Theo đó, sau khi các cơ quan báo chí có nhiều bài viết phản ánh về những sai phạm xảy ra tại Trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa của hộ ông Nguyễn Xuân Hương xã Quảng Thịnh, ngày 11/5/2018, Thường trực Thành ủy có Thông báo số 789-TB/TU về việc kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh về việc này.
Cùng ngày, UBND TP Thanh Hóa có Công văn số 1769/UBND-VP yêu cầu các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, xác minh những thông tin mà báo chí phản ánh.
Văn bản chỉ đạo của UBND TP Thanh Hóa
Ngày 18/5/2018, UBND TP Thanh Hóa đã có văn bản số 436/BC-UBND báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất trang trại tổng hợp cá – lúa của hộ ông Nguyễn Xuân Hương, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa.
Theo đó, báo cáo của UBND TP Thanh Hóa tập trung làm rõ một số nội dung như: nguồn gốc sử dụng đất; hiện trạng khu đất; quy hoạch; hồ sơ sử dụng đất theo quy định; việc quản lý sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Xuân Hương và đề xuất hướng sử lý.
Về nguồn gốc đất, báo cáo nêu: “Khu đất Trang trại tổng hợp trên trước đây do Ban Kinh tế Huyện uỷ Quảng Xương cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tây Hồ thuê đất để sử dụng vào mục đích đầu tư mô hình nông nghiệp cá-lúa kết hợp vào tháng 4/1998.
Do địa hình trũng thấp (giao lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp nhưng các hộ không nhận), khả năng đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất chưa phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao, tháng 8/2002, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tây Hồ đã không còn trực tiếp sản xuất mô hình trang trại cá-lúa mà ký hợp đồng giao khoán sản lượng đối với các hộ: Ông Điện, ông Quế, ông Thịnh, ông Ân và ông Hoà.
Tháng 9/2004, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tây Hồ có thông báo gửi Huyện uỷ Quảng Xương xin thanh lý hợp đồng kinh tế trước thời hạn, tháng 6/2006, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tây Hồ có thông báo về việc chấm dứt hợp đồng kinh tế với các hộ để bàn giao lại diện tích cho Huyện uỷ Quảng Xương quản lý, đồng thời yêu cầu Huyện uỷ đánh giá tài sản trên đất nhưng chưa thống nhất được giá trị tài sản.
Năm 2007, Huyện uỷ Quảng Xương giao lại cho Uỷ ban nhân dân xã Quảng Thịnh quản lý và Uỷ ban nhân dân xã Quảng Thịnh đã cho ông Bùi Sỹ Định thuê. Tại thời điểm này, do không thực hiện việc thanh lý tài sản trên đất giữa Công ty cổ phần Tây Hồ và Ban Kinh tế Huyện uỷ Quảng Xương nên đã xảy ra tranh chấp kéo dài giữa hai bên và các đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan như tranh chấp giữa ông Bùi Sỹ Định với các hộ ông Điện, ông Quế, ông Thịnh, ông Ân và ông Hoà (được Công ty cổ phần xây dựng Tây Hồ hợp đồng giao khoán sản lượng) mất ổn định tình hình địa phương.
Sau khi xảy ra các sự việc tranh chấp khiếu kiện trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 993/UBND-KTTC ngày 02/3/2011 yêu cầu Thanh tra tỉnh kiểm tra, đề xuất giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê trại cá tại xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương. Sau đó Thanh tra tỉnh đã có Báo cáo số 264/BC-TTTH ngày 09/6/2011 báo cáo Kết quả thẩm tra, xác minh vụ tranh chấp tại Trại cá xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương. Theo kiến nghị thanh tra, các bên ký hợp đồng phải tự giải quyết hoặc khởi kiện ra toà, các tổ chức, cá nhân đang có tài sản, đang sản xuất kinh doanh tiến hành kiểm kê tài sản và tiếp tục quản lý sản xuất kinh doanh.
Năm 2012, xã Quảng Thịnh được sáp nhập về thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ, tìm các biện pháp giải quyết tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp kéo dài tại khu trại cá xã Quảng Thịnh; đồng thời thực hiện kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào khu đất trên nhằm tránh lãng phí đất, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các doanh nghiệp cũng đến nghiên cứu, tính toán đến việc thuê đất, sản xuất kinh doanh; nhưng với những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên không có đơn vị, cá nhân nào tham gia đầu tư.
Đến năm 2014, Thành phố Thanh Hóa đã tiếp tục kêu gọi và giới thiệu; ông Nguyễn Xuân Hương là doanh nhân trên địa bàn xã Quảng Thịnh vào tham gia đầu tư. Ủy ban nhân dân xã Quảng Thịnh cùng với ông Nguyễn Xuân Hương đã liên hệ với các bên có liên quan để nhận chuyển nhượng lại toàn bộ khu đất, trong đó đã thanh toán giá trị tài sản, hỗ trợ cho các bên đang tranh chấp nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, để tiếp tục đầu tư mô hình trang trại tổng hợp cá-lúa mang tính phát triển ổn định lâu dài, qua đó đã thu hút gần 100 lao động nông nghiệp ở địa phương tham gia sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc của UBND TP THanh Hóa
Tháng 10/2014, ông Nguyễn Xuân Hương lập hồ sơ đề nghị thuê đất sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài và được Uỷ ban nhân dân thành phố cho thuê đất để sản xuất, đồng thời chấm dứt tình trạng tranh chấp, khiếu nại kéo dài giữa các bên có liên quan.
Về hiện trạng sử dụng đất: “Diện tích khu đất được thuê là 70.363,5m2, trong đó các hạng mục công trình chính được nhận nguyên trạng từ Công ty Tây Hồ (Chưa bao gồm thửa đất ở 250m2 phía Tây Nam khu trang trại do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở năm 2014 từ hộ gia đình liền kề), bao gồm: Các công trình chính trực tiếp sản xuất theo mô hình trang trại: 03 chuồng chăn nuôi lợn, vịt, gà, bò (5+20+37) với diện tích 1.305,6 m2. Nhà kho để cám, vật tư nông nghiệp phục vụ chăn nuôi (19+35): 326,3m2; (Tầng 2 làm khu dịch vụ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ ăn uống). Hệ thống ao cá, chuồng trại nuôi vịt trời (2+15+21+22+29+33+34+35): 28.345,2m2; - Khu trồng lúa: 5.447,2m2; - Khu trồng hoa, rau sạch (27+30+31): 6.062,8m2; - Diện tích trồng cây ăn quả, cây xanh (4+14+25+26): 28.020,1m2. - Sân khuôn viên (24): 1.866,1m2; - Nhà bảo vệ (3): 15m2; - Khu vệ sinh (17): 25,0m2; - Bếp ăn (18): 101,9m2. - Diện tích đường nội bộ, đường ruộng đồng: 4909,3m2;
Các công trình khác: - Chòi trên ao (05 chòi) (6+7+8+9+16): 113,2m2; (Sàn dựng kết cấu cột thép trên nền ao, lợp luồng và kè phục vụ nghỉ chân và các dịch vụ câu cá). - Khu nhà trưng bày, bảo tàng gốm Tam Thọ (02 nhà 11+13): 459,4m2; (Được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận theo Quyết định số 2960/QĐ-UBND, ngày 14/8/2017, được cải tạo trên khuôn nhà cũ nhận chuyển nhượng tài sản của Công ty Cổ phần Tây Đô).- Khu trải nghiệm làm gốm (12): 269,1m2; - Quầy lưu niệm (1): 40,0m2.
Ngoài ra đã xây dựng Khu tường rào, phía Bắc và Nam khu trang trại được quây bằng gạch chỉ trên hiện trạng nhận bàn giao trước đây, các phía khác của khu trang trại đang sử dụng theo hiện trạng và được rào bằng lưới thép B40, cổng vào khu trang trại là những phiến đá xếp, không có cửa, hệ thống giao thông chính và giao thông nội đồng...
Tổng diện tích các công trình phụ trợ khác trên đất: 878,1m2, tỷ lệ xây dựng các công trình phụ trợ trang trại: 1,25%. Ngoài ra còn hệ thống đường giao thông chính, giao thông ruộng đồng, cây xanh cảnh quan...”
Báo cáo khẳng định việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình trên đất của ông Nguyễn Xuân Hương được thực hiện theo đúng Thông báo số 77/TB-UBND ngày 20/02/2017 của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Về quy hoạch khu đất: “Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thành phố Thanh Hoá được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại quyết định 1168/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 thì khu đất trên không nằm trong quy hoạch và bản đồ hiện trạng thể hiện là đất trồng lúa.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 222/QĐ-UBND ngày 17/01/2014 phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Tây Nam thành phố Thanh Hoá, là đất dịch vụ hỗn hợp.
Theo quy hoạch nông thôn mới được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3069/QĐ-UBND, ngày 08/12/2011, vị trí khu đất trên là đất trang trại.
Về hồ sơ sử dụng đất: “Quyết định số 9698/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của Uỷ ban nhân dân thành phố thanh Hoá về việc cho phép hộ ông Nguyễn Xuân Hương thuê đất tại khu Trại cá, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh để đầu tư thực hiện dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá-lúa;
Hợp đồng cho thuê đất số 43/HĐTĐ ngày 19/11/2014 được ký giữa Uỷ ban nhân dân thành phố Thanh Hoá và hộ ông Nguyễn Xuân Hương; Tổng mặt bằng bố trí công trình được Uỷ ban nhân dân thành phố thống nhất tại Thông báo số 77/TB-UBND ngày 20/02/2017; Dự án đầu tư Trang trại tổng hợp cá-lúa; Bản cam kết Bảo vệ Môi trường; Trích lục bản đồ địa chính.
Khu nhà chòi được xây dựng trong khu trang trại của hộ ông Nguyễn Xuân Hương
Về quản lý, sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Xuân Hương: Sau khi được nhà nước cho thuê đất, ông Nguyễn Xuân Hương đã tiến hành việc đầu tư, cải tạo hệ thống ao hồ, chuồng trại chăn nuôi nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp cao hơn trên diện tích đất được thuê. Các nhà sàn, công trình trên đất vẫn giữ nguyên theo hiện trạng khi nhận bàn giao từ Công ty Tây Hồ.
Quá trình quản lý, sử dụng đã cải tạo lại 02 nhà phía Tây khu trang trại, trên cơ sở nếp nhà cũ nhận bàn giao của Công ty Tây Hồ. Trong đó, 01 nhà làm khu dừng chân cho khách thăm quan, 01 nhà làm Bảo tàng gốm Tam Thọ (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2960/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 về việc cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập) với tổng diện tích 459,4m2.
Tạo dựng thêm 05 chòi bằng tre luồng, lợp kè, hệ thống cầu đi trên hồ kết nối các chòi câu cá thư giãn bằng các cột bê tông trên mặt hồ cá, diện tích 113,2m2 để phục vụ cho mục đích thương mại. Cải tạo tầng 2 nhà kho với diện tích 214,6m2 làm dịch vụ thương mại.
Như vậy, trong quá trình sử dụng đất, hộ ông Nguyễn Xuân Hương đã sử dụng sai mục đích một phần diện tích 327,8m2 vào mục đích kinh doanh ăn uống ẩm thực, không đúng mục đích được thuê. Ngoài ra, việc hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Về hướng xử lý tiếp theo, báo cáo cũng nêu rõ: “Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Do dự án Trang trại chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao cho Ban Quản lý dự án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các phòng, ban liên quan chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó có đề nghị điều chỉnh bổ sung một phần diện tích đất trong dự án trang trại là đất kinh doanh thương mại (khoảng 4.500m2), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về quản lý sử dụng đất, TP Thanh Hóa yêu cầu hộ ông Nguyễn Xuân Hương sử dụng đất theo đúng vị trí, ranh giới khu đất, mục đích sử dụng đất được thuê, đồng thời giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, tháo dỡ bảng, biển và dừng các hoạt động liên quan đến kinh doanh ẩm thực
Yêu cầu hộ ông Nguyễn Xuân Hương lập hồ sơ xin chuyển mục đích phần diện tích đất phục vụ kinh doanh thương mại, phần diện tích đất làm bảo tàng ngoài công lập theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng, ông Nguyễn Xuân Hương thực hiện đầu tư theo quy định, tiến hành đăng ký kinh doanh; thực hiện đầy đủ nghĩ vụ tài chính trong việc thuê đất. Chi Cục thuế hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế của hộ ông Nguyễn Xuân Hương theo quy định.
Ngoài ra, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Uỷ ban nhân dân xã Quảng Thịnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố các biện pháp xử lý theo quy định; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Xuân Hương tại khu đất Trang trại tổng hợp cá-lúa, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hoá.