An toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái

Sơn Dương| 29/09/2021 09:23

Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời đã góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh những lợi ích đem lại từ điện năng thì nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy, nổ liên quan đến việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị điện và đặc biệt hệ thống điện mặt trời áp mái là rất cao.

Vì vậy, để chủ động phòng chống cháy, nổ trong quá trình sử dụng hệ thống điện và hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn, Công an thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và toàn thể nhân dân thực hiện tốt một số biện pháp phòng chống cháy nổ, cụ thể như sau:

An toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái

Ảnh minh họa

Đối với hệ thống điện dân dụng:

- Kiểm tra lắp đặt Áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính và cho từng đường dây điện phụ, từng khu và từng thiết bị điện có công suất lớn. Phải đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện, dây chảy của cầu chì phải theo đúng tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng, đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác không phù hợp để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao, Áptômát bị hỏng. Trang bị máy ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá áp.

- Ngay từ ban đầu khi thiết kế lắp đặt phải tính toán và lựa chọn tiết diện của dây dẫn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị tiêu thụ điện mà nó cung cấp. Điểm nối vào mạch rẽ ở hai đầu dây nóng và nguội không được trùng lên nhau, khi thấy nơi quấn băng của các điểm nối dây bị khô và cháy sáng thì phải kiểm tra ngay và nối chặt lại điểm nối. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, nếu bị gỉ thì nơi gỉ là nơi phát nhiệt lớn và dễ phát lửa khi bị quá tải, cần được thay mới.

- Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh,...trên các dây điện và bảng điện... Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện vì chỗ tiếp xúc sẽ bị ăn mòn. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.

- Những thiết bị điện, đồ dùng điện... quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

- Để hạn chế nguy cơ gây cháy khi sử dụng các thiết bị như bàn ủi, bếp điện, các thiết bị gia nhiệt bằng điện trở phải có người trông coi hoặc các thiết bị phải được lắp hệ thống báo. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

- Lắp đặt các thiết bị chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu cháy được như giấy, vải, nilon... để bao che bóng điện. Không đặt các chất gây cháy (ga, xăng, dầu, giấy...) gần các thiết bị, dụng cụ điện như: đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang v.v... Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.

- Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (Công tắc, Ổ cắm, Hộp đấu dây, Mối nối trên đường dây) nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa chúng lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Đối với các loại thiết bị có sử dụng nguồn điện như ô tô, xe máy... Khi đưa vào gara, nhà ở để bảo quản qua đêm nên ngắt hết các thiết bị tiêu thụ điện và rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm đề phòng chạm chập gây cháy.

- Trước khi ra khỏi nhà, nơi làm việc phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ, ra về phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt...cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

Đối với hệ thống điện mặt trời áp mái:

- Sử dụng các thiết bị, linh kiện đảm bảo chất lượng, có nhà phân phối chính hãng, lắp đặt đúng kỹ thuật bảo đảm an toàn.

- Thường xuyên tự kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, mời cơ quan chức năng (công ty điện lực) tiến hành kiểm tra hệ thống thường xuyên.

- Một vấn đề quan trọng không kém đó là khi xảy ra hỏa hoạn, các tấm pin năng lượng mặt trời vẫn có thể tạo ra điện, ngay cả khi chúng bị hư hỏng nghiêm trọng, bị ngập nước. Vì lúc đó chúng vẫn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc thậm chí là ánh sáng từ lửa. Do đó, chúng ta bắt buộc phải thông báo cho công ty điện lực hoặc nhà cung cấp dịch vụ năng lượng mặt trời để cắt điện ngay khi có sự cố hỏa hoạn và nghiêm cấm tuyệt đối sử dụng nước để dập lửa.

- Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đã ban hành văn bản số 3288/C07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống ĐMT mái nhà. Theo đó, các hệ thống ĐMT lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC như khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học, bảo tàng, cảng hàng không... (Phụ lục 4, Nghị định số 79/2014) phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số 114, đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
An toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO