Bao giờ thành hiện thực?

Hải Nam| 06/06/2017 11:19

Hiện nay rất nhiều hạng mục của đình Mai Dịch đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Thêm vào đó, tình trạng các hộ dân xung quanh đua nhau lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất đã khiến đình ngày càng bị thu hẹp. Bởi vậy, Tiểu ban quản lý đình và người dân rất vui mừng khi dự án trùng tu, tôn tạo đình Mai Dịch được UBND quận Cầu Giấy đề xuất từ năm 2010. Tuy nhiên hơn 6 năm sau, dự án này vẫn nằm trên giấy.

Đình Mai Dịch là một quần thể di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng được tạo dựng từ thế kỷ XVII. Ngôi đình ban đầu tọa lạc trên thửa đất có diện tích 1 mẫu, 3 sào, 7 thước (khoảng 4.850m2). Đình Mai Dịch là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Mai Dịch qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Với những đặc trưng nói trên, ngày 13/2/1995 Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng chứng nhận đình Mai Dịch là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. 

Nhưng thật đáng tiếc, trước và sau khi được công nhận là một di tích lịch sử thì đã có tới gần 1.000m2 đất của Đình, bị các hộ xung quanh đua nhau lấn chiếm. Chính vì vậy, suốt từ năm 2007 đến 2010 Tiểu Ban quản lý đình cùng Hội Người cao tuổi phường Mai Dịch đã liên tiếp gửi đơn lên chính quyền các cấp, đề nghị có biện pháp ngăn chặn và thu hồi phần đất bị lấn chiếm. Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hà Nội đã có các công văn yêu cầu UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Mai Dịch phải giải quyết dứt điểm vụ việc trên.

Không biết có phải do sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của các cấp hay không, mà đến ngày 24/11/2010 UBND quận Cầu Giấy đã có công văn số 937/UBND-TCKH về việc tiến hành dự án trung tu, tôn tạo đình Mai Dịch. Theo nội dung dự án: “UBND quận Cầu Giấy là chủ đầu tư với kinh phí dự kiến khoảng hơn 42 tỷ đồng, dự án được bắt đầu từ quý I năm 2011 và kết thúc vào quý IV năm 2012”. Ngay sau đó, UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định thành lập Hội đồng bồi thường và tái định cư, để thực hiện công tác GPMB. Ngoài ra, UBND quận Cầu Giấy còn thành lập thêm tổ công tác giúp việc cho Hội đồng này. Tiếp đó, UBND quận Cầu Giấy tiến hành lập phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ nằm trong diện GPMB của dự án. Có thể nói, việc làm này của UBND quận Cầu Giấy là rất bài bản, kịp thời và hợp lòng dân, khiến Tiểu Ban quản lý đình cùng người dân nơi đây vô cùng phấn khởi và hy vọng. 

Thế nhưng, sau những việc làm rốt ráo kể trên, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Khoảng 3 năm sau, vào ngày 8/10/2015 người dân mới có thông tin từ một cuộc họp do UBND quận Cầu Giấy tổ chức. Theo đó, lý do được đưa ra cho sự chậm trễ trên là do: “Việc xác định chỉ giới khoanh vùng của khu vực I (khu vực bảo vệ cũng như thực hiện dự án) không chính xác nên phải tiến hành làm lại từ đầu”. Điều này có vẻ đi ngược với chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại công văn số 2312/UBND-TNMT ngày 4/4/2011. Nội dung công văn này ghi rõ: “Chấp thuận cho UBND quận Cầu Giấy tổ chức giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân trong phạm vi khu vực I”, và bản đồ vẽ khu vực I hoàn toàn không vượt ra khỏi ngõ đi của dân. Ngoài ra, tại thông báo số 76/TB - UBND của UBND quận Cầu Giấy cũng đã tái khẳng định: “Diện tích 733,6m2 tại khu vực I của Di tích lịch sử và kiến trúc – nghệ thuật đình Mai Dịch, đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Cầu Giấy giải phóng mặt bằng”. 

Bởi vậy ngày 5/6/2014, khi UBND phường Mai Dịch có công văn số 456/UBND-ĐC về việc, đề nghị điều chỉnh lại mốc giới bảo vệ khu vực I di tích đình Mai Dịch với lý do trong đó có ngõ đi của dân. Công văn này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Tiểu Ban quản lý đình cùng người dân, khi họ cho rằng chưa bao giờ có chuyện ngõ đi của xóm lại nằm trong khuôn viên đất của đình. Thế nhưng sau đó, hàng loạt các công văn với nội dung điều chỉnh nói trên vẫn được gửi qua đi, qua lại giữa các cơ quan chức năng với nhau. Đáng nói là việc các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được, cũng như chưa có phương án cuối cùng về dự án trung tu, tôn tạo đình Mai Dịch, mặc dù thời gian đề xuất dự án này đã lên đến 6 năm. Điều này khiến Tiểu Ban quản lý đình cùng người dân vô cùng bức xúc và cho rằng, liệu đây có phải là một “dự án ma”, hay đây là sự thử thách niềm tin của người dân đối với chính quyền. Hoặc giả đây là sự bông đùa của một số cá nhân đối với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật mang tính Quốc gia, cũng như giá trị tâm linh của biết bao thế hệ người dân phường Mai Dịch.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn”
    Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cùng các cộng sự giới thiệu và ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn” tại TP Huế.
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở
    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22-11-2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.
  • VinFast VF 3 – Sành điệu, chất chơi trên mọi nẻo đường
    Được định vị là chiếc xe đi phố, VinFast VF 3 gây bất ngờ lớn với ngay cả chủ xe khi dễ dàng chính phục nhiều cung đường khó nhằn trong hành trình hàng nghìn km.
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ thành hiện thực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO