Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc: Bài 3: “Quả ngọt” văn hóa đọc vùng ven Hà Nội

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 15/07/2023 20:56

Thay vì sử dụng điện thoại, xem tivi lúc rảnh rỗi, người dân ở phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) gần đây đến với “Thư viện yêu thương”. Tại nơi này, mọi người được đọc sách, mượn sách về nhà, tham gia hoạt động chuyên đề bổ ích, lý thú…

Những năm qua, Thành phố Hà Nội đã xây dựng được mạng lưới thư viện rộng khắp, từ cấp thành phố đến các địa phương, thư viện tư nhân (29 thư viện cấp quận, huyện, thị xã; 54 thư viện cấp xã, phường; hơn 1.000 thư viện, phòng đọc tại các thôn, làng, tổ dân phố). Trong đó, nhiều thư viện cá nhân hoặc cộng đồng thành lập hoạt động hiệu quả, nổi bật là thư viện thôn Bình Vọng (huyện Thường Tín) mà Tạp chí Người Hà Nội điện tử đã đề cập tại bài viết Xây dựng xã hội học tập từ thư viện “cấp thôn”.

20230607_151852.jpg
Người già, trẻ nhỏ đọc sách tại Thư viện yêu thương.

Tiếp đà phát triển thư viện cá nhân tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Thư viện yêu thương do chị Ngô Quỳnh Liên và công ty CPMT Liên Vũ thành lập đã đón nhiều lượt người đến đọc sách, mượn sách…

Từ “phá vỡ” nội quy…

Hiểu rõ những lợi ích từ việc đọc sách nhưng do công việc bận rộn, chị Ngô Quỳnh Liên (Chủ nhiệm Thư viện yêu thương) cho biết, có rất ít thời gian để hòa vào những trang sách. Thừa nhận đây là một khuyết điểm, không muốn những người xung quanh giống như mình, vừa thấy các em nhỏ ở địa phương còn hạn chế trong việc tiếp cận với sách; chị Liên ấp ủ xây dựng thư viện để mọi người cùng đọc sách.

Sau vài năm “thai nghén”, tìm hiểu các mô hình thư viện tư nhân, đầu 2023, đứa con tinh thần Thư viện yêu thương do chị Quỳnh Liên và Công ty CPMT Liên Vũ ấp ủ bấy lâu đã “chào đời”. Địa điểm Thư viện được chị Nguyễn Thị Hiên, Phó Chủ nhiệm thư viện cho thuê với giá ưu tiên , sau đó CTCPMT Liên Vũ cải tạo căn nhà 1 tầng lợp tôn thành nhà 2 tầng diện tích khoảng 70 m2 với cảnh quan, tiểu cảnh đẹp mắt nhằm thu hút sự yêu thích từ các thành viên. Đây là không gian văn hóa đọc miễn phí đầu tiên ở phường Liên Mạc, phục vụ đa dạng người đọc, trong đó đối tượng chính là các em nhỏ, phụ huynh trong thôn, trong xã và cả địa phương khác.

img_0093.jpg
Chị Quỳnh Liên (bên phải) và chị Nguyễn Thị Hiên.

Trên kệ sách Thư viện yêu thương hiện có hơn 1.000 cuốn với đủ thể loại, từ sách văn học, truyện tranh đến nghiên cứu khoa học, văn hóa – lịch sử, tâm lý, kỹ năng mềm... Toàn bộ sách ở thư viện là xã hội hóa. Ban Chủ nhiệm thư viện không bỏ tiền mua sách mà do các phụ huynh, học sinh, bạn bè, người dân trong phường đóng góp, ủng hộ. Để có thêm nhiều sách, Ban Chủ nhiệm thư viện kêu gọi người dân ủng hộ sách qua trang cá nhân, hội nhóm mạng xã hội facebook, zalo.

Chị Hiên cho biết, xã hội hóa ở Thư viện yêu thương nhằm đẩy mạnh phong trào xã hội học tập, học tập suốt đời, tạo không gian văn hóa đọc cho cộng đồng và phục vụ cho chính cộng đồng. Hiện thư viện đã cấp gần 200 thẻ thành viên, trong đó chủ yếu là các em nhỏ. Dù hoạt động chính thức mới gần 5 tháng, nhưng theo chị Hiên, số người đăng ký xin cấp thẻ thành viên đang tăng theo từng ngày. Ban Chủ nhiệm mong ước có nhiều người cùng mở thêm các thư viện yêu thương khác tại địa phương để mở rộng mô hình thư viện, tránh… vỡ trận, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ bạn đọc.

“Ban đầu chỉ vài chục cuốn, nhưng khi chúng tôi kêu gọi ủng hộ, rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài phường đã đem sách đến ủng hộ thư viện, có người đem tới cả bao tải sách. Gần nhất, nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên đến tham gia làm diễn giả giới thiệu cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con” và cùng họa sỹ Tô Chiêm - con của nhà văn Tô Hoài thay mặt nhà xuất bản Kim Đồng tặng thư viện cả thùng sách to với nhiều đầu sách quý. Vừa rồi cũng có chị ở tận Hải Phòng, do ở xa không đến tận nơi tặng sách được, đã nhờ bác thủ thư mua giúp 100 đầu sách. Thật sự chúng tôi rất xúc động và trân quý, biết ơn những tình cảm, sự đồng hành của mọi người với thư viện”, Chủ nhiệm “Thư viện yêu thương” Ngô Quỳnh Liên chia sẻ.

20230607_153305.jpg
Các em nhỏ ở Liên Mạc say mê đọc sách tại thư viện.

Mặc dù thư viện đã có nội quy mở cửa từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều tất cả các ngày trong tuần, nhưng bước vào kỳ nghỉ hè, những ngày qua, nhiều thanh thiếu nhi ở khu phố Hoàng Liên từ 7 giờ sáng đã đến gọi cửa Thư viện yêu thương với mong muốn vào đọc sách. Trước tình huống này, Ban chủ nhiệm chia sẻ rất khó xử và bối rối vì mở cửa ngay cho các cháu vào đọc sách thì… “phá vỡ nội quy” của thư viện, không mở thì các em nhỏ này bị “tổn thương”, thậm chí dập tắt đam mê đọc sách của các em. Cuối cùng, Ban chủ nhiệm chọn phương án “phá vỡ” vì đây là tín hiệu đáng mừng, là chỉ dấu văn hóa đọc đã lan tỏa, phát triển ở vùng đất Liên Mạc nói riêng, Hà Nội nói chung.

Hiện nay, mỗi ngày thư viện đón nhiều em nhỏ và cả phụ huynh, người lớn tuổi đến đọc sách, mượn sách. Bạn đọc đến nhiều có thể làm những người quản lý thư viện bận rộn hơn, nhưng điều đó là niềm vui và trở thành niềm tự hào của những người khai sinh ra Thư viện yêu thương. Vui vì thấy mọi người, đặc biệt là con trẻ ngày càng đam mê đọc sách, rời xa điện thoại, không còn long rong ngoài đường tìm chỗ vui chơi trong ngày hè nắng như thiêu đốt. Tự hào vì thư viện đã phát huy tác dụng, vượt xa sự kỳ vọng ban đầu.

20230607_151916.jpg
Em Trần Thị Khánh Chi, học sinh lớp 5A5 Trường Tiểu học Liên Mạc.

Em Trần Thị Khánh Chi, học sinh lớp 5A5 Trường tiểu học Liên Mạc chia sẻ, lúc ở nhà khi rảnh rỗi em hay xem tivi. “Kể từ ngày có Thư viện yêu thương, ngày nào cháu cũng đến đây đọc sách. Cháu chủ yếu đọc sách văn học thiếu nhi và truyện tranh. Đến thư viện cháu rất vui vì được đọc nhiều cuốn sách yêu thích, được gặp các bạn dù đã nghỉ hè. Cháu mong có nhiều thư viện như thế này để chúng cháu được đọc sách nhiều hơn”, em Trần Thị Khánh Chi hào hứng cho biết.

…đến các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc

Ban chủ nhiệm Thư viện yêu thương nhấn mạnh, mục đích của thư viện không chỉ đơn thuần là nơi để người dân đọc sách, mà còn khơi dậy niềm đam mê, sở thích đọc sách, học tập của mọi người. Từ việc đọc sách ở thư viện sẽ hình thành thói quen đọc sách, mai này dù đi đến đâu nếu thấy sách mọi người đều “vồ vập” đọc say sưa.

Không chỉ cho người dân đến đọc sách và mượn sách như nhiều nơi khác vẫn làm, Thư viện yêu thương có cách làm mới là một tháng tổ chức 1 đến 2 buổi sinh hoạt chuyên đề vào ngày cuối tuần với sự tham gia của các diễn giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo hoặc chính thành viên Ban chủ nhiệm thư viện. Mỗi buổi sinh hoạt có chủ đề khác nhau theo bình chọn của bạn đọc.

20230607_151155.jpg

Buổi sinh hoạt gần nhất, các em nhỏ tìm hiểu về cuốn sách cắt tỉa hoa quả. Thư viện đã mua trái cây, diễn giải sơ lược về lý thuyết theo nội dung cuốn sách, sau đó cho các em thực hành luôn trên các loại trái cây, qua đó giúp các em phát huy tính sáng tạo. Thư viện cũng có buổi sinh hoạt giới thiệu về các cuốn sách có nội dung người tốt việc tốt để các em nhỏ noi gương, học hỏi, phát triển nhân cách… Hoặc có cả buổi sinh hoạt chuyên đề về những cuốn sách bảo vệ môi trường. Kết thúc buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm thư viện và các em nhỏ ra ngay vườn hoa công cộng của tổ dân phố nhặt rác, quét dọn sạch sẽ gọn gàng.

“Chúng tôi còn lựa chọn một trang, một dòng trong cuốn sách có mô tả về con đường, ông bà, cha mẹ… để các em nhỏ làm bài thu hoạch. Nhưng không phải các em viết thành một bài văn mà các em sẽ thể hiện những mô tả bằng hình vẽ. Em nào vẽ đẹp sẽ nhận được phần thưởng. Đây cũng là cách thư viện đưa hội họa, mỹ thuật vào hoạt động văn hóa đọc”, chị Hiên cho biết.

Những “quả ngọt” của Thư viện yêu thương có được thời gian qua đến từ sự quan tâm của chính quyền phường Liên Mạc, sự ủng hộ của các hội đoàn thể, người dân và những hoạt động bổ ích, lý thú của thư viện. Thư viện yêu thương là một mô hình hay để lan tỏa văn hóa đọc cho người dân, nhất là các em học sinh của địa phương và thư viện kiểu này cần được nhân rộng.

img_0072.jpg

Những “quả ngọt” của Thư viện yêu thương có được thời gian qua đến từ sự quan tâm của chính quyền phường Liên Mạc, sự ủng hộ của các hội đoàn thể, người dân và những hoạt động bổ ích, lý thú của thư viện. Thư viện yêu thương là một mô hình hay để lan tỏa văn hóa đọc cho người dân, nhất là các em học sinh của địa phương và thư viện kiểu này cần được nhân rộng; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập và mục tiêu đến năm 2025 Thành phố Hà Nội sẽ có 100% quận, huyện, thị xã có thư viện tư nhân, tủ sách gia đình. Thư viện yêu thương chính là thư viện tư nhân đầu tiên, đã chứng minh được sự hiệu quả trong việc lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: “Quả ngọt” văn hóa đọc vùng ven Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO