Ả Lã công chúa

Nguyễn Thị Tô Hoài| 23/02/2020 11:34

Thần tích lưu tại đình làng Đường Yên do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc thứ 3 (1574), hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kể rằng, Ả Lã là con của ông Lã Tiến và bà vợ họ Triệu, quê ở trang Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc.

Ả Lã công chúa
Đình làng Đường Yên thờ nữ tướng Lê Thị Hoa - người đã có công phò giúp Hai Bà Trưng dẹp tan quân Tô Định
Thần tích lưu tại đình làng Đường Yên do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc thứ 3 (1574), hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kể rằng, Ả Lã là con của ông Lã Tiến và bà vợ họ Triệu, quê ở trang Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Hai ông bà làm nghề đánh cá trên sông Nguyệt Đức, ở quãng sông từ An Phú đến Hương La, dù đã có tuổi mà chưa có con. Hai người thường bảo nhau làm việc thiện tích đức. Nghe đồn quãng sông ở huyện Đông Ngàn có nhiều hoa lợi, cá tôm, họ liền tìm đến nơi này. Đến nơi thì trời tối, họ xin nghỉ lại trong đền.

Đến cuối canh tư, người chồng  nằm mơ thấy một người con gái từ trên điện bước xuống, hình ảnh yểu điệu tựa Hằng Nga, tự xưng là con trời xuống hạ giới làm thần linh và ngự tại ngôi đền này. Ông tỉnh dậy, biết trong giấc mơ có nữ thần giáng trần. Đến canh năm, người vợ lại mơ thấy có con chim nhỏ từ trên điện bay thẳng vào miệng, bà liền nuốt lấy rồi giật mình tỉnh giấc. Hai vợ chồng đem hai giấc mơ ghép lại với nhau, đoán tất sẽ sinh con gái. Hai ông bà bèn vái tạ rồi trở ra về.

Quả nhiên, ngày 2 tháng 2 năm Quý Mùi, bà họ Triệu sinh được một người con gái có tư cách khác lạ, dung mạo tuyệt trần, đặt tên là Ả Lã. Đến năm 16 tuổi Ả Lã đã là một người con gái sắc sảo, thông minh, tài trí, dũng mãnh hơn người. Bỗng một đêm cả cha và mẹ nàng đều qua đời. Sau khi làm lễ an táng cha mẹ, thấy khí trời không tốt, nhân dân mắc nhiều bệnh, nàng đi tìm thuốc quý người. Khi đến đền Việt Tỉnh trên núi Châu Sơn, nàng gặp được vị tiên hiệu là Ma Cô và được truyền cho  thuốc quý cùng một chiếc áo có thể giúp người mặc tàng hình được. Về quê, nàng trở nên nổi tiếng với tài chữa bệnh. Một lần đến trang Đường Yên, thấy nơi đây có tiếng về lễ nghĩa, phong tục thuần hậu nhưng nhân dân chịu nhiều cực khổ, nàng lại giúp đỡ và được nhiều người theo làm thần tử. Giữa lúc đó, nhà Hán sang xâm lược nước ta, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi anh tài đứng lên cứu nước.

Theo lời hiệu triệu, Ả Lã tập hợp được mấy nghìn binh lính nam nữ tiến đến vùng đất Hiệp Kí, huyện Chu Diên, đạo Sơn Tây hợp binh với Hai Bà Trưng để tiến đánh Tô Định. Bà Trưng biết nàng là người có tài hơn người nên dùng làm mưu thần. Ả Lã mặc chiếc áo màu sặc sỡ và tàng hình đi vào trại giặc để xem xét tình hình. Nhờ đó, quân của Hai Bà Trưng chỉ đánh một trận là đã tiêu diệt được quân địch, chiếm được các thành trì và bắt sống Tô Định đem chém đầu ở núi Ngũ Lĩnh (?). Sau khi dẹp xong quân giặc, Bà Trưng lên ngôi và phong cho Ả Lã là Nữ tướng mưu thần, ban cho hưởng thực ấp ở huyện Đông Ngàn. Nàng trở về xây dựng dinh thự tại trang Đường Yên. Một hôm, nàng mở tiệc mời các bậc phụ lão và nhân dân đến dự. Trong lúc ăn uống bỗng có đám mây vàng xuất hiện.

Ả Lã bước lên đám mây mà bay đi. Hôm đó là ngày 2 tháng 11. Biết tin, Trưng Vương liền sai người về hành lễ và ban cho nhân dân trang Đường Yên là nhân hộ nhi phụng thờ. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân có đến đền bà làm lễ, được âm phù linh ứng lạ thường. Từ đó hàng năm đều sai người về tế lễ, tặng phong là Ả Lã Công Chúa, gia tặng Từ Tĩnh Phu Nhân. Thần rất linh ứng nên nhiều bậc đế vương sau này ban tặng mĩ tự. Đời Trần Thái Tông, giặc Mông Thát sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn vâng mệnh đi cầu đảo bách thần và được một vị công chúa hiển linh phù hộ. Sau khi dẹp xong giặc, Trần Thái Tông phong tặng mĩ hiệu là Diệu Quang linh ứng. Thời Lê Thái Tổ, nhà vua lại phong cho thần là Nhan Uyển cương nghị anh linh, sắc cho trang Đường Yên tu sửa miếu điện phụng thờ.

Truyền thuyết địa phương còn kể rằng Ả Lã khi theo Hai Bà Trưng ra trận đã lấy tên là Lê Hai, mặc áo mo cau để giả trai và chống lại mũi tên hòn đạn của kẻ thù. Sau khi trở về làng, nàng cùng các chị em từng theo mình ra trận trút bỏ áo mo, trở lại là người con gái của đồng ruộng. Đối với nhân dân nơi đây, tên gọi Lê Hai dường như quen thuộc hơn và sử dụng để gọi tên thần trong các ngày cúng tế cũng như dịp lễ hội.

Hội Đường Yên từ xưa được tổ chức từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch, trong đó ngày mùng 2 là chính hội. Đặc biệt trong lễ hội có múa mo, còn được dân làng Đường Yên gọi là múa “cởi vú mo”, hay còn gọi là múa phỗng. Điệu múa này tái hiện sự kiện sau khi thắng trận trở về, nàng trút bỏ áo mo, trở lại người thục nữ. Để tưởng nhớ nàng, mỗi năm mở hội, dân làng Đường Yên đều diễn lại sự tích nàng cởi áo mo. Trong lễ hội dân làng kiêng tên húy thần: Lê Hai đọc là Lê Hoa. Trong làng ai có vợ hai thì phải gọi là vợ “bé”.

Đình làng Đường Yên đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2012.
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ả Lã công chúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO