa, tăng ni sinh HVPGVN tại Hà Nội thức giấc từ 4h sáng, tụng kinh niệm Phật, ăn chay 3 bữa, tu học khổ luyện trong 4 năm...
Là môi trường vừa học vừa tu, đó là sự khác biệt rõ nét nhất của Học viện Phật giáo so với bất kỳ trường Đại học nào tại Việt Nam. Việc sinh hoạt và học tập của các học viên ở đây có thể nói là khắc nghiệt. Hàng ngày, từ 4h sáng, các tăng ni sinh đã phải thức giấc.
Từ 4h25, từng tốp tăng ni sinh tập trung dưới sân ký túc xá, ngay ngắn, lặng lẽ, không một tiếng động nhỏ, không một tiếng xì xào. 4h30, sau 3 tiếng chuông, là lúc khai tĩnh của các Giảng sư và tăng ni sinh HVPGVN tại Hà Nội.
Đúng 4h30, tất cả tăng ni sinh di chuyển tới trai đường niệm Phật.
Mỗi ngày, tăng ni sinh đều đặn tụng niệm 2 khóa lễ.
4h45 là lúc bắt đầu khóa lễ sáng, 17h45 là lúc bắt đầu khóa lễ chiều.
Đây là một trong những nghi thức trong thời khóa của tăng ni sinh HVPGVN tại Hà Nội.
Tại trai đường, sẽ có một vị quản chúng tăng hoặc quản chúng ni cầm thiền trượng chỉnh lại tư thế nếu có tăng ni sinh nào đó ngồi thiền chưa chuẩn.
Hòa thượng Thích Thanh Đạt- Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện và Thượng tọa Thích Thanh Quyết- Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội.
5h15, vào thứ hai hàng tuần, tăng ni sinh sẽ thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca và Đạo ca.
6h, tăng ni sinh di chuyển về trai đường ăn sáng. Sau đó, từ 7h - 11h15 là thời gian học buổi sáng, giờ học buổi chiều sẽ từ 13h15 - 17h30.
Bữa ăn trưa tại trai đường. Trước khi ăn, các tăng ni sinh tiến hành nghi thức niệm thực.
HVPGVN hiện có hơn 600 tăng ni sinh đang theo học với các cấp học Cử nhân, Cử nhân liên thông, Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Học viện có thuận lợi là được lãnh đạo GHPGVN quan tâm, môi trường giáo dục và môi trường tự nhiên tốt, được tăng ni, Phật tử cả nước quan tâm giúp đỡ. Học viên theo học là các tăng ni đã có thời gian tu hành nhất định nên bảo đảm về mặt đạo đức, tư cách. 100% học viên sinh hoạt nội trú, việc tu đi đôi với việc học.
Công tác quản lý và điều hành HVPGVN theo mô hình vừa là trường Đại học vừa là Phật học viện. Tăng ni là những bậc mô phạm của xã hội cho nên việc đào tạo trong Học viện bao trùm hai yếu tố Tài và Đức. Trong 4 năm, chương trình học gồm 73 môn học, trung bình mỗi năm học tương đương 1.100 học trình.
Học viện luôn chú trọng đổi mới dạy và học nhằm đào tạo những thế hệ tăng ni uyên thâm về giáo lý nhà Phật, đủ khả năng chuyển tải giáo lý tới nhân dân và đồng bào Phật tử nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống.
Học viện hiện có 100 giảng viên cơ hữu là các vị Giáo phẩm GHPGVN có học hàm, học vị. Giảng viên thỉnh giảng khoảng 50 vị là các Giáo sư, giảng sư của các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Điều kiện dự thi vào HVPGVN đối với hệ Cử nhân là tăng ni là phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học và bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông. Để dự thi hệ sau Đại học, tăng ni, cư sĩ thuộc GHPGVN phải tốt nghiệp Cử nhân Phật học hoặc Cử nhân Khoa học Xã hội nhân văn từ hạng khá trở lên. Tất cả các thí sinh dự thi vào Học viện phải được Giáo hội địa phương chấp thuận, có đủ sức khỏe theo quy định, không vi phạm pháp luật Nhà nước.
Tăng sinh Thích Bản Đức chia sẻ: "Công tác giảng dạy của Học viện rất quy củ. Các tăng ni sinh tham gia tu học ở đây đều có tâm nguyện chung, đó là sau khi học xong sẽ góp công sức của mình đưa những giáo lý nhà Phật áp dụng vào cuộc sống, không chỉ riêng cho bản thân mình mà cho mọi người, góp phần trau dồi đạo đức và những giá trị truyền thống từ ngàn năm của dân tộc".
Chư tăng lên chùa Non tụng kinh theo thời khóa.
Ngoài việc tu học, các tăng ni sinh HVPGVN tại Hà Nội tích cực tham gia các hoạt động thể thao...
...nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động nhân đạo, hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô tạng...
19h, các tăng ni sinh ôn bài tại phòng. Một ngày sinh hoạt và học tập của tăng ni sinh sẽ kết thúc vào lúc 21h30.
Ni sinh Thích Nữ Hoà Hạnh cho biết: "Môi trường giáo dục tại Học viện rất tốt, học viên được học các môn thế học, kinh luật, ngoại ngữ... Tất cả tăng ni sinh đều được trau dồi, được các Chư Tôn đức tạo điều kiện để phát huy năng lực của mình".
Ngoài giờ học tập và sinh hoạt chung, các tăng ni sinh không được phép ra khỏi Học viện, khi có việc khẩn thì phải xin giấy phép của Học viện. Và còn rất nhiều quy định thiết yếu khác mà tăng ni sinh phải tuyệt đối tuân thủ như không được nói chuyện tại trai đường, không được ngồi sai vị trí, không được đùn đẩy trách nhiệm và công việc cho người khác, không được tỏ vẻ mệt mỏi trong thời khóa sinh hoạt, luôn xem việc tu và học là nhiệm vụ quan trọng nhất...
Trải qua hơn 35 năm thành lập và phát triển, HVPGVN tại Hà Nội đã đào tạo hơn 3.000 tăng ni có trình độ Cử nhân Phật học đáp ứng nhu cầu hoằng pháp độ sinh của GHPGVN, đặc biệt là nhu cầu Phật sự của các tỉnh phía Bắc. Các cựu tăng ni sinh sau khi ra trường đã đảm nhiệm các vị trí Phật sự quan trọng, lãnh đạo GHPG các cấp và trụ trì các chùa trên địa bàn cả nước. Đây cũng là nguồn lực tăng cường cho GHPG các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Phó Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi, HVPGVN cũng gặp những khó khăn như hoạt động hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa, kêu gọi nguồn công đức tài trợ của các tập thể, cá nhân và các Phật tử hảo tâm. Khó khăn nhất chính là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí duy trì việc dạy, học, ăn uống và sinh hoạt, trung bình mỗi năm hơn 10 tỷ đồng".
Nói về phương hướng đổi mới giảng dạy và học tập trong thời gian tới của HVPGVN tại Hà Nội, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết: "Nội dung giảng dạy sẽ được đổi mới theo hướng vừa duy trì truyền thống Phật học, vừa cập nhật tri thức và phương pháp giáo dục hiện đại, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của Phật giáo và đất nước. Học viện có kế hoạch phát triển theo hướng Đại học tư thục, mở rộng diện tuyển sinh, không chỉ bó hẹp trong giới tu sĩ Phật giáo mà còn thu hút các Phật tử, cư sĩ và những người quan tâm nghiên cứu Đạo Phật theo học; Xin chủ trương của Nhà nước để tuyển sinh tăng ni quốc tế, trước mắt là các vị sư sãi các nước khu vực Đông Nam Á theo học; Mở rộng liên kết trong công tác đào tạo và nghiên cứu Phật học và khoa học với các trường Đại học, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; Tham gia sâu vào hệ thống các trường Đại học Phật giáo trên thế giới"./.