Ác mộng chốn thiên đường

Việt Khánh/NNVN| 18/03/2019 10:13

Những năm qua, xuất khẩu lao động chính là chiếc phao cứu sinh của hàng trăm, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là đồng bào vùng cao khu vực miền Tây

Với họ những chuyến "xuất ngoại" mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao về một cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn, có điều may mắn không đến với tất cả. Trong bức tranh còn những nét màu u ám, xin được nêu thực trạng đang diễn ra tại huyện miền núi Tương Dương để khắc họa chân thực nhất vấn đề.

Huyên náo khắp dải biên cương

Tương Dương nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước với tổng thu ngân sách hàng năm rất khiêm tốn, chỉ loanh quanh 25 tỉ đồng. Xuất phát từ yếu tố đặc thù, xưa nay người dân luôn gắn bó mật thiết với ruộng nương nên cuộc sống còn lắm khó khăn, trăn trở. Nỗi lo toan càng thêm chất chồng khi hàng loạt dự án thủy điện quy mô dựng lên san sát, công trình mọc đến đâu quỹ đất canh tác thâm hụt đến đó, gánh nặng cứ thế nhân lên lên bội phần.

Ác mộng chốn thiên đường - Ảnh 1.

Thanh niên, người trong độ tuổi lao động kéo nhau đi hết, ở nhà chỉ còn người già...

Không nghề ngỗng ổn định, cũng không thể dựa dẫm mãi vào nguồn trợ cấp của nhà nước, thành thử muốn thoát khỏi đói nghèo phải "dứt áo ra đi" tìm chân trời mới. Thực tế cho thấy "thiết thực nhất, hiệu quả nhất" chỉ có con đường XKLĐ, hướng đi này đã và đang mang lại nhiều hi vọng cho không ít gia đình, nhưng ở chiều ngược lại cũng khiến không ít trường hợp phải ngậm đắng nuốt cay.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, huyện Tương Dương luôn đạt và vượt kế hoạch về chỉ tiêu XKLĐ. Tuy nhiên nhìn nhận khách quan thì kết quả đạt được còn khá khiêm tốn, xét trên nhiều khía cạnh. Đáng quan ngại khi biết rằng số lao động hợp pháp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ giọt, trong khi tình trạng lao động "chui" không ngừng gia tăng với tốc độ phi mã.

3 năm về trước, Tương Dương được xem là miếng bánh béo bở trong mắt các trung tâm môi giới. Đỉnh điểm năm 2017, toàn huyện ghi nhận hơn chục công ty thường xuyên cắt cử nhân viên về tận bản làng, thôn xóm tuyển dụng rầm rộ lao động, gây huyên náo khắp dải biên cương. Có cung ắt có cầu, viễn cảnh tươi đẹp cùng những lời hứa có cánh được các trung tâm vẽ nên khiến người người siêu lòng, đi kèm với đó dĩ nhiên là những hợp đồng ràng buộc được ký kết tức thì.

Thế nhưng do nhiều yếu tố "cản trở" nên kết quả thu lại không như mong đợi, hệ quả là làn sóng XKLĐ sớm hạ nhiệt, ghi nhận trong năm 2018 chỉ có vỏn vẹn 5 công ty (Cty CP Thương mại Phúc Chiến Thắng, Cty CP Quốc tế, Cty Vinaco tại Nghệ An, Cty CP Đầu tư Vĩnh Cát, Cty Thăng Long OSC), qua 3 tháng đầu năm 2019 con số này tiếp tục rút xuống còn 2 đơn vị.

Ác mộng chốn thiên đường - Ảnh 2.

...Và trẻ nhỏ

Theo ông Vi Văn Mạnh, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH huyện Tương Dương, quá trình triển khai các công ty không có sự đồng bộ, thống nhất về mặt quan điểm. Lấy ví dụ, khi đi XKLĐ tại Ả Rập bên cạnh việc "free kinh phí", người nhà của đối tượng lao động còn được hỗ trợ thêm số tiền 20 triệu đồng. Quy định rõ ràng là vậy nhưng vì cạnh tranh không lành mạnh các đơn vị sẵn sàng nâng mức hỗ trợ lên 30 triệu đồng, ngược lại có những thời điểm giảm sâu hoặc cố tình lờ phắt đi. Sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần vô hình chung bào mòn niềm tin nơi chính quyền và người dân.

Ác mộng chốn "thiên đường"

Năm 2018 số lao động hợp pháp tại Tương Dương có 82 người, nhiều nhất là các xã Lượng Minh (13 người), Xiêng My (12), Xá Lượng (11), Thạch Giám (8), còn lại rải rác mỗi xã đôi ba trường hợp. Nhiều nhân chứng sống khẳng định đi XKLĐ lúc này chẳng khác nào trò chơi may rủi, ở đó có may mắn, có hi vọng, có cả thương đau lẫn mất mát.

Toàn xã Thạch Giám chỉ có 2 trường hợp xuất khẩu chính ngạch là Ngũ Văn Ngọc và Lìn Văn Hưng, thông qua môi giới của Công ty CP Đầu tư hợp tác Quốc tế Thăng Long - Thăng Long OSC (trụ sở đăng ký tại số 172 đường Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), cả 2 được một công ty chuyên SX giày dép da đóng tại Quảng Tây (Trung Quốc) nhận vào làm. Trái với vẻ hào nhoáng ban đầu, thời gian về sau thực sự là chuỗi ngày khổ ải vô cùng tận.

Chưa hết hoàn hồn, lao động Ngũ Văn Ngọc chua chát kể lại hành trình ác mộng: "Ban đầu họ hứa hẹn đủ thứ, nào là việc nhẹ, lương cao, nào là đời sống được chăm lo, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ, ai ngờ thực tế khác xa hoàn toàn.

Họ áp dụng những quy định trời ơi đất hỡi khiến người lao động dù đề cao cảnh giác cũng khó đáp ứng nổi, cứ thế đồng lương vốn ít ỏi càng hao hụt thêm. Những ai trải qua giây phút ấy mới thấm thía được hết tình cảnh bị ngược đãi, những tháng ngày quần quật trên đất Trung Quốc người lao động xa xứ chúng tôi bị chèn ép, đè nén cả về thể xác lẫn tinh thần".

Quy định đặt ra chỉ phải làm tối đa 12 tiếng/ngày, nhưng công ty thường xuyên bóc lột sức lao động bằng cách đẩy giờ làm lên 14 tiếng, thậm chí nhiều hôm tận 16 tiếng. Để nhận đầy đủ mức lương 3.000 NDT/tháng (tương đương 10 triệu đồng) như hứa hẹn nhất thiết phải đảm bảo đủ công, đủ khối lượng và tuyệt đối không "vướng" nội quy, việc này theo cánh lao động ví von là "khó hơn lên giời".

"Tằn tiện lắm may ra thu về được 3 triệu đồng/tháng, bằng không chẳng còn gì", lao động Ngũ Văn Ngọc khẳng định như đinh đóng cột.

Vốn thạo việc, lại nhanh nhạy trong cách ứng phó nhưng anh Ngọc cũng chỉ cầm cự được trong vòng 3 tháng ngắn ngủi trước khi "bán xới" về quê, chính thức chấm dứt giấc mơ dang dở nơi xứ người. Tương tự là trường hợp của Lìn Văn Hưng, gắng gượng lắm những mong tìm thấy chút hi vọng sau cuối nhưng rốt cuộc vẫn không thể xoay chuyển nổi tình hình, dịp sát Tết người thân vỡ òa như vớ được vàng khi thấy Hưng lếch thếch quay về dù hành trang chỉ là đôi bàn tay trắng.

Trở lại với Công ty CP Đầu tư hợp tác Quốc tế Thăng Long, đành rằng đã được chứng thực đầy đủ cơ sở pháp lý từ các cơ quan ban ngành, trên phương tiện truyền thông bản thân họ cũng đăng đàn: "Thăng Long OSC là một trong những công ty dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực XKLĐ, chuyên cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường quốc tế", dù vậy với những điều mắt thấy tai nghe, người lao động hiểu rõ hơn ai hết.

Uy tín đến đâu chứ cứ nhìn vào cách thức triển khai của Thăng Long OSC sẽ rõ, thật mông lung khi biết rằng giao kèo ràng buộc đôi bên chỉ "gói gọn" ở mức 15 triệu đồng, trong đó 5 triệu tiến hành đóng trước, số còn lại khấu hao dần. Đáng nói hơn, dù mang danh "chính ngạch" nhưng quá trình thực hiện chẳng khác xuất khẩu "chui" là bao, đều như vắt chanh chậm nhất ngày 28 hàng tháng lao động lại trải qua cuộc "hành xác" kéo dài hàng trăm km ngược về cửa khẩu Tân Thanh để đóng dấu xác nhận, ai chậm chân xử phạt 100 đồng NDT.

Trước đó, không hiểu vô tình hay cố ý mà đơn vị này quên nhẹm đi nội dung then chốt "dạy tiếng" vốn dĩ bắt buộc với học viên, đã non kém về tay nghề nay cộng thêm vốn liếng "ngoại ngữ" bằng không khiến người lao động trầy trật trong quá trình hòa nhập nơi xứ người.

Càng hoang mang hơn khi đích danh Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Lô Thanh Nhất khẳng định: "Giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận ký kết về XKLĐ".

Dù các cấp ngành và chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng người dân trên địa bàn huyện Tương Dương ngày càng đua theo xu thế "xuất khẩu tự do". Không phân biệt nam nữ, miễn trong độ tuổi lao động là tìm cơ hội "vượt biên", họ đi biền biệt quanh năm suốt tháng, chẳng thế đảo mắt khắp làng bản chỉ độc bóng người già, trẻ nhỏ. Vấn nạn này diễn ra tại tất cả các xã, thị trấn với hàng ngàn người, sau từng năm làn sóng di cư bất hợp pháp không hề thuyên giảm, trái lại đang có xu hướng tăng nhanh đáng báo động, đằng sau đó là những cơn sóng ngầm âm ỉ mãi không thôi…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Ác mộng chốn thiên đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO