- Bia điện Nam Giao nằm trong quần thể hệ thống trưng bày ngoài trời và không gian tưởng niệm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như một minh chứng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam độc đáo, phong phú và hấp dẫn.
- Theo ghi chú của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Bia dựng ở điện Nam Giao (thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1679).
- Trán bia cong hình bán nguyệt trang trí đôi rồng chầu mặt trời. Diềm trán bia chạm khắc đề tài lưỡng long chầu nguyệt và mây. Diềm xung quanh bia chạm rồng, phượng, mây, hoa mẫu đơn, cúc, băng lá đề kép và vân mây hình khánh. Bệ chân đế bia chạm khắc nổi long mã và hoa lá. Mặt trước của bia khắc bài minh bằng chữ Hán do TS. Nguyễn Tiến Triều soạn thảo, TS. Hồ Sĩ Dương nhuận chính.
- Nội dung văn bia ghi việc xây dựng điện Nam Giao, vào ngày đầu năm nhà vua tới làm lễ tế trời – đất, cầu cho quốc phú dân an. Điều đó cho thấy, việc lập đàn để tế cáo trời đất đã trở thành một nghi thức quan trọng không thể thiếu của các triều đại phong kiến được kế thừa, duy trì, phát triển đến các thời kỳ sau này.
- Tấm bia có số đăng ký: LSb.32852. Kích thước, cao: 213cm; rộng: 146cm; dày: 34cm; chân đế: 214cm x 156cm x 51cm. Trong ảnh là những chạm khắc ở chân đế. Bệ chân đế bia chạm khắc nổi long mã và hoa lá. Hoa văn trang trí thể hiện đề tài đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng.
- Một số góc ở phân chân đế bị nứt, ố màu không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, các phần chạm khắc khác vẫn còn nguyên, chi tiết rõ nét.
- Ở góc trái mặt trước của tấm bia, hình một linh thú đã bị vỡ không còn nguyên vẹn.
- Phần trang trí với hình ảnh hoa mẫu đơn, cúc, băng lá đề kép và vân mây. Trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long - Đại Việt dưới các thời Lý - Trần - Lê, bia còn cho hiểu biết hơn về những giá trị lịch sử kinh thành Thăng Long xưa.
- Hình ảnh rồng đặc trưng thời Lê Trung Hưng. Các nét điêu khắc mềm mại, sắc nét cho thấy kĩ thuật điêu khắc của thời kì này đạt cấp độ cao.
- Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử đất nước, Đàn Nam Giao Thăng Long không còn nữa nhưng những giá trị linh thiêng và di vật còn sót lại chứa đựng nhiều giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc của thời Lê Trung Hưng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.