Bát nháo dịch vụ việc làm (*): Xử lý nghiêm các sai phạm

Giang Nam/NLĐ| 18/04/2019 09:10

Người có nhu cầu tìm việc cần tỉnh táo để nhận diện những trung tâm giới thiệu việc làm lừa đảo, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để nghiêm trị những kẻ lừa đảo

Sau loạt bài "Bát nháo dịch vụ việc làm" đăng trên Báo chí được độc giả đặc biệt quan tâm, nhiều chuyên gia về lĩnh vực lao động, việc làm cho biết đó là thực trạng nhức nhối cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay để người lao động (NLĐ) không còn bị lừa, nghiêm trị những kẻ lừa đảo, coi thường pháp luật để trả lại công bằng cho người dân.

NLĐ cần tỉnh táo

Việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cho mình và tránh bị mắc lừa khi đi tìm việc là NLĐ cần phải tỉnh táo để nhận diện các chiêu trò lừa đảo.

BÁT NHÁO DỊCH VỤ VIỆC LÀM (*): Xử lý nghiêm các sai phạm - Ảnh 1.

Nhân viên một trung tâm giới thiệu việc làm đang tư vấn cho người lao động Ảnh: HẢI LIÊN

Theo ông Tuấn, NLĐ phải tỉnh táo để nhận biết trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) "chui". Hiện có một số cơ sở GTVL không giấy phép, hoạt động "chui" hoặc không làm thủ tục đăng ký mở chi nhánh, văn phòng nhằm cố tình lừa đảo NLĐ. Nên tránh những cơ sở này bằng cách tìm hiểu qua biển hiệu của cơ sở, các giấy tờ liên quan được cấp trong quá trình đăng ký tìm việc.

Đặc biệt, NLĐ tuyệt đối không nhận việc qua trung gian. Như Báo đã phản ánh, nhiều trường hợp người tìm việc thỏa thuận nộp hồ sơ xin việc với người lạ mặt tụ tập trước các cơ sở GTVL và sau đó bị lừa lấy mất giấy tờ, tiền bạc. Tốt nhất, NLĐ nên trực tiếp vào gặp nhân viên tư vấn việc làm của cơ sở GTVL uy tín, nắm rõ thông tin tuyển dụng mới nộp hồ sơ.

Nhiều trung tâm GTVL tìm kiếm thông tin tuyển dụng qua mạng internet hay mạng xã hội nên thường là thông tin "ma" hoặc không còn nhu cầu do không kiểm soát đầu vào và thiếu kiểm tra. Vì vậy khi đi tìm việc, NLĐ nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp để biết chính xác công ty còn tuyển người hay không. Cách tốt nhất là đến trực tiếp nơi công ty tuyển dụng và tuyệt đối không giao dịch hay phỏng vấn với người tuyển dụng lạ mặt bên ngoài trụ sở công ty.

Rất nhiều trường hợp NLĐ bị cơ sở GTVL giới thiệu đi phỏng vấn sai địa chỉ hoặc sai với các thỏa thuận về điều kiện tuyển dụng, điều kiện làm việc, thu nhập... Vì thế khi được tư vấn GTVL nên nói rõ công việc cần làm, khả năng đáp ứng, lương đề nghị và yêu cầu nhân viên tư vấn kiểm tra lại tính xác thực của công việc, thực hiện đúng các cam kết do hai bên đưa ra.

Trong trường hợp phỏng vấn bất thành, nên yêu cầu người đại diện tuyển dụng ghi rõ vào mặt sau giấy giới thiệu lý do không được tuyển để làm cơ sở hoàn phí. Nếu sau 1-2 lần giới thiệu bất thành, nên yêu cầu cơ sở GTVL hoàn phí như cam kết.

Ngoài những điều cần lưu ý nói trên, người tìm việc nên tìm đến những đơn vị GTVL có uy tín. Tìm hiểu một đơn vị GTVL có uy tín không khó, có thể nhận biết qua trụ sở, cơ sở vật chất, cách thức tư vấn, hồ sơ giấy tờ... Một số nơi GTVL có uy tín như Votec, Trung tâm GTVL TP HCM, Thanh niên Profec (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), Vinhempich...

Nhận diện trung tâm lừa đảo

Những trung tâm GTVL nhỏ lẻ có dấu hiệu lừa đảo thường đặt gần các bến xe để đón lõng những người tìm việc từ quê lên. Dễ nhận thấy nhất từ những trung tâm này là việc họ tận dụng nhà ở hoặc thuê một cửa hàng nhỏ, đặt bộ bàn ghế sơ sài và vài thông tin tuyển dụng cũ kỹ. Tên trên bảng hiệu không ghi rõ trung tâm đó thuộc sở hay ban ngành nào. Nếu là trung tâm chính thống sẽ ghi rõ thông tin đơn vị chủ quản.

Đánh vào tâm lý của NLĐ muốn tìm việc làm, nhiều trung tâm GTVL tung ra các thông tin tuyển dụng đầy hấp dẫn, với lời hứa hẹn công việc nhàn hạ, ổn định, lương cao nhưng lại yêu cầu NLĐ phải đóng một khoản phí thế chân. Theo quy định của pháp luật, việc đóng phí thế chân là vi phạm pháp luật. Cho nên, nếu trung tâm nào yêu cầu đóng phí thế chân trong khi chưa biết rõ công việc thì đó là nơi lừa đảo.

Tiếp đến là những lời hứa có được vị trí cao, tiền lương ngất ngưởng nhưng công việc quá đơn giản. Khi nhận được thông tin tuyển dụng với công việc hấp dẫn, lương cao mà lại không đòi hỏi nhiều về trình độ, kinh nghiệm thì NLĐ nên cẩn thận. Trong thực tế, chẳng có công việc nào nhàn hạ, đơn giản mà lương cao cả. Rõ ràng đó là những thông tin thiếu trung thực, có dấu hiệu lừa đảo.

Theo ông Tuấn, khi có nhu cầu tìm việc làm, NLĐ nên tìm đến trung tâm GTVL của tỉnh, thành phố nơi mình sinh sống hoặc lên mạng tìm các trang tuyển dụng uy tín để tìm hiểu. Tuyệt đối không tìm đến những trung tâm nhỏ, không đủ điều kiện tuyển dụng, GTVL. Hiện nay, tại tất cả các tỉnh, thành đều có trung tâm giới thiệu và giải quyết việc làm trực thuộc sở lao động - thương binh và xã hội tỉnh, thành đó. Ngoài ra còn có các trung tâm giới thiệu, giải quyết việc làm của các hội, đoàn như của Đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Tất cả đều cung cấp thông tin miễn phí cho NLĐ có nhu cầu tìm việc làm. Thêm nữa, nhiều trang mạng việc làm uy tín có thể cung cấp thông tin việc làm phù hợp cho NLĐ có nhu cầu. Những trang này có trang miễn phí, cũng có trang thu phí nhưng rất ít và cam kết giới thiệu thành công mới lấy phí.

Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh

"Tôi nghĩ ngành lao động nên thường xuyên kiểm tra và đề nghị chính quyền địa phương hoặc chuyển cho cơ quan điều tra để chấn chỉnh, dẹp bỏ những trung tâm GTVL lừa đảo. Đồng thời có những hình thức tuyên truyền tiếp cận hiệu quả với người có nhu cầu tìm việc làm để họ nhận diện được những trung tâm lừa đảo. Có như vậy, NLĐ mới không bị lừa, xã hội mới trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên 4.0, tại sao những chuyện lừa đảo như vậy vẫn còn xảy ra? Câu hỏi này tôi muốn gửi đến cơ quan đang phụ trách mảng lao động - việc làm" - ông Tuấn thẳng thắn.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Bát nháo dịch vụ việc làm (*): Xử lý nghiêm các sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO