Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì đất nước và nhân dân

Đăng Chung (thực hiện)| 13/06/2017 10:37

Trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, trước những cơ hội và thách thức mới trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, Báo chí Cánh mạng Việt Nam đang tích cực đổi mới để tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách giúp Nhà nước điều chỉnh những chủ trương, đường lối cho phù hợp, góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì đất nước và nhân dân

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Phóng viên: Thưa nhà báo Hồ Quang Lợi, mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Theo nhà báo, mối quan hệ đó ở thời điểm hiện nay đã có những biến đổi như thế nào?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Về cơ bản, mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp từ trước đến nay và từ nay về sau vẫn là mối quan hệ hợp tác vì những mục đích chung, đó là phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Doanh nghiệp cần báo chí cung cấp những thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng quan hệ hợp tác. Đó là những thông tin chính xác về hoạt động kinh doanh. Khi có những thông tin không chính xác thì doanh nghiệp mong muốn báo chí điều chỉnh, phản ánh đúng bản chất sự việc để bảo vệ uy tín cũng như thương hiệu doanh nghiệp. Đồng thời, báo chí luôn cần thông tin về đời sống kinh tế của đất nước, trong đó mảng thông tin rất quan trọng là các hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác của các doanh nghiệp. Có thể nói, đời sống kinh tế của đất nước được phản chiếu từ các hoạt động của các doanh nghiệp thông qua báo chí. 

Khi chúng ta đẩy mạnh CNH - HĐH thì nhu cầu thông tin về các doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung là rất lớn. Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp là một nguồn đề tài phong phú để từ đó có những tác phẩm báo chí có chất lượng. Báo chí cũng rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp khi tổ chức các hoạt động, nhất là hoạt động xã hội. Đó là sự kết hợp giữa nguồn lực vật chất với nguồn lực thông tin vì lợi ích của  cộng đồng xã hội. 

Hiện nay mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp về bản chất không có gì thay đổi nhưng đang xuất hiện các biểu hiện mới. Đó là, trong guồng quay công nghiệp và từ bây giờ là cuộc cách mạng 4.0 thì mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang chịu những tác động do “tốc lực” của “guồng máy” được vận hành với tốc độ cao hơn. Đặc biệt, trong thời đại thông tin công nghệ số với sự lấn lướt của mạng xã hội thì mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp càng bị tác động mạnh. Sự tác động này nếu theo hướng tích cực, thì đó là dùng báo chí và các phương tiện truyền thông chính thức điều chỉnh, lan tỏa thông tin chính xác ra xã hội. Không ai thay thế được chức năng này của báo chí. 

Phóng viên: Trước sức ép cạnh tranh về tốc độ thông tin, đặc biệt khi sự tham gia của mạng xã hội đang khiến nhiều nhà báo đưa tin một cách vội vàng, thiếu chính xác, đem đến những hiểu lầm, thậm chí gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Quan điểm của nhà báo Hồ Quang Lợi về vấn đề này như thế nào? 

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Chúng ta đã ban hành Luật báo chí năm 2016 trong đó có những quy định cụ thể, tạo một hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động báo chí. Nhiệm vụ báo chí nói chung cũng như trách nhiệm xã hội của các nhà báo là phải trung thực, khách quan, công tâm bằng việc cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. 

Vừa qua, xảy ra một số vụ việc đáng tiếc, trong đó có vụ thông tin nước mắm nhiễm Asen. Tôi muốn nhấn mạnh, trước hết, sai sót này bắt nguồn từ đơn vị cung cấp thông tin. Vinastas đã tổ chức một cuộc họp báo đưa ra những thông tin không chính xác, thậm chí là sai lệch về nước mắm nhiễm Asen. Một số cơ quan báo chí khi tiếp cận những thông tin bất thường này lại thiếu thận trọng, mà sự thận trọng ấy phải được thể hiện bằng năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định nguồn tin. Trong hoạt động báo chí, nếu thiếu thao tác kiểm định, kiểm chứng thông tin thì dễ dẫn tới ngộ nhận, thậm chí bị gài bẫy để đưa thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, cần cảnh báo là hiện nay có hiện tượng báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội. Có những người làm báo lấy thông tin từ mạng xã hội mà không kiểm chứng rồi đưa lên tờ báo chính thức của mình, sau đó có nhiều tờ báo khác lại lấy lại thông tin đó. Vậy là từ một người sai dẫn đến nhiều người sai theo kiểu dây chuyền. Ở đây, sai sót vừa do tác phong làm báo cẩu thả vừa do kém khả năng trong phân tích, đánh giá, thẩm định thông tin.

Phóng viên: Trong thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường có tâm lý e ngại, né tránh tiếp xúc với báo chí, truyền thông. Liệu rằng, giữa doanh nghiệp và báo chí đang có những rào cản, thưa nhà báo?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ, từ phía doanh nghiệp cũng cần thấy gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm và quyền lợi của chính bản thân doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp e ngại, thậm chí lẩn tránh báo chí thì dễ bị suy luận là doanh nghiệp có vấn đề gì đó muốn dấu thì mới ngại gặp báo chí... Mà ngay cả khi “có vấn đề” thì cũng nên cung cấp cho báo chí thông tin chính xác và cần thiết để báo chí nói đúng mức về sai sót, giảm thiểu những thiệt hại. Báo chí sẽ chia sẻ, thậm chí có cách giải thích thoả đáng để công chúng hiểu đúng vấn đề. Đó là cách hỗ trợ doanh nghiệp, tránh làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của họ. Vì vậy, doanh nghiệp cởi mở với báo chí, báo chí chân thành với doanh nghiệp, đó là  cái gốc để tạo dựng quan hệ hợp tác tốt. 

Thời gian qua, có hiện tượng một số người làm báo, hoặc mang danh nhà báo có sai phạm khi tác nghiệp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Tuy số lượng người vi phạm này không nhiều so với đội ngũ khoảng 20.000 nhà báo được cấp thẻ, nhưng tác động tiêu cực thì rất nghiêm trọng. Nó làm suy giảm uy tín của báo chí trong xã hội, làm tổn thương lòng tự trọng danh dự người làm báo chính trực. Vì vậy, các nhà báo phải nắm vững các quy định trong Luật báo chí năm 2016, đồng thời thấm nhuần một cách sâu sắc 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, coi đó là lương tâm, trách nhiệm, nguyên tắc hành nghề của người làm báo. 

Tôi tin, các nhà báo khi tiếp xúc với doanh nghiệp một cách đúng mực, thiện chí và trách nhiệm thì sẽ tạo một môi trường tốt để tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí.

Phóng viên: Trong thời gian tới, báo chí cần phải được định hướng như thế nào trong xây dựng văn hóa thương hiệu cho doanh nghiệp thưa nhà báo?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Văn hóa cao nhất của doanh nghiệp là phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, phục vụ lợi ích nhân dân. Văn hóa doanh nghiệp phải từ cái nền tảng là hiệu quả kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Văn hóa doanh nghiệp là một mảng mà báo chí sẽ góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp. Báo chí sẽ góp phần làm sáng, làm mạnh lên thương hiệu của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không phải chỉ biết đến hoạt động sản xuất kinh doanh, “cơm áo, gạo tiền” mà ở đó còn có ánh sáng của đời sống tinh thần phong phú. Để góp phần phát triển văn hóa giữa doanh nghiệp và báo chí, bản thân các nhà báo khi thâm nhập vào đời sống của doanh nghiệp phải với thái độ thân thiện, đúng mực với doanh nghiệp. Tôi nghĩ, cả hai bên đều vì mục đích chung, không vụ lợi thì sẽ xây dựng được văn hóa giữa doanh nghiệp và báo chí.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì đất nước và nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO