Đàn lợn của gia đình anh Vũ Quang Trường (Lương Tài) phát triển ổn định.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục Chăn nuôi thú y, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh nhận định: Phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư, chuyển từ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung sẽ bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Chi cục đang hướng người dân, chủ trang trại, gia trại từng bước tổ chức chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đó chính là yếu tố quan trọng để ổn định đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm đầu ra và nâng cao giá trị kinh tế. Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện để khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch, an toàn, có thương hiệu cho thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu. Xây dựng mối liên kết giữa các khâu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giữa các tỉnh, thành trong khu vực để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Thực tế cho thấy, toàn tỉnh đang triển khai hiệu quả các vùng chăn nuôi trang trại tập trung như: Vùng chăn nuôi lợn xã Lạc Vệ, Cảnh Hưng (Tiên Du), Nhân Thắng, Bình Dương (Gia Bình), Nghĩa Đạo, Ninh Xá (Thuận Thành); Trung chính, Tân Lãng, Lai Hạ (Lương Tài); vùng chăn nuôi gà công nghiệp xã Hòa Tiến, Tam Giang, Dũng Liệt (Yên Phong), phường Tân Hồng, xã Tương Giang (Thị xã Từ Sơn)…; vùng chăn nuôi bò sữa xã Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông (Thuận Thành).... Ông Vũ Quang Trường, chủ trang trại chăn nuôi hỗn hợp xã Trung Chính (Lương Tài) cho biết: Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm từ thực tế khi trang trại phải tiêu hủy hàng trăm con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi hồi tháng 4 vừa qua do chưa nắm chắc quy trình chăn nuôi cho thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, trang trại đã ổn định đàn vật nuôi, sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh với hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà và các loại thủy sản, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, đến thời điểm này chưa thực sự được dập tắt, tỉnh cũng định hướng người dân phát triển các sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi, gồm 4 sản phẩm: Lợn giống, gà giống, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm. Đây là hành lang pháp lý quan trọng và cần thiết, định hướng cho sự phát triển chăn nuôi của tỉnh theo hướng tăng số lượng đầu con hợp lý, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm, phát triển ổn định đàn lợn, đàn bò. Ưu tiên phát triển những vật nuôi có tiềm năng tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh như lợn, gia cầm. Đồng thời áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, chăn nuôi gia cầm đang chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần thay thế sản lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi. Đàn gia cầm của tỉnh liên tục gia tăng trong những năm gần đây, sản lượng đầu con tăng bình quân 5,17%/năm, sản lượng trứng gia cầm cũng tăng mạnh. Nhiều vùng chăn nuôi gia cầm tập trung được hình thành ở các xã: Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Lạc Vệ (Tiên Du), Phú Hòa (Lương Tài), Ninh Xá (Thuận Thành).
Toàn tỉnh hiện có 70 trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm. Hầu hết các trang trại, doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ cao như công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống. Đã hình thành một số mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Hợp tác xã, câu lạc bộ chăn nuôi với 11 HTX dịch vụ chăn nuôi và câu lạc bộ chăn nuôi; 18 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Một số vùng chăn nuôi tạo thành vùng nguyên liệu cho chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả cao, như: vùng chăn nuôi gia cầm xã Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Phú Hòa, Lai Hạ (Lương Tài)... vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi, vừa góp phần ổn định sản lượng thịt ra thị trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh tả lợn Châu Phi chưa thực sự chấm dứt thì việc phát triển chăn nuôi gia cầm là một giải pháp giúp cân bằng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh về thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Thực tiễn cho thấy phát triển chăn nuôi gia cầm nói riêng và chăn nuôi nói chung phải áp dụng biện pháp chăn nuôi trang trại tập trung có quy hoạch. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng. Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, khuyến khích hình thành các HTX, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.
https://vietnamhoinhap.vn/article/bac-ninh-tai-co-cau-nganh-chan-nuoi-theo-huong-nang-cao-gia-tri-gia-tang---n-24070